Thứ 5, Ngày 08/05/2025 -

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận Tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Ngày đăng: 08/05/2025  10:24
Mặc định Cỡ chữ
Chiều ngày 07/5, các ĐBQH tỉnh Kon Tum đã tiếp tục thảo luận tại Tổ 16 đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Đồng chí U Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum chủ trì phiên thảo luận.

 

Đại biểu Phạm Đình Thanh phát biểu tham gia ý kiến xây dựng luật

 

Tại Phiên làm việc này, đại biểu Phạm Đình Thanh đã cùng 6 đại biểu của các Đoàn ĐBQH khác phát biểu ý kiến tham gia xây dựng luật.

 

Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, theo đại biểu Phạm Đình Thanh trong dự thảo nghị quyết có đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung Điều 84 về cơ quan trình dự án luật trước Quốc hội. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung quy định về việc thẩm tra các dự án luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét thông qua. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự án luật trước Quốc hội thì có phải thẩm tra không? Nếu thẩm tra thì cơ quan nào thẩm tra nội dung do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quố hội?. Khoản 5 Điều 74 Hiến pháp năm 2013 quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội (và theo đại biểu hiểu thì Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Nhưng trong thực tế có việc: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự án luật ra Quốc hội thì Ủy ban của Quốc hội lại là cơ quan thẩm tra nội dung do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình (Như trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vừa qua). Lý giải cho việc này, có ý kiến cho rằng Ủy ban của Quốc hội có quyền thẩm tra tất cả các luật là theo quy định của Hiến pháp.

 

Bên cạnh đó nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc Ủy ban của Quốc hội thẩm tra nội dung do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội là chưa phù hợp (cơ quan cấp dưới thẩm tra nội dung do cơ quan cấp trên trình). Do đó đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nghiên cứu để trình Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp trong Hiến pháp đảm bảo việc xây dựng, thẩm tra, ban hành luật trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình được thực hiện đúng trình tự, thứ bậc, thẩm quyền và được tổ chức thực hiện thống nhất trong thời gian tới.

 

Đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), theo đại biểu Phạm Đình Thanh, dự án luật lần này đã đảm bảo thể chế hóa chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

 

Về nội dung dự thảo luật, đại biểu Phạm Đình Thanh đã tham gia các ý kiến như sau: Thứ nhất, về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương dự kiến quy định tại Điều 4. Với phương châm lấy người dân làm trung tâm phục vụ của các cấp chính quyền, theo đại biểu cần tiếp tục rà soát, bổ sung các nguyên tắc để tăng cường hơn về tính kịp thời, minh bạch thông tin để phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của người dân đối với hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức thuộc cơ quan nhà nước, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương và đảm bảo cơ chế kiểm soát quyền lực trong nội bộ. Theo đó, đề nghị bổ sung một số nội dung cụ thể vào phần nguyên tắc như sau:

 

Tại khoản 1, cùng với việc quy định HĐND hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số; UBND hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số; đồng thời đề cao thẩm quyền và trách nhiệm của Chủ tịch UBND. Đề nghị bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực ngay trong hoạt động của nội bộ HĐND, UBND để tránh việc lạm quyền khi xem xét quyết định các vấn đề cụ thể ở địa phương. Tại khoản 3, về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân, đề nghị bổ sung nội dung “Công khai, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của chính quyền. Đồng thời chính quyền phải kịp thời tiếp thu, giải trình và phản hồi ý kiến, kiến nghị của Nhân dân. Tại khoản 5 về nguyên tắc những công việc thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương phải do chính quyền địa phương quyết định và tổ chức thực hiện, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung “và phải công khai kết quả thực hiện với nhân dân”.

 

Thứ hai, về quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương dự kiến quy định tại điều 7. Đề nghị xem xét lại nội dung này có cần thiết quy định về quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương không? Hay chỉ cần quy định quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đã đầy đủ. Bởi vì, theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết 60) thì các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, nhà nước giao nhiệm vụ từ cấp Trung ương đến cấp xã sẽ được hợp nhất vào cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013  cũng dự kiến quy định tổ chức chính trị - xã hội sẽ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ lý do trên đại biểu Phạm Đình Thanh cho rằng, nội dung này chỉ cần quy định về quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đã đầy đủ.

 

Quang cảnh thảo luận Tổ

Phát biểu kết thúc Phiên thảo luận, đồng chí U Huấn đề nghị Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội gửi về Tổng thư kí Quốc hội, Ban soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết này. Đồng thời tham gia 5 ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013/.

 

                                                          Hồ Nam VPĐĐBQH TH