Thứ 5, Ngày 08/05/2025 -

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum thoát nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Ngày đăng: 08/05/2025  10:43
Mặc định Cỡ chữ
Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới có tổng diện tích tự nhiên 9.690,5 km2, với trên 292,5 km đường biên giới giáp với Lào và Campuchia. Toàn tỉnh có 92 xã, phường thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (có 52 xã khu vực III, 05 xã khu vực II, 35 xã khu vực I) và có 371 thôn (làng) đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I; 13 xã biên giới và 03 huyện nghèo...

 

Ngày 24/02/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 08-KL/TU về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh. Đây có thể nói là giải pháp đột phá trong khâu tổ chức thực hiện để sớm đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và tạo sự chuyển biến thực sự trên các mặt đời sống, xã hội.

 

Người dân xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei trồng cà phê xứ lạnh

 

Qua 4 năm triển khai thực hiện, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" trên địa bàn tỉnh đã thật sự đi vào cuộc sống, được đông đảo quần chúng Nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia.

 

Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS về mục đích, nội dung và ý nghĩa của Cuộc vận động; Biên soạn Sổ tay tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động; tổ chức 18 hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại xã Hơ Moong, huyện Sa, xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei; tổ chức 116 hội nghị tuyên truyền Cuộc vận động lồng ghép trong việc duy trì các mô hình điểm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với gần 3.000 lượt người tham dự.

 

Đồng thời, tập trung tuyên truyền sâu rộng đến các hộ đồng bào DTTS thông qua các cuộc họp của thôn, tổ dân phố, tập huấn khởi nghiệp, chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, vận động đồng bào DTTS tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích; phát tờ rơi, qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, qua các trang website, nhóm zalo, Facebook, xây dựng các phóng sự tuyên truyền…

 

Trung tâm Truyền thông tỉnh đã sử dụng có hiệu quả kênh truyền thông để xây dựng nhiều chuyên mục, chuyên đề, phóng sự về các mô hình điểm nuôi dê, nuôi heo, trồng các loại cây công nghiệp giá trị cao, mô hình phát triển dược liệu dưới tán rừng; thực hiện 08 phóng sự và 14 bài về tuyên truyền về công tác giảm nghèo; triển khai kế hoạch xây dựng, thay mới, sửa chữa cụm Pano tuyên truyền về giảm nghèo trên địa bàn 10 huyện thành phố; tổ chức 11 cuộc đối thoại chính sách và truyền thông về công tác giảm nghèo, với 937 người tham gia; tuyên truyền vận động các gia đình ở vùng sâu vùng xa thực hiện việc xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

 

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng 05 mô hình điểm thực hiện Cuộc vận động tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy (02 mô hình) và xã Ngọc Linh, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei (03 mô hình). Phối hợp tổ chức tập huấn kỹ năng triển khai Cuộc vận động cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, ban quản lý các thôn (làng).

 

Đồng thời, huy động được trên 5,1 tỷ đồng tổ chức khảo sát, lựa chọn 36 hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 33 căn nhà; hỗ trợ 03 hộ chăn nuôi heo; trao tặng trên 1.000 suất quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại xã Mường Hoong và xã Ngọc linh, huyện Đăk Glei.

 

Từ hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, kiến thức về khoa học, kỹ thuật, giới thiệu những mô hình, điển hình tiên tiến, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh; sự hỗ trợ về vốn, khoa học, công nghệ, công lao động,… của các địa phương, đơn vị, tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh, nhận thức của đồng bào DTTS về thay đổi nếp nghĩ, cách làm đã có những chuyển biến tích cực, đời sống của đồng bào DTTS dần được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm từng năm.

 

Qua thời gian triển khai thực hiện Cuộc vận động, đã có 16.731 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS (chiếm trên 81,4%) đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, phong tục không còn phù hợp, tự lực vươn lên thoát nghèo, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; có 29.792 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo (đạt tỷ lệ 100%) trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, phổ biến về nội dung Cuộc vận động; gần 70% số hộ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để phát triển kinh tế hộ gia đình; hơn 67% hộ nghèo và cận nghèo người DTTS có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.

 

Đến cuối năm 2024, có 3.540 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo và 967 hộ đồng bào DTTS thoát cận nghèo... Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, diện mạo nông thôn vùng DTTS ngày càng khởi sắc.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai Cuộc vận động vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số địa phương chưa chú trọng đến công tác xây dựng mô hình điểm; việc lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ thực hiện Cuộc vận động gặp nhiều khó khăn; một bộ phận người dân tộc thiểu số chưa có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Để Cuộc vận động tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động bằng nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả; lồng ghép tuyên truyền các chính sách an sinh xã hội hiện hành với nội dung của Cuộc vận động, các phong trào, cuộc vận động khác do Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì và đang triển khai thực hiện.

 

Tiếp tục khảo sát, hỗ trợ xây dựng các mô hình thực hiện Cuộc vận động tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng các mô hình thực hiện Cuộc vận động và giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phân công cụ thể đến từng cán bộ, đảng viên, cộng tác viên, cá nhân tiêu biểu trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong việc lựa chọn mô hình, cách thức sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Minh Huệ