 |
Sản xuất mủ cao su ở Công ty Vạn Lợi - Ảnh: D.Nương.
|
Đối với Kon Tum, công cuộc đổi mới trong thời gian qua đã đem những kết quả trên nhiều mặt: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và sự tăng trưởng kinh tế duy trì được tốc độ khá; một số loại cây trồng, vật nuôi phát triển phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của từng vùng và có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Tỉnh ta đã đưa vào thử nghiệm một số loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp của địa phương như cà phê, cao su, cây Sâm Ngọc Linh, một số dược liệu khác, mở rộng nuôi trồng một số loại rau hoa xứ lạnh, nuôi cá tầm, cá hồi ở huyện Kon Plông... Tuy nhiên việc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản nói chung ở tỉnh ta chủ yếu dưới dạng thô, phần lớn lượng hàng xuất khẩu phải qua trung gian, do đó sản phẩm của Kon Tum phải mang thương hiệu của đơn vị xuất khẩu, các sản phẩm nông sản của Kon Tum hầu như chưa có thương hiệu riêng cho mình.
Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) tính đến nay Kon Tum được cấp 54 văn bằng Sở hữu Công nghiệp, xếp thứ 60/63 tỉnh thành trong cả nước, trong đó 5 nhãn hiệu hàng hóa (NHHH) nông sản được bảo hộ gồm: 3 NHHH cà phê; 01 NHHH của Công ty TNHH Thái Hòa (Linh chi sâm; trà Linh Chi; trà Trinh nữ hoàng cung; trà Ngũ vị tử; trà Hà thủ ô; trà Diệp hạ châu; Thái hòa rượu Ngok Linh sâm dây, ngũ vị tử); 01 NHHH Tinh bột sắn. Ngoài ra còn 4 NHHH và Chỉ dẫn địa lý mới được chấp nhận đơn là: Chuối rừng Măng Đen; Sim Măng Đen; Quốc Thắng Coffee; Chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Qua đó, cho thấy nhận thức về sở hữu trí tuệ ở tỉnh ta vẫn còn hạn chế, đa số các doanh nghiệp chưa thấy được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ sỡ hữu trí tuệ cho các sản phẩm của mình, hoặc các doanh nghiệp có đăng ký đăng ký bảo hộ thương hiệu nhưng không quan tâm đến chất lượng, quảng bá thương hiệu, xây dựng hình ảnh… Hiện nay, Nhà nước có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong cả nước, vì vậy nhà sản xuất muốn xây dựng thương hiệu có thể có được sự hỗ trợ kỹ thuật đắc lực từ các Chương trình và Dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư về bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa... Năm 2011, Sở KH&CN tỉnh ta đã hướng dẫn cho Công ty Cà phê Đăk Hà làm thủ tục đăng ký bảo hộ địa danh dùng cho đặc sản tại nước ngoài thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011- 2015, đã được bộ KH&CN phê duyệt. Công ty Cà Phê Đăk Hà được hỗ trợ 50% kinh phí tối đa là 2 sản phẩm đặc thù liên quan đến địa danh, mỗi địa danh đăng ký tối đa 5 nước.
Thời gian qua, nhiều thương hiệu nông sản Việt Nam bị các công ty nước ngoài đăng ký bảo hộ ở nước ngoài là do nhận thức của doanh nghiệp về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) chưa được quan tâm. Theo luật sở hữu trí tuệ của các nước, một khi nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại lãnh thổ một nước thì chủ sở hữu nhãn hiệu đó có độc quyền sử dụng nhãn hiệu, có quyền ngăn cấm các doanh nghiệp khác sử dụng nhãn hiệu của mình hoặc dấu hiệu tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình cho sản phẩm đăng ký. Và như thế, nếu một nhãn hiệu (chỉ dẫn địa lý) nông sản của ta bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thì sẽ có nhiều hậu quả không có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, ví dụ như không thể tự do xuất khẩu sản phẩm nông sản dưới nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý của mình; nguy cơ mất thị trường, mạng lưới phân phối, bạn hàng. Danh tiếng, uy tín của sản phẩm có thể bị ảnh hưởng. Trường hợp chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột bị một doanh nghiệp nước ngoài đăng ký sở hữu nhãn hiệu tại Trung Quốc, dư luận đã đưa ra không ít ý kiến bày tỏ sự quan ngại về khả năng xấu đối với thương hiệu của một số loại nông sản và hệ lụy của việc này. Liên hệ đến sản phẩm Sâm Ngọc Linh của Kon Tum và Quảng Nam, hiện nay đang trong giai đoạn bảo tồn và phát triển, cây sâm vừa thoát khỏi nguy cơ tuyệt chùng, sản phẩm Sâm Ngọc Linh chưa có nhiều trên thị trường, chưa có nhãn hiệu, thế nhưng bất cứ ở đâu, Sâm Ngọc Linh cũng được bán, tại Hà Nội, TP. HCM cũng có Sâm Ngọc Linh, mua bao nhiêu cũng có. Điều này khiến thương hiệu Sâm Ngọc Linh có khả năng bị mất nếu nhiều loại thực vật ngụy tạo khác, kém chất lượng trà trộn mạo danh Sâm Ngọc Linh.
Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 27/7/2011 của Tỉnh ủy đã xác định 9 sản phẩm xây dựng và phát triển trong đó có 6 sản phẩm là nông sản: Cà phê, Cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; rau hoa xứ lạnh; sắn và các sản phẩm từ sắn; Sâm Ngọc Linh; thủy sản nước ngọt.
Để xây dựng thương hiệu cho nông sản Kon Tum, cần tăng cường công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp và hộ nông dân nhận thức đúng về tầm quan trọng của nhãn hiệu hàng hóa và thương hiệu cho một sản phẩm. Cần có sự liên kết, phối hợp của các nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp để có sản lượng lớn và ổn định hơn. Cần qui hoạch, đầu tư vùng sản xuất tập trung, an toàn theo qui trình GAP, qui trình ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến, bảo quản tiên tiến, xây dựng giá cả cạnh tranh, xây dựng mối quan hệ tin cậy với khách hàng, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm…”
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh thương hiệu nông sản có thế mạnh xuất khẩu như Sâm Ngọc Linh; Cà Phê Đăk Hà; Cá hồi, Cá Tầm Kon Plông; Rượu Sim, Chuối rừng Măng Đen...ở tầm quốc gia hay khu vực, cần chú ý đến vai trò của các hội, hiệp hội ngành hàng trong chiến lược xây dựng thương hiệu. Trước mắt cần xây dựng Hội tổ chức các nhà sản xuất, chế biến kinh doanh Sâm Ngọc Linh, đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách của tỉnh về xây dựng thương hiệu nông sản địa phương.
Việc bảo hộ thương hiệu cho một sản phẩm, đặc biệt là nông sản là rất cần thiết và cấp bách nhằm ngăn chặn sự xâm nhập những sản phẩm tương tự ngụy tạo dễ gây nhầm lẫn... làm mất uy tín thương hiệu vốn có từ lâu, đồng thời tạo điều kiện để các thương hiệu nông sản của tỉnh đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, nâng cao đời sống của người nông dân, góp phần phát triển KT-XH địa phương./.
Trần Thị Tuyết
PGĐ Sở KH&CN