 |
Người nhận khoán giao nộp sản phẩm.
|
Thực hiện chủ trương phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh, năm 1996 Công ty Cao su Kon Tum (nay là TNHH MTV cao su Kon tum) phối hợp với người dân tổ chức triển khai trồng cao su ở nhiều địa phương. Để việc trồng cao su, Công ty đã hỗ trợ công khai hoang trên đất dân sản xuất và hợp đồng với dân thực hiện phương án khoán trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su. Bằng việc thực hiện chủ trương này, Công ty đã hợp đồng 3.248 người dân trồng, chăm sóc và khai thác 4.355,03 ha cao su. Cùng với việc thực hiện phương án khoán, Công ty còn liên kết với 1.348 hộ dân có đất sản xuất (đất đã được cấp bìa đỏ) trồng 1.025,33 ha cao su.
Có thể nói, việc thực hiện phương án khoán, liên kết đã khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, việc thực hiện phương án khoán, liên kết cũng nảy sinh nhiều bất đồng khi Công ty không thực hiện theo đúng thỏa thuận ban đầu ăn chia theo tỷ lệ 4/6 (người dân được hưởng 40% giá trị sản lượng mủ khai thác và Công ty 60%) khi cây cao su đi vào khai thác. Trên thực tế, người dân chỉ được hưởng 39% nhưng phải thực hiện tất cả các công việc như phòng trị bệnh, canh phòng chống cháy, kiểm kê cuối năm và tự trang bị mua sắm (bảo hộ lao động, vật tư phục vụ khai thác như kiềng, chén hứng mủ, máng dẫn mủ, mái che mưa…). Các công việc trên người lao động bị mất khoảng 4,47% chi phí. Đối với người nhận khoán thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thì tỷ lệ thực hưởng trên bị khấu trừ thêm một khoảng tương ứng phần nghĩa vụ thuế phải nộp. Nếu trừ các các hạng mục nói trên thì người lao động còn nhận khoảng 34,53% giá trị sản phẩm thu được. Trong khi đó, giá mủ Công ty công bố hàng tháng để thanh toán khoán thường thấp hơn giá thị trường; giá mủ thưởng (vượt khoán) và phạt (hụt khoán) không tính theo giá thị trường mà tính bằng giá bình quân cả năm… Từ những sai sót này, người nhận khoán không nộp đủ sản phẩm, ăn cắp sản phẩm, thậm chí phản đối cả không cạo mủ… gây nên những tranh chấp, khiếu kiện vượt tầm kiểm soát.
Trước những vấn đề trên, theo sự chỉ đạo của Tập đoàn CNCSVN, Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum đã chấn chỉnh những thiếu sót trong quản lý điều hành, ban hành các quy chế về việc giao nhận mủ, quy chế trả lương, trả thưởng, thanh toán khoán được tính theo kg mủ quy khô sát với giá thị trường; trang bị những công cụ, thiết bị phục vụ cho việc xác định TSC, DRC chính xác, thuyết phục hơn. Công ty đã hợp đồng với Công ty TNHH MTV Tư vấn VFAM Việt Nam (VFAM) để tư vấn luật, tìm giải pháp tháo gỡ. Tập đoàn CNCSVN cũng đã cử các ban chuyên môn phối hợp với Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum, Công ty VFAM và Văn phòng Luật sư Đức Dũng thực hiện việc tính toán, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, xây dựng tỷ lệ ăn chia sản phẩm cho phù hợp.
Theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức thành viên, các hội đồng tư vấn của Mặt trận và những hộ có cao su nhận khoán, liên kết để nắm bắt tình hình, giúp cho các sở, ngành phối hợp với Công ty xây dựng tỷ lệ ăn chia mới. Trên các cơ sở này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tham gia ý kiến xây dựng phương án khoán, liên kết mới giữa Công ty với các hộ nhận khoán, liên kết trồng cao su để bảo đảm lợi ích hài hòa cho cả đôi bên.
Qua một thời gian dài xây dựng, phương án khoán, liên kết mới được ra đời. Theo phương án khoán mới được Công ty công bố, người nhận khoán được hưởng 40,80% (nếu trừ 4,53% thuế TNCN) và 45,33% (nếu không khấu trừ thuế TNCN) thì mức độ được hưởng tăng hơn so với phương án cũ (34,53%) tương ứng là từ 6,27% đến 10,80%. Tuy nhiên, với mức độ nhận khoán và thu nhập của hộ nhận khoán như hiện nay, phần lớn các gia đình đều không phải chịu nộp thuế TNCN. Còn với phương án liên kết, hộ liên kết được tính thêm phần giá trị quyền sử dụng đất (theo từng địa bàn) nên được hưởng 47,93% (thành phố Kon Tum) và 44,50% (huyện Sa Thầy, Đăk Gei). So với phương án liên kết trước đây (hộ liên kết được hưởng 40,19% đến 43,48%) thì mức độ chênh lệch hộ liên kết được hưởng tăng thêm từ 4,31% đến 4,45% (tùy theo từng khu vực). Ngoài ra, khi kết thúc thời hạn liên kết, hộ liên kết còn được hưởng thêm phần lợi nhuận thu được từ gỗ cao su thanh lý theo tỷ lệ được hưởng trong hợp đồng.
Tại Hội nghị công bố tỷ lệ lợi ích được hưởng mới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hải chỉ đạo UBND các huyện, thành phố phối hợp với Công ty công bố rộng rãi cho người dân nắm bắt và thực hiện. Với phương án khoán, liên kết mới này, bảo đảm lợi ích hài hòa cho cả đôi bên nên phần lớn hộ nhận khoán, liên kết thống nhất cao.
Bài và ảnh: Văn Nhiên