
Được thành lập từ năm 2005, đến nay, tổng số đàn bò, bê của trại hiện có khoảng 600 con, bình quân mỗi người phải đảm nhận chăm sóc 30 con bò nên công việc khá vất vả. Hàng ngày, đúng 8h, các công nhân có nhiệm vụ cho bò lên núi chăn, chiều 4 giờ đưa bò về chuồng. Thoạt nghe, ai cũng nghĩ làm như vậy thì thật nhàn, nhưng có đi sâu tìm hiểu mới biết việc này không đơn giản chút nào. Anh Mai Xuân Định – một người gắn bó với công việc chăn thả bò hơn 2 năm nay kể: “nghề này cực lắm, nhất là mùa khô cây cỏ khô cằn, chúng tôi phải đưa bò đi xa đến tận 3 – 4 cây số mới có cỏ; nhưng do nguồn thức ăn thiếu nên nhiều khi đàn bò đi xa tới 5 – 6 cây số; lùa được bò về đến chuồng thì đã 6 – 7 giờ tối. Cực nhất là những lần đi tìm bò, có khi phải mất cả mấy ngày trời”.
Cuộc sống của những cán bộ, công nhân làm việc ở đây cũng thiếu thốn bộng bề. Trang trại bò nằm cách trung tâm thị trấn Đăk Tô hơn chục cây số, hơn một nửa quãng đường là đường núi mới được san ủi, mùa khô thì bụi mù, mùa mưa thì lầy lội, nên việc đi chợ, mua sắm những thứ sinh hoạt hàng ngày được tính định kỳ. Trại trưởng Bùi Doãn Mạnh cho biết: Trại có 4 tổ luân phiên nhau đảm nhận nhiệm vụ ra thị trấn mua đồ ăn cho cả trại trong suốt một tuần. Rau thì anh em trong trại tự trồng lấy còn thức ăn thì hầu hết là đồ khô; trứng, cá khô là những món ăn thường xuyên của mọi người, chỉ những bữa đi chợ cả trại mới được ăn đồ tươi. Đời sống tinh thần cũng rất thiếu thốn, phương tiện thông tin, giải trí duy nhất là 2 chiếc tivi được chia cho 2 khu. Vậy nhưng mọi người cũng chỉ được xem tivi vào buổi tối vì ban ngày nguồn điện tự chế này phải dành cho việc tưới cỏ.
Vất vả, thiếu thốn là vậy; nhưng mọi người đều rất gắn bó với trại, người ít thì cũng một vài năm, người nhiều tới 4-5 năm. Trong số 20 người của trại, anh Nguyễn Đăng Sơn – bác sỹ thú y là người gắn bó với trại lâu nhất, từ khi trại bò mới bắt đầu được thành lập. Anh tâm sự: “Bây giờ cuộc sống của mọi người đã khá lên nhiều rồi chứ trước đây, đường sá đi lại khó khăn lắm, mùa mưa có khi anh em phải ăn đồ khô cả tháng trời vì không ra khỏi trại được”. Là một bác sỹ thú y, công việc của anh Sơn khá vất vả, nhất là vào những lúc bò ốm, bò đẻ, phải thức đêm để trực nhưng với anh, niềm vui khi mỗi con bê ra đời và mỗi lứa bê được xuất chuồng là nguồn cổ vũ rất lớn để anh gắn bó với trại. Không chỉ anh Sơn, nhiều người sau một thời gian vào làm việc đã đưa cả gia đình vào cùng làm như gia đình ông Mai Xuân Vũ cả 2 vợ chồng và cậu con trai năm nay 18 tuổi đã gắn bó với trại bò suốt hơn hai năm nay hay như gia đình ông Mai Xuân Nguyện, 3 bố con ông cũng đã làm cái nghề nuôi bò ở đây được gần 2 năm. Gắn bó với nhau trong công việc; rồi cùng ăn, cùng ở, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, động viên nhau vượt qua những khó khăn, 20 con người ở đây như một đại gia đình.
Với các kỹ sư, công nhân ở đây thì có lẽ kỷ niệm khó quên nhất và đây cũng là thời điểm khó khăn nhất là trận bão số 9 năm 2009, trại bò bị thiệt hại khá nặng. Anh Bùi Doãn Mạnh kể: Anh em ở đây đã khá quen với chuyện mưa gió, dông tố; nhưng những gì mà cơn bão gây ra thì đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ. Khu chuồng bò bị sập đổ, tốc mái, bò chết ngổn ngang mà xót ruốt. Suốt cả tuần trời, không ai nghĩ đến việc lo cho bản thân mà tập trung cứu chữa, di chuyển đàn bò đến khu chuồng không bị sập, tốc mái; đem chôn những con bò bị chết vì trại lúc đó bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Chưa bao giờ không khí ở trại lại nặng nề đến thế, mọi người vừa mệt mỏi vì phải gồng mình để khắc phục những tàn dư của bão, vừa xót xa trước số lượng bò chết quá nhiều, lương thực, thực phẩm thiếu thốn, mọi thông tin liên lạc bị cắt đứt vì không có điện...
Lũ bão đã qua đi, trời đất đã yên hàn, nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều; song lòng nhiệt huyết và tình yêu nghề của những người làm công việc chăn nuôi bò giữa miền sơn cước này thì vẫn đầy ắp.
Bài: Thuỳ Hương
Ảnh: Ng.Đang