Thứ sáu, Ngày 16/05/2025 -

Văn hóa dân gian trong đời sống cộng đồng- Những sáng tạo vô cùng quí giá của các dân tộc bản địa ở Kon Tum
Ngày đăng: 10/12/2010  01:52
Mặc định Cỡ chữ
 

Tưng bừng lễ hội mừng lúa mới dân tộc Xơ Đăng - Ảnh Tôn Bảo.

Trước đây, nói đến Bắc Tây nguyên là nói đến một vùng đất còn hết sức lạc hậu, xa xôi cách trở, là chốn rừng thiêng nước độc, một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe. Tuy nhiên, đến hôm nay Bắc Tây nguyên đã hoàn toàn khác xa với sự hình dung ấy, bởi nó đã trở thành điểm mở đầu của tuyến hành lang Bắc - Nam trên đường Trường Sơn công nghiệp hóa được đặt tên là đường Hồ Chí Minh nối Tây nguyên, các tỉnh phía Nam với bắc Trung bộ và miền Bắc. Đồng thời nó còn là giao điểm của tuyến hành lang Đông - Tây nối các tỉnh duyên hải miền Trung với nước bạn Lào và Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y-Ngọc Hồi. Cùng với sự thông thương ấy là sự phát triển về kinh tế xã hội khá mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nói đến Bắc Tây nguyên là nói đến Kon Tum, địa danh nằm ở cực bắc Cao nguyên - một vùng đất đậm đặc về văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.           
                                                                   
Khác với các tỉnh bạn trong khu vực, Kon Tum có tới 7 dân tộc bản địa sinh sống lâu đời gồm các tộc người Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai, Hơ Rê, BRâu và Rơ Măm (đây là hai trong số năm tộc người có dân số ít nhất trong cả nước).  Cũng như các tỉnh khác của Tây Nguyên, sự sáng tạo nên các giá trị truyền thống và đặc thù văn hóa cộng đồng ở Kon Tum cũng đều bắt nguồn từ văn hóa rừng. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, rừng là tất cả, là toàn bộ cuộc sống, là không gian và thời gian sinh tồn của họ.
 
Nói về nguồn cội xa xưa, từ năm 1999 - 2000, Kon Tum đã tìm thấy và khai quật di chỉ khảo cổ Lung Leng và di chỉ khảo cổ vùng lòng hồ Thủy điện PleiKRông với hàng chục ngàn hiện vật hết sức giá trị, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và tham quan tìm hiểu về văn hóa tiền sử Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Tổ chức khai quật 2 đợt vào năm 1999 và năm 2001, Di chỉ khảo cổ Lung Leng với hơn 14 ngàn hiện vật thuộc các giai đoạn: hậu kỳ đá cũ (2-3 vạn năm), hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí (cách đây 2-3 ngàn năm)  đánh dấu một bư­ớc hết sức quan trọng về khảo cổ học ở Kon Tum, như ý kiến nhận xét của các nhà khoa học Viện khảo cổ Việt nam : “Di chỉ Lung Leng mang một ý nghĩa cực kỳ quan trọng không những là di chỉ khảo cổ học đầu tiên được phát hiện ở Kontum mà còn là di chỉ khảo cổ học lớn nhất Tây Nguyên, đồng thời cũng là một trong những di chỉ lớn nhất cả nước. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận về một Kontum, một Tây nguyên miền Thượng thời quá khứ, phải nhận định rằng, đây là một vùng đất sớm có sự khai phá của con người và trong quá trình phát triển văn hóa lịch sử, đây là vùng đất năng động, sáng tạo và có mối giao lưu rộng mở...”.
 
Một loại hình văn hóa dân gian độc đáo : Sử thi, tưởng chừng chỉ có ở nam Tây Nguyên, nhưng không phải vậy. Từ khi triển khai thực hiện Dự án Quốc gia điều tra sưu tầm về Sử thi các dân tộc thiểu số năm 2000-2001, đã phát hiện ra hệ thống sử thi liên hoàn rất có giá trị của dân tộc Ba Na Rơ Ngao và dân tộc Xơ Đăng SơĐRá ở Kon Tum, từ năm 2002 đến năm 2004 đã hoàn thiện công tác sưu tầm để biên dịch và tiến hành xuất bản phát hành các tác phẩm Sử thi dân tộc Ba Na Rơ Ngao và Xơ Đăng SơĐRá ở Kon Tum trong năm 2005 và 2006 phục vụ công tác nghiên cứu và giới thiệu về bản sắc văn hóa độc đáo do đồng bào các dân tộc thiểu số sáng tạo ra.
 
Qua khảo sát trực tiếp trên địa bàn tỉnh trong Dự án quốc gia thì Kon Tum có khoảng 200 tác phẩm sử thi của các dân tộc Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai. Hiện có khoảng 26 người có khả năng hát kể được từng phần của sử thi dân tộc mình. Trong đó có 5 nghệ nhân có khả năng thể hiện nghệ thuật hát kể một cách khá đầy đủ loại hình di sản quí hiếm này và có 3 nghệ nhân đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
 
Bằng thể loại văn vần dài hàng ngàn câu, với những tuyến nhân vật đan xen nhau thể hiện những giai đoạn lịch sử tiêu biểu của dân tộc mình. Có vùng thì chỉ hát kể, có vùng thì vừa hát kể vừa kèm theo diễn xuất rất linh hoạt và thu hút. Thông qua đó người nghe nhận biết được quan niệm về sự ra đời của đất, trời, của con người, tâm linh tín ngưỡng, mối quan hệ trong cộng đồng, phong tục tập quán, sự hình thành và phát triển đời sống xã hội…được trình diễn một cách rất hấp dẫn, kết cấu chặt chẽ, có chương có đoạn, có mở có kết rất tài tình. Là sự thể hiện về khát vọng của đồng bào về một xã hội tươi đẹp, một cuộc sống đủ đầy, bình đẳng, cái thiện thắng cái ác…Nghệ thuật hát kể Sử thi thu hút rất đông người nghe, đặc biệt trong dịp nông nhàn, lễ hội, mùa mưa trong không gian nhà rông hoặc nhà dài, bên cạnh bếp lửa lung linh, huyền ảo và kỳ bí.
 
Dân ca là một kết quả tuyệt vời của sự sáng tạo trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum. Cũng như các tỉnh bạn trong khu vực, các tộc người ở Kon Tum sáng tạo ra nhiều thể loại dân ca rất phong phú, nghệ thuật diễn xướng khá đặc sắc, đi vào lòng người. Các thể loại dân ca tiêu biểu như hát ru, hát giao duyên, sinh hoạt, phong tục, lễ hội…thông qua các kiểu: hát nói, hát có tiết tấu, diễn xướng nhất là dân ca giao duyên, đối đáp, hát ru… nhiều làn điệu rất đặc sắc  như Tin Tin, Rơ Nghê của tộc người Xơ Đăng, Ba Na hay KĐọ của tộc người Giẻ Triêng…rất giống với nghệ thuật hát Ei Rei dân ca Ê Đê (Đăk Lăk) sâu lắng, mượt mà, tha thiết và thời gian thể hiện rất dài, có nhạc cụ đệm như đàn Tơ Rưng, đàn KlôngPut, Ting Ning, Goong…lời ca thường có vần điệu khá chặt chẽ, nhịp điệu hài hòa, ngôn ngữ đối xứng dễ thuộc, dễ nhớ, gieo vần linh hoạt.
 
Cùng với đàn T'rưng, Klông Pút, Đinh Túk, cồng chiêng là loại nhạc cụ phổ biến, đặc trưng nhất của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Ngoài vai trò là phương tiện diễn tấu nghệ thuật, cồng chiêng còn thể hiện quyền uy, sự giàu sang của mỗi gia đình, dòng tộc, bản làng, là vật thiêng trong tín ngưỡng của các dân tộc Tây Nguyên, thành tố đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên.
 
 
Âm vang Cồng chiêng. Ảnh : Tôn Bảo.
 
Cồng chiêng và nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Kon Tum rất đa dạng, phong phú. Có rất nhiều bài chiêng được đồng bào sáng tạo ra còn lưu truyền đến ngày nay vô cùng đặc sắc. Thông thường, cồng đảm nhiệm phần đệm và giữ nhịp, chiêng đảm nhận phần giai điệu. Đặc điểm chung, nổi bật của dàn cồng, chiêng là sự kết hợp linh hoạt những âm thanh cao, thấp, tạo nên sự phối bè khác nhau. Kết hợp với cồng, chiêng có cả trống, lục lạc, chuông đồng... tạo nên sự hoà âm phong phú. Quyện hoà trong tiết tấu, giai điệu của cồng chiêng là những âm thanh của rừng đại ngàn, của suối reo, thác chảy; là màu sắc của nắng, của gió, của đất; là tâm hồn mộc mạc, chân thành, khoáng đạt của đồng bào các dân tộc thiểu số.
 
Cồng chiêng gắn liền với lễ hội mà lễ hội dân gian của các dân tộc bản địa ở Kon Tum khá dày, diễn ra quanh năm với chu kỳ sinh trưởng của cây lúa rẫy, chu kỳ một đời người và những sự việc liên quan tới cộng đồng (plei). Cồng chiêng có khả năng trình diễn độc lập, nhưng cũng có thể kết hợp với nhiều loại nhạc khí khác, kể cả giọng hát của con người. Nếu lễ hội dân gian quy tụ được rất nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn, trong đó có cồng chiêng thì khi cồng chiêng lên tiếng sẽ thu hút sinh hoạt của nhiều người nhất, nghệ thuật âm nhạc của cồng chiêng cũng chiếm thời lượng nhiều nhất trong lễ hội. Chưa thấy một lễ hội dân gian nào vắng mặt cồng chiêng dù ở quy mô nhỏ như gia đình hoặc lớn hơn là của cả cộng đồng. Cồng chiêng là vật thiêng bởi tất cả các loại chiêng thiêng đều được con người gửi gắm tâm linh vào đó. Với tín ngưỡng dân gian đa thần, vạn vật hữu linh nên chiêng thiêng đều có Yàng (trời) trú ngụ, chỉ được đưa ra sử dụng trong phần lễ của những lễ hội lớn, long trọng. Ở phần hội hoặc sinh hoạt thường ngày, họ sử dụng các loại chiêng khác. Những loại chiêng thiêng ở Kon Tum có thể kể tới Lào viêng (nhóm Hà Lăng), Xteng (Xơ đăng gốc), Kh’leng và Xum (nhóm Giẻ), Pom, pát (Giarai Aráp), Buar( Xơ Đăng Sơ đrá), Tha (B'Râu)...
 
Nhạc cụ dân tộc ở Kon Tum cũng như các tỉnh trong khu vực, đều được chế tác từ các loại chất liệu của núi rừng như tre, nứa, gỗ, vỏ bầu, sừng, da động vật…song khá phong phú, đa dạng và độc đáo do các thế hệ nghệ nhân các dân tộc thiểu số sáng tạo ra để phục vụ đời sống tinh thần. Có rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau song cơ bản thuộc về các bộ gồm : Bộ gõ : đây là loại phong phú nhất với rất nhiều nhạc cụ, tiêu biểu là cồng chiêng (chất liệu đồng), đàn Tơ Rưng, trống các loại ( chất liệu tre, nứa, gỗ, da)…Bộ hơi : tiêu biểu như đàn KlôngPut, Đinh Tuk, Đinh Pú, các loại sáo, các loại khèn ( chất liệu tre, nứa), Tù và (sừng động vật), kèn lá…Bộ gảy dây : tiêu biểu như đàn Ting ning, đàn Goong (vỏ quả bầu), đàn M’bin (chất liệu gỗ)…
 
Dù bằng một ống nứa, thanh tre, quả bầu hay nhiều ống nhiều thanh ghép lại thì các loại nhạc cụ dân gian đều rất độc đáo, do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân dân tộc thiểu số chế tác ra và được trao truyền kỹ năng từ đời này sang đời khác và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hoạt động văn hóa dân gian phục vụ đời sống tinh thần hàng ngày của đồng bào. Mỗi nhạc cụ đều đi kèm với một câu chuyện diễn giải sự ra đời của nó. Có những loại chỉ sử dụng ở lễ hội, lễ thức cộng đồng, có loại chỉ đánh trên nương rẫy, có loại là phương tiện để bày tỏ tình yêu đôi lứa, có loại vừa để giải trí vừa để xua đuổi thú rừng…được bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị thực tiễn trong đời sống với sự tham gia của mọi lứa tuổi.
 
Thủ công truyền thống ở Kon Tum khá phong phú, nghề nào cũng có ở các bản làng. Nghề rèn có ở tộc người Xơ Đăng Sơ ĐRá, nghề gốm có ở tộc người Ba Na, nghề đẽo khắc gỗ có ở người Gia Rai A Ráp, Ba Na Rơ Ngao với đặc trưng là tượng nhà mồ, thuyền độc mộc và các loại hoa văn chạm khắc trên nhà Rông. Dệt thổ cẩm, trang phục với các hoa văn độc đáo và màu sắc hài hòa ở các tộc người Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai, Xơ Đăng Hà Lăng...
 
 
Nhà Rông dân tộc Ba Na - Kon Tum - Ảnh Trọng Đạt 
 
Khi nói về bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên, đầu tiên bao giờ người ta cũng đề cập đến nhà Rông như là một biểu tượng đầy đủ nhất của văn hóa vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên chỉ có Kon Tum và Gia Lai mới được xem là cái nôi của nhà rông - một di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc bản địa.
 
Theo tâm niệm của đồng bào các dân tộc thiểu số, đã có làng là phải có nhà rông. Làng nào không có nhà rông thì làng đó thiếu sức sống cội nguồn. Theo tư duy truyền thống của đồng bào các dân tộc thì nhà rông là một thành tố không thể thiếu trong đời sống cộng đồng (văn hóa làng). Nhà rông bao quát mọi tinh hoa văn hóa sáng tạo của con người trong môi trường sinh thái tự nhiên, vừa hùng vĩ vừa tiềm ẩn những yếu tố tâm linh, là biểu hiện của văn hóa rừng và sự cố kết cộng đồng người gắn với thiên nhiên.
 
Nhà rông là hình ảnh thu nhỏ của các thành tố văn hóa truyền thống của một làng, một tộc người. Nó chiếm giữ vị trí quan trọng nhất trong tư duy và hiện thực đời sống sinh hoạt của tất cả các thành viên trong cộng đồng. Đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số thì “Dân tộc-Làng-Nhà rông” là mối quan hệ không thể tách rời, cũng như làng của người Kinh gắn với cây đa, bến nước, sân đình. Nhà rông hùng vĩ vươn lên bầu trời với hình dáng như một lưỡi búa khổng lồ biểu hiện sức mạnh của một cộng đồng làng, thể hiện tinh thần thượng võ, đầy quyền uy, như là chế ngự không gian và thời gian để khẳng định chủ quyền, lãnh địa của làng. Nhiều người hay dùng hình ảnh ngôi nhà rông ở giữa làng với hàng chục nóc nhà vây quanh như gà mẹ chăm đàn gà con, thể hiện sự quây quần, đầm ấm cố kết cộng đồng. Nhà rông thể hiện đỉnh cao về nghệ thuật và kỹ thuật với kiến trúc, kiểu dáng, chất liệu và hoa văn họa tiết vô cùng phong phú và độc đáo, không sử dụng bất kỳ cái đinh, cọng kẽm hay tấc sắt nào cả nhưng lại vững chắc như bàn thạch.
 
 
Vòng xoang thiếu nữ Giẻ Triêng trong lễ đâm trâu - Ảnh Ngọc Quang.
 
Một loại hình văn hóa dân gian hết sức quan trọng trong đời sống cộng đồng của cư dân Kon Tum đó là Lễ hội. Lễ hội của các tộc người ở Kon Tum là lễ hội nguyên hợp, bao giờ cũng xuất phát từ yếu tố thiêng – nghi thức tế lễ, hiến sinh để mong đổi lại sự bình yên và no đủ. Khi các hành động đó cảm thấy được chứng giám thì ở mỗi con người như được cởi mở, thăng hoa. Sự thăng hoa đó được cộng cảm tạo thành không khí của lễ hội. Không có lễ thì không có hội, nhưng không phải lễ nào cũng thành hội. Có lễ chỉ là lễ, chỉ khi nào lễ tạo được niềm hứng khởi, náo nức, lan tỏa khắp các thành viên của cộng đồng, tâm trạng đó phải quy tụ thành niềm vui chung cần được giải tỏa thông qua các hành động biểu cảm. Không gian, tâm trạng của lễ nhanh chóng nhường chỗ cho hội. Xuất phát từ các yếu tố mùa vụ và tín ngưỡng đa thần, con người luôn tổ chức các nghi lễ cầu xin Yàng trợ giúp và mang lại điều tốt lành cho con người, cộng đồng. Trong quá trình này, người ta tiến hành các nghi thức tế, lễ theo quan niệm, cách thức riêng của từng tộc người, nhưng mang một ý niệm chung về dâng lễ (lễ vật) hay hình thức trao đổi (hiến sinh). Vật hiến sinh thường là trâu, bò, heo, dê, gà… hình thức này mạnh mẽ và ấn tượng nhất qua hành động đâm trâu trong lễ hội. Qua đó, con người cảm thấy như đã yên tâm ở sự trao đổi, được siêu thoát khỏi những ám ảnh cá nhân, được chứng giám lòng thành của bản thân bằng quan niệm của sự tín ngưỡng mang tính huyền bí, đời sống tâm linh, tinh thần được cởi mở trút bỏ những nỗi ám ảnh, họ hứng khởi, thăng hoa, vui chơi nhảy múa tạo ra không khí của lễ hội. Tuy nhiên, lễ hội của các dân tộc thiểu số ở Kon Tum chỉ diễn ra ở cộng đồng làng và hộ gia đình, gắn với văn hóa làng, qui mô nhỏ.
 
Sự phong phú, độc đáo của văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số có nhiều thể loại khác nhau, nhiều hình thức thể hiện khác nhau, đậm đặc cả trong văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhận diện về văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung mới thấy sự sáng tạo vô cùng tuyệt vời và quí giá của các thế hệ nghệ nhân dân gian các dân tộc thiểu số làm nên bản sắc văn hóa đặc thù để phục vụ đời sống tinh thần của chính mình, được trao truyền từ đời này sang đời khác và trường tồn cùng với thời gian./.
 
Trần Vĩnh.