Thứ 5, Ngày 15/05/2025 -

Đăk Hà: Những kết quả sau 20 năm xây dựng và phát triển kinh tế xã hội
Ngày đăng: 28/03/2014  08:20
Mặc định Cỡ chữ
 

 Huyện Đăk Hà được thành lập ngày 24/3/1994 theo Nghị định 26/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng diện tích tự nhiên 84.572,42 ha. Toàn huyện có 10 xã và 01 thị trấn, 103 thôn, làng, tổ dân phố; dân số 67.887 người. Trong đó dân tộc thiểu số 33.060 người, chiếm 48,7%; tỷ lệ hộ nghèo hiện nay chiếm 12,33%.

Thị trấn Đăk Hà hôm nay
 
Cách đây 20 năm, huyện Đăk Hà được hình thành trên cơ sở chia tách 04 xã vùng sâu, vùng xa của thị xã Kon Tum và 02 xã của huyện Đăk Tô. Với sự đoàn kết, thống nhất, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện cùng sự ủng hộ của Trung ương, tỉnh đến nay huyện Đăk Hà đã ổn định trong phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội, ANQP, TTATXH được giữ vững.
 
20 năm qua, kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, bình quân giai đoạn 1994-2013 đạt 15,5%; thu nhập bình quân đầu người từ 2,02 triệu đồng/người (năm 1995) lên 26,52 triệu đồng/người (năm 2013). Tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 1,95 tỷ đồng (năm 1995) lên 357.140,44 triệu đồng năm 2013. Thu ngân sách tại địa bàn tính cân đối tăng từ 526 triệu đồng (năm 1995) lên 90.436,8 triệu đồng năm 2013.

Điểm đột phá đầu tiên để giải quyết vấn đề đói nghèo chiếm tỷ lệ khá cao 53,54% năm 1994. Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về thâm canh cây lúa nước, đây là Nghị quyết xuyên suốt trong quá trình thực hiện. Các chương trình phát triển nông nghiệp đã tập trung cải tạo đồng ruộng, mở rộng diện tích, thâm canh, tăng vụ, xây dựng các công trình thuỷ lợi, kiên cố hoá hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất. Kết quả đã mở rộng diện tích cây lúa nước hiện nay đạt 3.364,6 ha. Tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện năm 2013 đạt 23.343,5 ha. Cùng với hồ thuỷ lợi Đăk Uy là 46 công trình thuỷ lợi kiên cố với nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã góp phần tăng tổng diện gieo trồng từ 8.771 ha năm 1994 lên 22.698,5 ha năm 2013.

Phối hợp với Phân Viện quy hoạch và thiết kế Nông nghiệp Miền Trung lập quy hoạch tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, xây dựng huyện Đăk Hà thành vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Kon Tum. Thực hiện chuyển đổi diện tích cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp lâu năm; triển khai đề án ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa nước, cà phê, cao su và sắn nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đưa giống mới vào sản xuất.
 
Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đảng bộ huyện đã xác định cây cà phê, cao su là cây chủ lực, là cây làm giàu của vùng đất Đăk Hà. Từ năm 1997 Đảng bộ đã có chủ trương "Liên doanh liên kết với Nông trường quốc doanh để phát triển cây công nghiệp", phát huy vai trò “bà đỡ” của Doanh nghiệp hỗ trợ phát triển cây cà phê. Năm 2007, huyện chủ trương thực hiện “Dồn điền đổi thửa”, chuyển đổi diện tích đất trồng sắn bạc màu để phát triển cây cao su hộ gia đình. Hàng năm, huyện trích nhiều tỷ đồng để hỗ trợ giống, vốn, phân bón, kỹ thuật phát triển nông nghiệp. Trước đây cây cà phê, cao su chủ yếu của Doanh nghiệp Nhà nước, nay đã được trồng rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đây là yếu tố quan trọng để các hộ thoát nghèo bền vững.
 
Với lợi thế cây cà phê có diện tích lớn nhất của tỉnh, những năm gần đây huyện chủ trương nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu “cà phê Đăk Hà”, nhằm tăng giá trị sản phẩm, tạo nguồn thu cho ngân sách huyện. Mở rộng giao lưu, tìm kiếm thị trường và trực tiếp ký hợp đồng xuất khẩu cà phê ra nước ngoài; tiếp tục ứng dụng công nghệ sản xuất chế biến cà phê bột, cà phê hoà tan. Sản phẩm cà phê Đăk Hà được công nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn" và được cấp giấy chứng đạt tiêu chuẩn UTZ certified vào tháng 01/2014. Hỗ trợ cho nhân dân sử dụng chế phẩm sinh học để cải tạo và kéo dài chu kỳ kinh doanh của cây cà phê trên 20 năm tuổi.
 
Thực hiện Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền của tỉnh trên địa bàn huyện Đăk Hà, giai đoạn 2012-2016 và Chương trình hỗ trợ phát triển cây cao su hộ gia đình của huyện, đến nay toàn huyện có 7.061,2 ha cao su hộ gia đình, tạo nền tảng cho nông dân tăng thu nhập, ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững.
 
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, góp phần phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững, huyện triển khai chương trình sử dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi tại các xã và thị trấn Đăk Hà. Ngoài ra, huyện tạo điều kiện thu hút các cơ sở khoa học triển khai thực hiện xây dựng hệ thống xử lý rác thải trên địa bàn, đây là mô hình mới đảm bảo môi trường đô thị ở huyện.
 
Xác định mối liên kết “4 nhà”: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà đầu tư - Nhà nông là chủ trương đúng đắn, là điều kiện để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương, chính vì vậy Đảng bộ, chính quyền luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Qua 10 năm triển khai thực hiện mối liên kết “4 nhà” đã đạt được những kết quả quan trọng, nhằm thu hút, khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện cùng nhân dân trên địa bàn liên kết, đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; liên kết “4 nhà” để chuyển giao kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản sau thu hoạch; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững, tăng thu nhập cho người dân.
 
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên nên trồng trọt, chăn nuôi đại gia súc phát triển mạnh trong các hộ gia đình cả về số lượng và chất lượng. Hướng dẫn nhân dân đầu tư con giống, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhân rộng mô hình nuôi heo hướng nạc, đưa giống bò lai sind vào ''Sind hoá'' đàn bò địa phương; chương trình sử dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo....Ngoài ra, huyện chú trọng quy hoạch khu chăn nuôi tập trung trên 500 ha tại xã Đăk Ui, vùng chăn thả tập trung ở các thôn, phát động nhân dân tận dụng đất trong vườn để trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Đến nay, tổng đàn gia súc 25.937 con và đàn gia cầm 191.511 con. Kinh tế trang trại được hình thành và phát triển với nhiều loại hình.
 
Toàn huyện có 330 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, doanh thu đạt 38.400 triệu đồng; 1.705 cơ sở kinh doanh, hoạt động thương mại - dịch vụ, khách sạn, nhà hàng thu hút khoảng 2.250 lao động thường xuyên và hàng trăm lao động ngắn hạn theo thời vụ với tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ đạt 195 tỷ đồng; 75 công ty, chi nhánh, doanh nghiệp; 9 Hợp tác xã đang hoạt động, 01 quỹ tín dụng nhân dân, 31 tổ hợp tác và 38 trang trại, trong đó có 26 trang trại được cấp giấy Chứng nhận kinh tế trang trại. Trong năm 2013, đã cấp hơn 256 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cá thể với tổng vốn đăng ký hơn 56.621,5 triệu đồng.
 
Xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là khâu đột phá, trong đó phát triển giao thông nông thôn là quan trọng cho việc phát triển kinh tế, xã hội, góp phần làm nên diện mạo nông thôn mới, huyện Đăk Hà chỉ đạo các cấp, ngành huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp tham gia phong trào làm đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhân dân và doanh nghiệp cùng làm, Nhà nước hỗ trợ”. Qua 3 năm triển khai, thực hiện, huyện đã vận động người dân tự nguyện góp tiền, hiến đất và tham gia trên 42.000 ngày công để sửa chữa và làm mới trên 800 km đường giao thông nông thôn với kinh phí 4,3 tỷ đồng. Ngoài ra từ nhiều nguồn vốn, huyện đã đầu tư xây dựng 107 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội và hàng chục mô hình sự nghiệp với tổng mức đầu tư theo kế hoạch vốn được phân bổ 384.186 triệu đồng. Hệ thống đường giao thông từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, đến nay 11/11 xã, thị trấn có đường nhựa đến trung tâm xã.
 
Làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thị trấn được đầu tư xây dựng quy mô 10,6 ha, tổng mức đầu tư 12,6 tỷ đồng. Đến nay, có 87 hộ được cấp quyết định thuê đất xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh tại làng nghề với tổng diện tích 34,586m2. Dịch vụ - du lịch được chú trọng đầu tư xây dựng, khu du lịch sinh thái Rừng đặc dụng Đắk Uy; Chùa tháp Kỳ Quang Đăk Mar, Khu du lịch Khánh phước tâm linh Đắk Hà đã đi vào hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh của du khách thập phương. Thu hút đầu tư vào địa bàn huyện để phát triển công nghiệp chế biến, thuỷ điện nhỏ, với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục tăng và được mở rộng với quy mô vừa và nhỏ.
 
Sau gần 3 năm thực hiện, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đăk Hà cơ bản đã thành công và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, có sức lan tỏa rộng. Chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Có thể nói, đây là cơ hội lớn cho địa phương phát triển toàn diện. Đến nay, toàn huyện có 01 xã (Đăk Pxi) đạt dưới 5 tiêu chí, 05 xã (Đăk La, Đăk Hring, Đăk Ui, Ngọc Wang, Ngọk Réo) đạt từ 5-12 tiêu chí; xã Đăk Mar và xã Hà Mòn đạt 19/19 tiêu chí và đã được BCĐ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Qua 20 năm thành lập, công tác giáo dục - đào tạo của huyện không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống trường lớp ở các cấp học, bậc học được củng cố mở rộng và từng bước chuẩn hoá, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đến nay, toàn huyện có 44 trường công lập và 01 trường tư thục (tăng 29 trường so với khi huyện mới được thành lập), có 08 Trung tâm học tập cộng đồng và 01 Trung tâm GDTX, 01 Trung tâm dạy nghề, 100% thôn có lớp mầm non, tiểu học.
 
Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện và mở rộng quy mô giáo dục đào tạo theo quy hoạch, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Tháng 12/2005, Đăk Hà là huyện đầu tiên trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục THCS. Năm 2010, huyện được công nhận phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1. Hiện nay, huyện tập trung triển khai kế hoạch phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục Trung học phổ thông gắn với phổ cập nghề.
 
Xác định dạy nghề giải quyết việc làm, phát triển nghề phụ cho lao động nông nhàn, cho các hộ nghèo người DTTS, người tàn tật góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Công tác y tế được chú trọng, huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cùng với ngành y tế nâng cấp xây dựng Trung tâm y tế huyện và Trạm y tế xã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm lo sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Trang thiết bị khám chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp, hiện nay, bệnh viện Trung tâm có 70 giường bệnh, nhiều phương tiện kỹ thuật mới như máy chụp X quang, siêu âm... được triển khai và áp dụng trong quá trình chẩn đoán, điều trị; 03 phòng khám khu vực 20 giường bệnh; 9/11 xã, thị trấn có Trạm y tế được xây dựng kiên cố với 35 giường bệnh, các Trạm Y tế đều có bác sỹ và nữ hộ sinh, các thôn, làng đều có cộng tác viên y tế; trong đó có 03 Trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia (ĐăkLa; Hà Mòn; ĐăkMar).
 
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" được triển khai sâu rộng, có hiệu quả, góp phần làm cho đời sống văn hoá ở cơ sở từng bước được nâng cao, những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được đẩy lùi, khắc phục tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại. Hiện nay, toàn huyện có 9.958 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hoá (chiếm tỷ lệ 65,5%); có 52 thôn, làng, tổ dân phố được công nhận thôn, làng, tổ dân phố văn hoá và 101/111 cơ quan đơn vị được công nhận Cơ quan văn hoá. Các thiết chế văn hoá từng bước được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của người dân.
 
Đảng bộ huyện có 68 TCCSĐ trực thuộc với 187 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, còn 3 thôn có đảng viên nhưng chưa có tổ chức đảng, 27 thôn có chi bộ nhưng còn sinh hoạt ghép; không còn thôn trắng đảng viên. Toàn đảng bộ huyện có 2.333 đảng viên. Nhìn chung, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nâng cao được nhận thức về vai trò, là hạt nhân chính trị; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ngày càng được nâng lên, góp phần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi chỉ thị, nghị quyết của đảng các cấp, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
 
Những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đăk Hà trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước đã ghi thêm vào truyền thống quê hương những trang sử hào hùng mới. Quân và dân Đăk Hà vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”; Huân chương lao động hạng 3 năm 1998, Huân chương lao động hạng nhì năm 2003 và nhiều cá nhân, địa phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Đặc biệt, trong dịp  kỷ niệm 20 năm thành lập huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Hà vui mừng, phấn khởi, đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước phong tặng: Huân chương lao động hạng Nhất./.
 
Bài, ảnh: Dương Nương