Thứ 7, Ngày 03/05/2025 -

Kon Tum xưa trong tác phẩm “ Người Ba Na ở Kon Tum”
Ngày đăng: 03/04/2017  00:46
Mặc định Cỡ chữ
Tác phẩm “Người Ba Na ở Kon Tum” của hai tác giả, hai anh em Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi là công trình đầu tiên của ngành dân tộc học viết bằng tiếng Việt. Tác phẩm được xuất bản năm 1937 và Nhà xuất bản Tri thức tái bản năm 2011; được dịch giả Nguyễn Văn Ký dịch sang tiếng Pháp, dịch giả AnDrew Hardy biên tập khi tái bản.

 

Bìa tác phẩm “Người Ba Na ở Kon Tum” tái bản năm 2011

Tác phẩm “Người Ba Na ở Kon Tum” gồm 2 phần: Lược khảo về  dư địa chí, kinh tế- xã hội  tỉnh Kon Tum những năm 1933-1934 của thế kỷ 20 và giới thiệu phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của người Ba Na.

Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi và người em là Nguyễn Đổng Chi viết: “ Ở mé Tây nam dãy Trường Sơn có nhiều cao nguyên rộng rãi. Trên ấy chánh phủ bảo hộ mới lập ra, trong khoảng ba mươi năm nay, bốn tỉnh mới gọi là tỉnh thượng du. Trong ấy có tỉnh Kon Tum”. Năm 1904, “Nhà nước  lập thành một tỉnh riêng gọi là Plei Ku der hay là Kon Tum và tháp về đất Trung kỳ cho tiện việc cai trị và giao thông”, nhưng “ Được ít tháng lại chia ra làm 2 đại lý: Kon Tum nhập về Bình Định, Cheo reo về Phú Yên.”  Đến năm 1913, chánh phủ mới lập lại tỉnh Kon Tum. Thời ấy, phần lớn tỉnh Kon Tum được núi cao rừng rậm bao phủ. Sông Sê San được hợp thành từ sông Pô Kô và sông BLa. “Cái thác có tiếng nhất ở Kon Tum là thác Ya Ly, cách tỉnh lỵ chừng 40 cây số” được miêu tả rất rõ là :“Thác dài rộng vài trăm thước, cao mươi lăm  thước, gồm một dãy đá gành, sắc  xám, mọc lổm nhổm hòn thấp hòn cao. Nước phải trên ào áo chảy xuống  phía dưới  đạp vào gành đá, bọt nổi trắng phao…”. 
 
Kon Tum thời đó được đánh giá “ Nổi tiếng là nơi có nhiều đất đỏ và còn có một thứ đất xám, tuy không bằng đất đỏ nhưng cũng là một thứ đất tốt”. Khí hậu ở Kon Tum chia làm hai phần rõ rệt, ở mé đông Trường Sơn – An Khê và mé Tây Trường Sơn giáp Lào. Mé tây Trường Sơn mưa và nóng từ tháng 5 ta đến tháng 9 ta, nắng là lạnh từ tháng 10 ta đến tháng 2 ta; còn tháng 3 và tháng 4 ta là mùa sấm sét, dông tố. “ Đến mùa mưa thì mưa như ầm vò mà trút, hình như bao nhiêu nước ở trên trời đều đỏ ụp xuống đất. Lúc bấy giờ, nước ở các nguồn chảy về… trôi hết cây cối và cầu cống. Như tháng 9 năm 1929, mặt nước lên cao, sức nước chảy mạnh… trôi một nửa cái cầu bắc trên sông B La, sát thành phố Kon Tum” . Tuy vậy, “Mùa nắng thì nắng luôn mấy tháng không có một giọt mưa, điền địa khô khan , cỏ cây héo úa,  cảnh sắc xem thật tiều tụy…”, và buổi  mai “ thường có sương mù bao bọc, có ngày đến 8,9 giờ sáng mới tan”. “Ban đêm khí trời lạnh lắm, có năm xuống dưới 5 độ”. Kon Tum có chừng 300 ngàn đến 350 ngàn người dân tộc Ba Na, Gia Rai, Xơ đăng, Hà Lăng… Kon Tum còn có chừng 15.000 người An Nam (tức là người Kinh), phần nhiều là người quê quán ở Bình Định, Quảng  Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên…, song đông hơn cả  là người  Bình Định. Nhà cửa ở Kon Tum làm hai cách theo lối nhà trệt hoặc nhà sàn. Trong đó, nhà cửa của người Kinh tường bằng gỗ, "Gỗ ở trong rừng muốn chặt mấy cũng có", “có nhà toàn làm bằng gỗ trắc”, mái nhà lợp ngói; có khi tường trét đất theo lối Nhật Bản.
 
Người Kon Tum làm đủ nghề như dưới đồng bằng, nhưng “Theo thời tiết trên này, ruộng nương chỉ làm được 1 mùa mà thôi”, lúa Lốc và nếp làm trên cao, lúa Co làm ở ruộng thấp; khoai, bắp, đậu, mè... đều làm một mùa với lúa. Kon Tum có đất đai màu mỡ được mô tả: "Nếu cấy vãi rồi mà chịu khó chăm sóc thêm nữa thì một thúng giống sau gặt được 50,60 thúng; nếu bỏ vất không trông  nom sau cũng được 25-30 thúng là ít . Các loài hoa quả khác đều tốt cả. Bắp mỗi  cây 5, 6 trái , trái nào cũng to bằng cổ tay, cổ chân…".
 
Ngoài nương rẫy, người Kon Tum còn có nghề gạch ngói, nấu rượu , đánh cá, săn bắt, làm gỗ … Người buôn bán ở trong các làng phải có giấy phép của nhà nước và trả thuế ba tăng mỗi năm. Có thời, buôn bán với người dân tộc bản địa rất lời “ Một hộp diêm đổi lấy 1cặp gạc nhung, 1 bát muối đổi lấy 1 con heo”. Nghề làm gỗ thời đó được mô tả : “ Bọn thợ rừng cũng có  nhiều.  Các thứ gỗ họ được phép làm thì như hương, cà chít , sao tía, sao các… Các loài tạp mộc như dầu, bời lời  giá không bao lăm. Còn giống danh mộc như trắc, mun, dạ hương, theo lệ  kiểm lâm, không được đốn. Chỉ khi nào… đốt rừng làm rẫy , có cây nào bị bổ xuống thì mới được phép đem về  đóng  đồ đạc”.   
 
Cuộc sống của người dân Kon Tum theo cảm nhận của bác sĩ Nguyễn Kinh Chi và người em Nguyễn Đổng Chi những năm 1933-1934 khi họ ở đó  thật hiền hòa, yên bình. Đặc biệt “Ở Kon Tum có một điều quý là không có trộm cắp” . Tác giả dẫn lời viên công sứ người Pháp “ Tôi ở đây đã gần 2 năm mà chỉ thấy bọn ăn trộm bông hoa chứ chưa thấy bọn ăn trộm đồ đạc”.  Và “Ăn mày thì rất hiếm”. “Thảng hoặc, có một vài người ở đồng bằng , khi mới lên chưa có công ăn việc làm …” rơi vào cảnh ăn mày , “nhưng cũng không lâu , chỉ nội vài ngày đầu là thôi ngay … Các tác giả còn  bình luận thêm: “ Một đều buồn cười là vì người Ba Na không có tục ăn mày , cho nên mỗi lần có một người ăn mày An Nam mang bị gậy đi kêu xin, thì họ đi theo xem cũng như người ta đi xem  người làm trò vậy…” .
 
Theo “Người Ba Na ở Kon Tum”, ngày trước, tỉnh Kon Tum có “ 2 đô hội lớn” là Kon Tum và An Khê . Thành phố Kon Tum là tỉnh lỵ tỉnh Kon Tum. Thành phố có 4 làng kinh (Phường Nghĩa, Tân Hương, Lương Khế, Trung Lương ), 2 làng người dân tộc là Kon Tum Kơ Pâng và Kon Tum Kơ Nâm với tổng cộng 4000  người.
 
Tuy chỉ sống tại Kon Tum 10 tháng, từ cuối tháng 7/1933 đến cuối tháng 5 năm 1934, song anh em bác sĩ Nguyễn Kinh Chi đã tập hợp những ghi chép, cảm nhận về đời sống, sinh hoạt của người dân ở Kon Tum thành những tư liệu quý, mang giá trị lịch sử- văn hóa sâu sắc; có ý nghĩa cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về mảnh đất và con người Bắc Tây Nguyên ./.
 

Bài, ảnh: Nghĩa Hà