Thứ 3, Ngày 20/05/2025 -

Ký ức tham gia chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh của ngưới lính trinh sát
Ngày đăng: 17/04/2017  04:03
Mặc định Cỡ chữ
Tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh năm 1972, ông Nguyễn Khang Đàm, ở tổ dân phố 10, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum (Đại tá, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10, Phó Tư lệnh Quân đoàn 3) là chàng trai 22 tuổi, biên chế trong đội hình công tác của Mặt trận B3. 45 năm đã trôi qua, trong ký ức của người lính trinh sát năm xưa, khí thế bừng bừng “Trường Sơn chuyển mình, PôKô nổi sóng, quét sạch quân thù, giải phóng nhân dân” của những tháng ngày lịch sử vẫn còn đó.

 

Theo tài liệu truyền thống của Sư đoàn 10 (Binh đoàn Tây Nguyên), tháng 2/1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) thành lập Sở Chỉ huy tiền phương đứng chân ở phía đông Đăk Tô - Tân Cảnh, gọi tắt là Mặt trận cánh đông. Từ ngày 24 đến 27 tháng này, Đảng ủy Mặt trận cánh đông tổ chức hội nghị, hạ quyết tâm đánh bằng được Tân Cảnh. Ngày ấy, căn cứ Tân Cảnh (Căn cứ  E42) - trung tâm chỉ huy tập đoàn phòng ngự phía bắc Kon Tum của địch, vừa là căn cứ hậu cần ở Bắc Tây Nguyên, vừa là nơi xuất phát hành quân của chúng ra khu vực ngã ba biên giới. Lực lượng của địch ở căn cứ này gồm Sở chỉ huy Sư đoàn 22, khu cố vấn Mỹ, Sở chỉ huy trung đoàn 42, Sở chỉ huy trung đoàn 14 thiết giáp, Tiểu đoàn xe tăng M-41, Tiểu đoàn pháo… Tổng quân số gần 1500 tên.

Ông Nguyễn Khang Đàm sau 45 năm tham gia giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh.
Ông Nguyễn Khang Đàm nhớ lại, để chuẩn bị giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, cuối năm 1971, lực lượng trinh sát đã được lệnh triển khai công tác, chuẩn bị cho các lực lượng tấn công vào cứ điểm 42 của địch. Khi đó, ông Đàm đảm nhận vai trò Trung đội phó Trung đội trinh sát, thuộc tiểu đoàn 28, Mặt trận B3. Đơn vị đóng quân ở vùng rừng núi Mô Rai, đi bộ hai ngày mới đến căn cứ 42 của địch ở Đăk Tô, Tân Cảnh. Để chuẩn bị cho chiến dịch, từ cuối năm 1971, lực lượng trinh sát đã nhận lệnh triển khai nhiệm vụ. Hàng tháng, nhiều đợt  hành quân về mục tiêu được tổ chức, mỗi đợt bình quân khoảng 1 tuần; với nhiều nhóm trinh sát, mỗi nhóm 6-7 cán bộ, chiến sĩ. Ban đầu, anh em đặt đài quan sát từ xa, ở vòng ngoài, để quan sát, sơ bộ nắm bắt tình hình; sau mới từng bước tiếp cận mục tiêu, xác định cụ thể địa điểm, vị trí, tính toán quãng đường, thời gian… có thể tiếp cận. Thường mỗi nhóm 7 cán bộ chiến sĩ, khi đi trinh sát thực địa, thì 3 người ở ngoài canh gác, cảnh báo; 4 người trực tiếp vào trong khảo sát, nắm bắt tình hình.
 
Căn cứ E42 được Mỹ Ngụy được phòng thủ kiên cố, được bảo vệ bằng 14 lớp hàng rào kẽm gai, nhiều lô cốt, hệ thống hầm ngầm, hệ thống vọng gác, chốt bảo vệ lớn, nhỏ… Trong đó, những điểm chốt lớn vừa là vọng gác, vừa là nơi đặt  pháo 12,8 ly của địch, sẵn sàng nhả đạn khi phát hiện mục tiêu. Lính trinh sát được rèn luyện  thể lực, tinh thần gan dạ, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng xả thân; song luôn phải đối mặt với hiểm nguy là sự phát hiện của địch, bất cứ lúc nào và các loại mìn “jip”, mìn “nhảy”, mìn chống tăng của địch rải dày đặc ở căn cứ 42. Ban đêm, địch còn liên tục bắn pháo sáng khiến công tác càng thêm khó khăn, thử thách. Bám sát địa hình, địa bàn, nghiêm túc quán triệt tinh thần chỉ đạo “Khắc phục khó khăn, đạp bằng trở ngại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến dịch trong mọi tình huống” của Đảng ủy Mặt trận cánh đông, trải qua nhiều tháng ngày gian khổ, đối mặt với mất mát, hy sinh, trinh sát của B3 phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch đã hoàn thành nhiệm vụ “ tiền trạm”, chuẩn bị “mở đường” tiến công vào sào huyệt của địch ở Đăk Tô - Tân Cảnh. Đêm 23, rạng ngày 24/4/1972, tổ trinh sát của ông  Đàm đảm nhận nhiệm vụ dẫn đường cho Tiểu đoàn đặc công của mặt trận B3 tiến vào căn cứ E42 của địch.
 
Trận đánh diễn ra thần tốc, ác liệt. Sau 10 tiếng đồng hồ quyết chiến, quân ta đã đánh bại toàn bộ lực lượng hùng hậu tương đương một sư đoàn của địch, làm  chủ căn cứ E42. Trưa ngày 24/4/1972, niềm vui chiến thắng vỡ òa. Một trong những ý nghĩa to lớn của Chiến dịch giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh là lần đầu tiên, các lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên tiến công địch giành thắng lợi bằng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn với tốc độ nhanh, sau này, đã được người Trung đội phó Trung đội trinh sát B3 tham gia chiến dịch hiểu sâu sắc, nâng cao tầm nhận thức; nhờ được bồi dưỡng, tiếp thu kiến thức lý luận chính trị, quân sự một cách có hệ thống.Chiến thắng  Đăk Tô - Tân Cảnh cũng đã mở ra một trang sử mới cho sự hình thành và phát triển của lực lượng vũ trang ở Tây Nguyên, với sự ra đời của Sư đoàn 10 anh hùng; mà sau ngày đất nước thống nhất, trong thời kỳ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, ngưới lính trinh sát năm xưa đã công tác, cống hiến, trưởng thành, vinh dự gần 10 năm trong cương vị chỉ huy Sư đoàn.
 
45 năm đã đi qua kể từ ngày chiến thắng lịch sử, những người lính  quả cảm của Trung đội trinh sát năm xưa giờ đều vào tuổi “ xưa nay hiếm”, mỗi người một số phận, hoàn cảnh. Tri ân đồng đội, đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch mùa hè đỏ lửa năm ấy, họ không nguôi tưởng nhớ hai đồng đội đã mãi mãi nằm xuống trước ngày chiến thắng, trên đường đi trinh sát từ căn cứ E42 trở về đơn vị. Một liệt sĩ yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ; một liệt sĩ đã tan hòa trong lòng đất Mẹ, chiến trường xưa./.
 
Bài, ảnh: Nghĩa Hà