Thứ 7, Ngày 26/04/2025 -

Kỹ thuật trồng sâm dây của nông dân Hà Văn Đại
Ngày đăng: 04/05/2017  08:06
Mặc định Cỡ chữ
Cây sâm dây (đẳng sâm) là loại cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao, vì vậy trong những năm qua, loại cây này đã và đang được người dân trồng khá phổ biến tại một số địa phương trong tỉnh; nhiều mô hình thành công mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ kỹ thuật trồng, chăm sóc khoa học, trong số đó phải kể đến mô hình trồng sâm dây của nông dân Hà Văn Đại, thôn Măng Đen, xã Đăk Long, huyện Kon Plông.

 

Vườn sâm dây của gia đình anh Hà Văn Đại

Với giá thành hiện nay, cây sâm dây mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác, lại dễ trồng phù hợp với khí hậu mát mẻ của vùng đất Đông Trường Sơn, dãy núi Ngọc Linh. Hiểu được điều này, anh Đại đã xây dựng dự án phát triển sản phẩm sâm dây và đương quy trên 7 ha tại huyện Kon Plông để đảm bảo kịp thời cung cấp dược liệu cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, trên thị trường Kon Tum giá 1kg sâm dây khô theo loại giao động từ 300.000 đến 600.000 đồng, cây giống 1.200 đồng/cây. Năm nay anh Đại đã ươm gần 1 triệu cây giống và mở rộng quy mô diện tích trồng sâm dây. Mỗi năm vừa bán giống, bán củ, bán lá sâm dây, gia đình anh thu về từ 700 đến 800 triệu đồng.
 

Anh Hà Văn Đại thu hoạch sâm dây
 
Anh Hà Văn Đại cho biết, trồng cây sâm dây thời điểm tốt nhất từ tháng 5 đến tháng 6 Dương lịch, khâu làm đất là một trong những yếu tố quan trọng quyết định quá trình sinh trưởng và năng suất của cây.
 
Đất trồng phải cao ráo, xốp, thoát nước, nhiều mùn, giàu chất dinh dưỡng. Các triền đồi thoai thoải, ruộng bậc thang hay chân ruộng cao là thích hợp nhất.
 
Đất cần được cày bừa kỹ hoặc cuốc, đập nhỏ, vơ hết cỏ dại, phơi ải rồi đánh thành luống to nhỏ tuỳ theo thửa đất. Nếu trồng 2 hàng dọc, mặt luống rộng 60cm, trồng theo hàng ngang thì mặt luống không quá 120cm. Chú ý khơi rãnh và đảm bảo độ dốc để tiện thoát nước vào các tháng mưa to.                  
 
Mỗi sào cần 1-2 lạng hạt. Hạt được gieo thẳng, theo hàng hoặc bổ hốc. Thường gieo theo hàng, rồi tỉa bớt cây yếu để định mật độ, khoảng cách giữa các hàng là 30-35cm, cây cách cây 15-20cm. Gieo hạt xong phủ một lớp đất mỏng hay phân mục dày chừng 1-2cm, trên cùng phủ rơm, rạ. Hàng ngày tưới nước, khi cây mọc được 60% trở lên thì bỏ rơm rạ. Thời gian hạt mọc thường 5-10 ngày nếu đủ ẩm.
 
Vốn cây sâm dây mọc hoang ở những nơi có bóng râm, hoặc ở thung lũng rậm rạp, cho nên cần trồng ở những nơi có bóng râm mát, hoặc gieo những cây khác như đậu tương, bắp cho mọc cao độ 10-20cm rồi mới gieo đẳng sâm. Cần làm sạch cỏ, xới xáo nhất là thời kỳ cây còn nhỏ, chưa leo. Đồng thời, bón thúc bằng nước phân, nước giải hoặc đạm pha loãng.
 
Trước khi gieo cần bón phân chuồng nhiều hoang mục hoặc phân xanh để giúp cho hạt giống nhanh chóng nảy mầm. Sau khi gieo hạt xong thì cho lên một lớp đất mỏng để phủ cùng với lớp rơm rạ ở trên. Cần tưới nước và chăm sóc hàng ngày để cây nhanh mọc.
 
Trong giai đoạn trồng có dế và sâu thường phá hoại thì phải tiến hành bắt bằng tay. Chỗ nào cây sâm dây bị cắn héo thì moi đất ở chỗ đó sẽ thấy sâu nằm dưới đất. Ban đêm thắp đèn, sâu bò ra cắn lá thì bắt giết luôn.
 
Thời gian thu hoạch tốt nhất là 2 năm từ khi xuống giống. Trong quá trình thu hoạch phải phân loại: Loại đạt tiêu chuẩn sẽ phơi khô hoặc bán củ tươi; loại không đạt mà có mầm thì sẽ trồng lại và chỉ năm sau là thu hoạch được. Thu hoạch nên chọn ngày nắng ráo. Củ sâm dây đạt chất lượng dược liệu phải được rửa sạch và phơi ngay trong thời gian 5 ngày (tùy  nắng). Khi củ có màu trắng ngà, ngửi thấy mùi thơm, ăn ngọt là được. Bảo quản củ sâm dây khô bằng cách bỏ vào bì bóng cột miệng lại, để nơi khô ráo thoáng mát./.
 
Bài, ảnh: Dương Nương