 |
Bà Trần Thị Liên từng phục vụ chiến dịch
|
Năm 1952, cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp của Nhân dân ta đã bước sang một giai đoạn mới với những chuyển biến quan trọng, Đảng chủ trương chuẩn bị chuyển sang tổng phản công. Bà Trần Thị Liên ở phường Quang Trung, Thành phố Kon Tum khi ấy là cô gái 20 tuổi tình nguyện đi thanh niên xung phong, vào trung đội TNXP của xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đơn vị được lệnh hành quân qua biên giới, sang Na Phầu, Thà Khẹt (Lào), phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ đoàn kết với nhân dân nước bạn chống kẻ thù chung, đồng thời góp phần tạo thêm thế và lực cho ta bước vào chiến dịch;đi cả ngày lẫn đêm, đến chỗ nào được lệnh nghỉ, mới dừng chân để ăn cơm; cơm nắm chấm với muối thôi, gian khổ vô cùng, nhưng hiểm nguy hơn là phải đối mặt với "Lào gian", bọn chúng đối nghịch với bộ đội và Nhân dân Lào yêu nước, bắt được quân ta là giết luôn. Bởi vậy, đi trong rừng, phải hết sức bí mật, ho không dám ho, anh em bộ đội Lào đi trước dẫn đường, đánh dấu bằng mũi tên báo hiệu để tránh "Lào gian." - Bà Liên kể.
Ông Đặng Hồng Điều ở xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi sinh năm 1930 ở Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Đi thanh niên xung phong đầu tháng 2 năm 1951, cuối năm 1953, ông được biên chế Đội 40 thuộc lực lượng TNXP của Trung ương, trực tiếp phục vụ các đơn vị bộ đội đóng quân tại khu vực biên giới Nghệ An đảm nhận nhiệm vụ đánh chặn không cho lực lượng địch vào Điện Biên Phủ qua đường biên giới. Ông Đặng Hồng Điều còn nhớ: “Ngày ấy, núi rừng Tây Bắc còn hoang vu lắm. Có lần, trên đường vào Điện Biên Phủ, chúng tôi đi bộ đến đèo Pha Đin thì nghỉ lại đêm ở đấy. Trời rét quá, anh em đốt một đống lửa rồi ngả ba lô, nằm ngủ xung quanh. Gặp lửa sáng, đám trâu rừng ở đâu lần đến, nằm la liệt sưởi ấm. Đám hổ dữ thấy lửa, cũng không bỏ lỡ cơ hội, kéo đến tìm trâu. Thế là hổ đuổi, trâu chạy tán loạn. May mà anh em né được, chứ không thì không tránh nổi tai họa”.
Trực tiếp phục vụ chiến dịch ở khu vực biên giới Việt - Lào, ông Điều và đồng đội TNXP ở đội 40 ngày ấy đảm nhận hầu hết việc mang vác, vận chuyển bộ đội bị thương và tử nạn từ chiến trường ra vùng tập kết, "Mang nhiều, vác nặng, nhọc nhằn, vất vả không màng; cả máu me, thương tật, thi thể xác người… thanh niên xung phong cũng không hề ngại ngần, e sợ." - Ông Điều nói.
Bà Trần Thị Mười ở thôn 4, xã Đăk Cấm, TP Kon Tum
Bà Trịnh Thị Mười ở thôn 4, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum vinh dự là một trong số 10 đại biểu cựu thanh niên xung phong và chiến sĩ Điện Biên của Tỉnh Kon Tum,của tỉnh Kon Tum được trở lại thăm chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa trong hành trình “Về nguồn” nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5-2014). Bà kể: Đầu năm 1954, bà tham gia công tác thanh niên địa phương ở Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa thì tình nguyện đăng ký đi dân công, phục vụ chiến dịch. Hơn 1 tháng trời đi bộ ròng rã, đoàn dân công xuất phát từ Vĩnh Lộc vào Điện Biên. Không được đi ban ngày mà chỉ đi vào ban đêm. Anh chị em, người gánh đôi bồ, người quảy bao tải, người đội thúng đội sọt, đi như trẩy hội. Dừng chân ở đâu, là có người tiền trạm trước, chứ không phải muốn nghỉ đâu thì nghỉ. Có chỗ rất khó khăn, nước dùng cũng thiếu. Đến Điện Biên, bà Mười được giao chuyển bộ đội bị thương từ mặt trận ra nơi cứu chữa. Nhiều khi, nhóm 3 người, bà đảm nhận việc chống gậy, dò đường giao thông hào để các anh chị đi sau cáng thương khỏi lỡ bước, sập hố. "Ra mặt trận, thấy thương anh em bộ đội còn hơn anh em ruột thịt của mình. Cơm nắm,nước lã, lại còn gió mưa, thiếu đói…,vậy mà xông pha chiến trường chẳng quản ngại gì. Đến lúc bị thương, anh em đau đớn,vật vã … Xót xa vô cùng nên chúng tôi ai cũng cố gắng chăm sóc, động viên…" - Bà Mười ngậm ngùi nhớ lại.
63 năm đã trôi qua, nhìn lại chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, dân tộc luôn ghi nhớ đóng góp của hàng vạn dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong, trong đó có những chiến sĩ Điện Biên một thời là dân công hỏa tuyến từng phục vụ chiến dịch. Vượt qua gian khổ, thiếu thốn, ngày đêm chuyển đạn, tải lương, làm đường, cứu thương, vận chuyển hàng hóa…; không việc gì, họ không hoàn thành.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Tôi luôn coi TNXP như bộ đội vì trong phẩm chất của Thanh niên xung phong có phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ”. Có trải qua mới thấm thía nỗi gian lao, vất vả của những người lính tiếp lương tải đạn, mở đường , làm hầm …"Chúng tôi rất tự hào vì đã gian nan, khó nhọc một thời để góp công góp sức giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mong sao niềm tự hào ấy sẽ được lưu truyền, tiếp bước cho con cháu hôm nay và mai sau."- Ông Đặng Hồng Điều tin tưởng./.
Bài, ảnh: Nghĩa Hà