
Ảnh minh họa N.Đang
Lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum có rất nhiều và diễn ra theo chu kỳ mùa vụ, vòng đời con người và sự tồn tại, phát triển của cộng đồng. Về cơ bản đều là những lễ hội mang tính qui mô nhỏ, được thể hiện trong phạm vi một gia đình, nhóm gia đình, cao nhất là cộng đồng làng. Tuy nhiên, khi đến thời điểm đất trời vào xuân thì những lễ hội của đồng bào diễn ra trong mùa xuân lại là những lễ hội cộng đồng và đặc biệt nhất là những lễ hội dân gian đón mừng năm mới. Như ở tộc người Xơ Đăng nhóm Tơ Đrá có các lễ hội dân gian chào mừng xuân mới như Lễ hội Mừng năm mới Đinh NơNa sơ năm nêo, Lễ hội mừng năm mới Ău Pleh…đều là mừng năm mới nhưng ý nghĩa lại khác nhau và thời gian tổ chức cũng khác nhau.
Lễ hội mừng năm mới Đinh NơNa sơ năm nêo diễn ra vào khoảng cuối tháng 12 Dương lịch, sau khi lúa và hoa màu trên rẫy thu hoạch xong, người Tơ Đrá yên tâm bước vào tổ chức Lễ mừng năm mới (Đing nơna sơ năm nêo). Đây là ngày hội lớn trong năm của đồng bào nhằm tổng kết thu hoạch sau một mùa rẫy, đồng thời cũng nhằm tạ ơn các Giàng (Thần) đã cho mùa màng bội thu. Lễ mừng năm mới thường được tổ chức ăn mừng trong vài ba ngày liền rất linh đình, với nhiều lễ thức linh thiêng để cúng khấn thần linh và các trò vui nhộn đan xen làm cho không khí của ngày hội mang nhiều ý nghĩa văn hóa tâm linh sâu sắc.
Để chuẩn bị cho các lễ thức được diễn ra suôn sẻ trong Lễ mừng năm mới, trước đó một tuần hoặc thậm chí còn hơn nữa, già làng tập trung tất cả các chủ hộ trong làng tại nhà Rông để thông báo thời gian tổ chức Lễ mừng năm mới của làng. Các gia đình cắt cử nhau đảm nhiệm các công việc chuẩn bị vật chất cho ngày hội như: Đàn bà thì lo ủ rượu cần, đi lấy củi, hái rau rừng, chặt ống nứa đựng rượu, gùi nước, dọn dẹp nhà cửa, giã gạo nếp, gạo tẻ để đủ dùng trong mấy ngày tết; đàn ông thì đi rừng săn bắt các loại thú rừng như: chim, chuột, cá… và đi đến các làng lân cận mời anh em, bạn bè thân thuộc; các thanh nữ thì nhanh tay hơn bên khung dệt để sớm hoàn thành bộ váy áo mới diện trong dịp lễ này; người già cũng lục lại bộ váy khố truyền thống cho ngày lễ. Già làng cắt cử và chỉ huy cánh đàn ông, thanh niên vào rừng chặt lồ ô, nứa để sửa chữa nhà Rông và trang trí làm cột buộc rượu trong nhà Rông, quét dọn đường làng ngõ xóm. Mỗi người mỗi tâm trạng chuẩn bị cho ngày hội, nên khiến cho không khí trong làng càng thêm náo nức, rộn ràng. Khi tất cả mọi gia đình trong làng đã chuẩn bị đầy đủ tinh thần và vật chất, thì cũng là lúc Lễ mừng năm mới đã đến.

Buổi sáng ngày đầu tiên của lễ hội, tất cả các bếp của các gia đình trong làng nhất loạt nổi lửa giết heo, dê, gà… làm lễ vật dâng cúng thần linh. Chủ nhà bưng một ghè rượu ngon buộc vào cột chính giữa nhà để cúng thần, sau đó đem những phần thịt ngon nhất của con vật hiến tế như: Thịt đùi, gan, tim, thận, tiết…mỗi thứ một ít và được chia làm 2 phần bỏ vào cái máng được chẻ đôi từ ống lồ ô. Ngoài ra, các món thịt rừng cũng được đặt vào cái máng lồ ô riêng ( trước đây lễ vật dâng cúng Giàng thường là thịt các loài vật được đánh bắt từ thiên nhiên, ngày nay do môi trường khai thác từ thiên nhiên cạn kiệt, nên trong các dịp lễ này họ sử dụng thêm các loài động vật từ chăn nuôi của gia đình hoặc mua của các gia đình khác) , tất cả các món này được bày cạnh ghè rượu cúng. Sau khi bày biện xong lễ vật cúng tế, mọi thành viên trong gia đình đều ngồi quay mặt về hướng đông nơi đặt lễ vật cúng thần linh. Chủ nhà dùng ngón trỏ của bàn tay phải chấm rượu cúng trong ghè rượu rồi chấm lên trán của mình, sau đó đặt ngón tay lên miệng ghè rượu rồi đọc lời khấn, đại ý:
“Ơi Giàng… hôm nay gia đình chúng tôi và dân làng tổ chức lễ mừng năm mới để tạ ơn Giàng và Thần lúa đã cho mùa màng bội thu, xin mời các Thần đến ăn cơm mới, ăn thịt, uống rượu cùng gia đình chúng tôi, rồi phù hộ cho gia đình chúng tôi và dân làng sang năm mới mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi, không bị chim, chuột, sâu bọ phá hoại và bội thu hơn năm cũ…”.
Khấn xong, chủ nhà dùng tay phải bốc vài hạt cơm bỏ lên đỉnh đầu làm phép rồi uống kang rượu đầu tiên. Tiếp đến, các thành viên trong gia đình lần lượt từ lớn đến nhỏ, đều làm động tác dùng tay bốc vài hạt cơm bỏ lên đỉnh đầu của mình, trước khi uống rượu để cảm tạ các Giàng và Thần lúa.
Đến gần trưa, già làng là người đầu tiên đi đến nhà Rông, đánh một hồi trống báo hiệu cho tất cả dân làng mang lễ vật đến bày tại dãy cột buộc rượu chính giữa nhà Rông để già làng làm lễ cúng Giàng. Già làng là người buộc ghè rượu cúng đầu tiên của gia đình mình, tiếp đến lần lượt đến các gia đình khác trong làng. Khi các vật dâng cúng Giàng đã được các gia đình tập kết đầy đủ về nhà Rông, già làng bắt đầu làm lễ cúng. Sau khi khấn xong, già làng dùng bàn tay phải bốc vài hạt cơm bỏ lên đỉnh đầu của mình và uống kang rượu cúng đầu tiên. Lúc này dàn chinh goong (cồng chiêng), Klông pút nổi lên dồn dập để đón chào một năm mới. Tiếp đến, các gia đình lần lượt làm động tác tương tự như già làng và uống rượu cúng trong ghè của mình, sau đó, họ mời nhau cùng thưởng thức hương vị ngọt ngào của rượu cần trong năm mới. Trong dịp này, nếu có khách lạ đến làng thì họ cũng được dân làng tiếp đón rất chu đáo. Cuộc vui cứ thế kéo dài, họ ăn uống, nói chuyện và múa hát thâu đêm bên ánh lửa bập bùng trong nhà Rông.
Sáng hôm sau, chủ nhà bưng một ghè rượu mới, giết gà, dê, heo… nấu cơm mời khách và con cháu ở xa về nhà mình cùng ăn uống nói chuyện. Trong dịp này, các gia đình có thể tổ chức làm lễ cà răng cho con cái của họ khi đã đến tuổi trưởng thành ( khoảng 16-17 tuổi) và tổ chức mai mối hoặc cưới xin cho con cái của họ khi đã trưởng thành. Đến trưa hay muộn lắm là xế chiều ngày hôm đó, những người khách, bà con họ hàng, bạn bè đến từ các làng xa đều chia tay gia chủ để trở về, họ không quên cảm ơn sự tiếp đón chân thành nồng hậu của mọi người trong làng và hẹn gặp nhau tại lễ mừng năm mới của làng bên cạnh. Trước khi tiễn khách, họ hàng và bạn bè về, gia chủ tặng mỗi người một nắm xôi và ít thức ăn được gói trong lá chuối để họ ăn dọc đường hoặc mang về làm quà cho gia đình. Lễ Ding nơna sơ năm nêo đến đây xem như đã kết thúc, những ngày sau đó dân làng chỉ uống rượu cho vui vẻ. Đêm đến, mọi người lại tập trung tại nhà Rông để đánh cồng chiêng, múa xoang và hát giao duyên… nhiều đôi nam nữ bén duyên nhau cũng từ nghi lễ này. Trong những ngày này, nếu chúng ta có dịp đến vùng người Tơ Đrá thì ta như lạc vào không gian đầy huyền diệu rộn ràng âm thanh cồng chiêng và những đống lửa hồng hừng hực…
Lễ hội mừng năm mới Đing nơna sơ năm nêo của người Tơ Đrá tuy tổ chức không lớn, nhưng lại rất quan trọng. Ngoài ý nghĩa kết thúc mùa rẫy, mở đầu cho một năm mới và những ngày tháng ning nơng (mùa lễ hội, nghỉ ngơi, ăn năm uống tháng), nó còn có ý nghĩa khác là làm thủ tục cho mùa vụ sắp đến. Có như vậy dân làng mới yên tâm trong những ngày tháng ning nơng. Hơn thế nữa, trong lễ hội này cộng đồng làng còn thể hiện mối đoàn kết gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng, đồng thời cũng là dịp đoàn tụ con cháu trong gia đình và cộng đồng làng sau những tháng ngày vất vả với công việc nương rẫy hoặc đi làm ăn xa trở về. Cũng trong thời điểm này, các gia đình tiến hành làm lễ trưởng thành cho các chàng trai, cô gái và đây cũng là dịp tốt cho các chàng trai, cô gái có điều kiện tìm bạn trăm năm. Bên cạnh đó, cũng là dịp để các loại hình văn nghệ dân gian được phô diễn, khả năng sáng tạo văn hóa của con người được phát huy, là môi trường rất thuận lợi cho việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của tộc người Xơ Đăng nói chung và nhóm Tơ Đrá nói riêng.
Còn Lễ hội mừng năm mới Ău Pơleh thì lại thường tổ chức vào cuối tháng 2 Dương lịch, sau Tết Nguyên đán khoảng một tháng. Lễ hội Ău Pơleh tổ chức riêng biệt cho từng cộng đồng làng... Mỗi làng sẽ tự chọn một ngày khác nhau để có thời gian đến tham dự với nhau. Lễ hội Ău Pơleh được xem là một ngày lễ hội truyền thống, lễ hội lớn nhất và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống của đồng bào vùng cao.
Ngày đó, từ sáng sớm, mỗi hộ lo chuẩn bị đồ ăn thức uống của mình. Về lương thực, có cơm lam nướng trong ống nứa thơm ngon đến lạ kỳ. Đặc biệt, hôm ấy không có nhà nào nấu cơm tẻ. Những hột nếp trắng đục sau khi đã ngâm một đêm trong những chiếc nồi đồng; sáng, được đổ vào trong những ống nứa xanh dài vừa mới chặt về sau đó mang đốt trên bếp lửa, phải nướng khéo tay, kẻo bị cháy đến lưng ống nứa, ăn mất ngon. Về thức ăn, ai có thứ gì đem ra thứ nấy tuỳ khả năng của mỗi người có thể kiếm được, có thể đó là con cua, con tép vừa mới xúc được, có thể con gà rừng, con chim, sóc vừa mới trúng bẫy. Về thức uống là rượu ghè được các gia đình chuẩn bị sẵn từ vài tháng trước. Rượu ghè ngon nhất là rượu ghè được làm từ chất liệu như : Gạo, kê, bo bo hoặc nếp.
Đúng vào giữa trưa, một hồi trống vang lên báo hiệu cho mọi người đến nhà Rông để bắt đầu tiến hành làm lể. Khi đi, dân làng không quên mang theo một ghè rượu thật ngon, đổ sẵn nước một nửa ghè để nó ngấm.
Khi dân làng cũng như khách mời từ các làng khác đến đông đủ, già làng tiến hành lễ cúng Giàng. Các ống cơm nếp được bổ ra từ các ống lồ ô dài đặt trong các mủng và nong nia. Mọi người mời nhau ăn uống. Các già làng, người có uy tín được bà con dân làng mời ăn uống đầu tiên. Cơm nếp được chuyền cho nhau, không sót một người nào. Những lời chúc tụng nhau, chào hỏi nhau, tiếng cười hoà lẫn tiếng mời gọi nhau, râm ran nhộn nhịp tưng bừng.
Đây chính là ngày bắt đầu của năm mới. Năm cũ đã qua, mọi điều nhọc nhằn phiền muộn đã qua, không ai muốn nhắc lại để làm gì. Mọi giận hờn hay thù hằn không nói đến trong hôm nay. Thậm chí, người ta xí xoá cho nhau , tha thứ cho nhau nữa là đằng khác. Như thế mới đúng với ý nghĩa lễ hội “Ău Pơleh” bởi lẽ “ Pơleh” là xí xoá, là rộng lượng, là tha thứ. Mọi người hôm nay, phải xích lại gần nhau hơn, đoàn kết chặt chẽ hơn và thương yêu nhau hơn. Mỗi lần mùa “Ău Pơleh” về, người người vui mừng, hớn hở như đón người thân xa cách lâu ngày nay mới trở về. Ngày “Ău Pơleh”, người ta mời nhau uống rượu ghè. Uống hết một “Tơ ló” (ống nứa nhỏ rót đầy rượu) lại mời tiếp “Tơ ló” thứ hai, thứ ba... và cứ thế mà uống. Trên các tô, chén dĩa đầy ắp các món ăn cá, thịt, rau. Hôm nay, họ tha hồ ăn uống, mừng vui. Họ thật sự vui như chưa bao giờ vui bởi cả một năm dài dằng đẵng lễ hội chỉ được “mở” một lần. Ai uống cứ uống, ai biết hơ nhông (hát đối đáp) thì cứ hơ nhông, ai chiêng, xoang cứ chiêng ,xoang. Những ống Tơ ló bằng lồ ô, nứa nhỏ lúc nào cũng tràn rượu nồng thơm để mọi người cùng trao nhau uống cạn. Khi một người đã mời ai đó uống thì người đó khó lòng mà từ chối, bởi nếu bị từ chối mà không có lý do chính đáng thì người mời sẽ buồn.
Các chàng trai, các thiếu nữ, nhân cơ hội này mời nhau uống để rồi bộc lộ tâm tình của mình. Nếu hợp nhau, tình yêu có thể chớm nở trong lòng họ. Người Tơ Đrá ít khi bộc lộ thẳng thắn tình cảm của mình, nhưng họ mượn hơ nhông để giao duyên đối đáp nhau. Những bài hát hơ nhông hay hát “cheo” hay hát “Ting Ting”... dễ gởi gắm tâm tình.Tiếng hát quên cả thời gian trôi. Mãi đến khi trời tối , người ta vội vã đốt lửa để có được ánh sáng. Những ai bận bịu công việc gia đình thì về. Còn ai thích vui chơi, cứ ở lại. Những góc tối nào đó có những đôi uyên ương thầm thì, thỏ thẻ... bên nhau những câu ước vọng. Trời tối dần, rượu nhạt đi, cuộc vui cũng tan theo. Ai nấy về nhà, lễ hội Ău Pơleh kết thúc.
Cũng là lễ hội mừng năm mới nhưng người Xơ Đăng nhóm Xơ Teng lại có Lễ hội On Rô Pơ Rông, còn gọi là Hội uống rượu mừng năm mới được diễn ra vào tháng 01 Dương lịch. Theo quan niệm của người Xơ Teng thì đây là thời khắc linh thiêng nhất của năm mới (khác với người Kinh là ăn Tết Nguyên đán vào đầu năm Âm lịch). Lễ hội mừng năm mới On Rô Pơ Rông là lễ hội tiêu biểu, nhằm xoá đi những dấu ấn không tốt đẹp của năm cũ, chào đón một năm mới tốt lành hơn, may mắn hơn.
Vào những ngày cuối năm cũ, trước thời gian diễn ra lễ hội, đàn ông trong làng vào rừng săn bắn, bẫy chim, chuột và các loại thú rừng khác để chuẩn bị ăn Tết. Họ thích thịt thú rừng hơn là dùng các món ăn từ súc vật nuôi trong nhà. Sáng ngày mồng một Tết, tất cả mọi gia đình trong làng đều thổi cơm lam gạo nếp ( gạo nếp nấu trong ống nứa ) và cùng với thịt thú rừng ,cả gia đình quây quần bên bữa ăn đầu năm để chúc mừng năm mới.
Sau thủ tục khấn Giàng, thanh niên làng mặc những bộ trang phục đẹp nhất với những loại trang sức truyền thống.Trai mang túi đeo vai; gái mang gùi to, tất cả tụ họp về nhà Rông để mừng năm mới. Sau khi trai gái trong làng tụ họp đông đủ, họ nhanh chóng thành lập một đoàn và lần lượt đi chúc mừng sức khoẻ tất cả các thành viên trong làng.
Khi đến từng gia đình, sau những lời chúc tụng nhau, chủ nhà đại diện cho gia đình sẽ mang quà tặng cho mọi người ( giống như tục lì xì, mừng tuổi của người Kinh ). Quà tặng thường là một ghè rượu, ít thịt chim, chuột, vài ống cơm lam, thuốc lá, v.v...Người Xơ Teng quan niệm tục tặng quà năm mới thể hiện sự sung túc, giàu có của mỗi gia đình, và một điều có tính bắt buộc là dù ít hay nhiều, mỗi gia đình đều phải có quà để tặng cho đoàn chúc Tết.

Sau khi thăm hỏi, chúc mừng và nhận quà tặng đầu năm, đoàn trai, gái mang quà tặng của các gia đình về lại nhà Rông tổ chức ăn uống, múa hát, sau đó cuộc vui lại từ nhà Rông tỏa về các gia đình trong làng. Tại các gia đình, họ cũng tổ chức uống rượu, múa hát, đánh cồng chiêng, mọi người thật sự say sưa cho bõ những ngày lao động mệt nhọc. Mọi người vừa uống rượu nhảy múa xung quanh bếp lửa, gần nơi thờ cúng tổ tiên (
Plo Xổi).Họ vừa tung vãi cơm xôi, reo hò, đánh trống, cồng chiêng, hát những bài hát dân ca, cầu mong mùa màng sẽ tốt tươi hơn, để cho lương thực sẽ thừa thãi, tha hồ vung vãi như hôm nay. Cuộc vui cứ thế kéo dài cho đến thâu đêm mới kết thúc.
Lễ hội On Rô PơRông là một nét đẹp trong kho tàng văn hoá cổ truyền của người Xơ Teng. Đây là một lễ hội cộng đồng, nhằm thoả mãn nhu cầu gặp gỡ, giao lưu, chúc mừng nhau giữa các thành viên trong cộng đồng qua một năm lao động mệt nhọc. Lễ hội OnRôPơRông của người Xơ Teng có những nét cơ bản giống như phong tục ăn Tết Nguyên đán của người Kinh đến đền, chùa để cầu may, cầu phúc, thì người Xơ Teng lại tụ hội về nhà Rông để vui chơi nhảy múa và thể hiện đời sống tâm linh của mình, cầu mong cho năm mới những điều tốt lành hơn, may mắn hơn.
Xuân Mậu Tý 2008 đã đến, trời đất, núi rừng Kon Tum đang vào xuân. Ở các bản làng của người Xơ Đăng đâu đâu cũng rộn ràng không khí của các lễ hội dân gian truyền thống mừng năm mới với sắc màu rực rỡ của hoa Pơ Lang và tiếng cồng chiêng trầm hùng giữa đại ngàn mênh mông của núi rừng.
Trần Vĩnh.