Từ rất xa xưa, bắt đầu từ tình yêu quê hương, đất rừng, sông suối người Kon Tum đã nỗ lực tiến hành các hoạt động chế tác công cụ, tìm kiếm thức ăn, sản xuất nông nghiệp. Qua đó, tích lũy được nhiều kinh nghiệm để thích nghi với môi trường. Từ đó, có thêm những điều kiện thuận lợi cho việc khám phá và khai thác tài nguyên thiên nhiên, làm nên những thành tựu kinh tế, văn hóa - xã hội phù hợp với sắc thái riêng độc đáo trong văn hóa Việt.
Cũng tự nhiên như môi trường sống, họ quản lý xã hội bằng những con đường bình dị từ những quy chuẩn nhân văn của cộng đồng. Các quy chuẩn bình dị ấy có sức mạnh vững bền vì nó xuất phát từ tình yêu quê hương vô bờ bến. Khi quê hương bị xâm lăng, bằng tình yêu ấy, họ quyết giữ quê, giữ nước không cam chịu đầu hàng trước bất cứ thế lực nào, từ những cuộc xâm lấn của lân bang, đến những cuộc chiến xâm lược quy mô của các đế quốc. Mới đầu chỉ là những cuộc tự phát đuổi đánh phái bộ Odendhal (1894, những cuộc nổi dậy của nhân dân các dân tộc Xê Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai…( Năm 1900), rồinhững trận tập kíchvào các đồn địch ở Đăk Psi, đồn Đăk Tô ..(năm 1901- 1902). Đến cuộc khởi nghĩa quy mô liên kết các dân tộc liên tục từ 1909 đến 1921-1925. Nhưng, ở quy mô nào, thì mục tiêu của những cuộc chiến đấu này cũng là đánh đuổi ngoại bang, giữ đất giữ làng. Và, người khởi xướng phong trào thuộc dân tộc nào (Xê Đăng hay Giẻ Triêng..), cũng được đồng bào các dân tộc tham gia đông đảo.
Truyền thống ấy, là nền tảng để khi được ánh sáng của Đảng soi đường, tạo nên bước chuyển về ý thức để đồng bào quyết tâm theo Đảng, đứng lên làm cách mạng, bền bỉ sát cánh bên nhau làm nên nhiều chiến công qua 2 cuộc kháng chiến chống đế quốc. Trên con đường vạn lý ấy, có lúc, có dân tộc từ niềm tin theo Đảng đã đủ sức từ bỏ dứt khoát một ý niệm ngàn đời (như Đồng bào Giẻ Triêng bỏ tục “Trả đầu”; đồng bào Ba Na, Xê Đăng bỏ nhiều hủ tục kiêng cữ có hại) bước lên các cao trào cống hiến trên nhiều mặt trận trong kháng chiến, từ sản xuất, văn hóa, đến góp người góp công đánh giặc.
Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước ( năm 1975), trên con đường mới, đồng bào đã tích cực lao động sản xuất xóa đói, giảm nghèo; áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng. Đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Nhiều tập tục lạc hậu đã được xóa bỏ, nhiều thành tựu trên đường phát triển đã được chọn lọc tiếp thu vào đời sống xã hội, hình thành nhiều phong trào đang huy động sức mạnh toàn dân đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong bối cảnh hội nhập đầy khó khăn, giữ vững niềm tin theo Đảng, người Kon Tum đã phân biệt rõ và loại trừ đi một số tư tương văn hóa ngoại lai kỳ quái, không phù hợp với văn hóa Việt. Có nơi, đồng bào đã không tin những điều nhảm nhí, kịp dừng lại trước khi sa ngã, nhờ nét văn hóa đặc đáo và niềm tin vào đường lối vững bền.
Có thể nói tình yêu quê hương và niềm tin theo Đảng của các dân tộc Kon Tum được đúc kết và phát triển qua thử thách đã, đang và sẽ là vốn quý của văn hóa dân tộc. Trong giai đoan hiện nay, nó càng cần được sự quan tâm chung tay từ nhiều phía để phát huy.
Trước hết, cần giáo dục sâu rộng lịch sử đấu tranh hào hùng bằng những hình thức thích hợp. Trong đó, phát huy cao độ giá trị của những di tích, chứng tích, những điểm chiến thắng…trên địa bàn, để mọi người hiểu sâu hơn về qua quá khứ hào hùng của mỗi địa danh, chiến tích; mỗi tên đất, tên làng trên mảnh đất Kon Tum, mà tự hào về những chiến công cao cả, những giá trị vinh quang trong quá trình đấu tranh giữ nước.
Có cơ chế để mỗi cá nhân hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, mỗi nghệ nhân Mang hết tài năng, tâm huyết truyền bá nét đặc sắc của đồng bào các dân tộc Kon Tum. Trước hết, cần tích cực, chủ động theo sát hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu, tập hợp các ý kiến, đề xuất những cơ chế, chính sách cho phù hợp với đặc thù của Tỉnh; tìm những giải pháp thích hợp nhằm đào tạo, bồi dưỡng phát hiện các nhân tài, gắn bó với Kon Tum để xây dựng đội ngũ đủ sức tiếp nối các thế hệ; đồng thời cổ vũ, động viên tạo điều kiện lao động sáng tạo, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc.
Cũng nên đổi mới hợp lý việc đầu tư cho các công trình văn hóa trên địa bàn. Qua đó, triển khai làm khơi dậy và phát huy tốt nhất sức mạnh từ bản chất tình yêu quê hương trong từng người dân, từng cộng đồng làng xã. Trong đó, tập trung ưu tiên hơn cho nghiên cứu các đề tài trên lĩnh vực lịch sử văn hóa, với cơ chế đặc thù, thông thoáng và gọn nhẹ. Tiếp theo là quan tâm ứng dụng nó cho phù hợp với từng nơi, từng dân tộc và điều kiện thực tiễn trên địa bàn, làm cho hoạt động này đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ Nghị Quyết Hội nghị lần thứ 9 BCHTW đã đề ra, khẳng định giá trị lâu bền của truyền thống văn hóa các dân tộc Kon Tum là tình yêu quê hương và niềm tin theo Đảng/.
Hoàng Chúc