 |
 |
Đồng bào biên giới xem chương trình biểu diễn của đoàn nghệ thuật tỉnh |
Cơ cấu tổ chức bộ máy của Đoàn gồm 4 mảng riêng biệt, bộ phận Hành chính phụ trách công tác đối ngoại, tổ chức sự kiện và làm công tác tài chính trong cơ quan. Ba bộ phận còn lại mang tính “chủ lực”, góp phần quan trọng trong hoạt động của một đơn vị nghệ thuật. Bao gồm Đội múa (13 diễn viên, trong đó có 02 biên đạo múa). Đội ca gồm 8 ca sỹ được đào tạo bài bản, Đội nhạc gồm 5 thành viên (01 solo, 01 bass, 01 trống, 01 ordgan và bộ phận chuyên âm thanh, ánh sáng sân khấu).
Khác với những đơn vị sự nghiệp khác, Đoàn nghệ thuật mang tính đặc thù, công việc chuyên môn là tập luyện và biểu diễn theo chủ đề các ngày lễ trong năm, chương trình luôn được thay đổi, luôn nâng cao chất lượng giá trị các tác phẩm nghệ thuật trước khi đưa ra biểu diễn tới công chúng. Vào những dịp lễ, công việc của Đoàn gần như kín lịch, hầu như nghỉ ngơi là rất ít, các anh chị em diễn viên phải tập luyện cả sáng, chiều, tối, sẵn sàng biểu diễn không quản ngại khó khăn. Mỗi người trong Đoàn luôn có một tinh thần gắn bó với nghề, bởi vì nếu không có yêu nghề thì những tiết mục không thể trở trên sống động và hấp dẫn với người xem. Công việc của người nghệ sĩ là vậy, vất vả là vậy nhưng không buồn lòng vì điều đó, tất cả cảm thấy vinh dự và hạnh phúc vì được phục vụ bà con. Những ngày lễ, tết khi hầu hết người dân đều dành thời gian cho việc nghỉ ngơi thư giãn và mua sắm thì các diễn viên của Đoàn lại tất bật tập luyện chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật của mình. Tất cả đều tập trung ráp nhạc, chạy chương trình, không khí nhộn nhịp của đường phố gác lại sau lưng, chỉ còn lại thế giới riêng của người nghệ sỹ cùng với nhiệm vụ của mình. Đặc biệt với các nữ diễn viên, công việc gia đình còn bộn bề, thường xuyên tập luyện, buổi tối lại đi diễn, họ chỉ tranh thủ buổi trưa là việc dọn nhà cửa, có khi chồng con cũng không được gặp mặt. Đôi khi những chuyện xích mích, hiểu lầm trong gia đình là không thể tránh khỏi, bởi vậy đòi hỏi người thân phải có sự cảm thông tuyệt đối.
Một công việc mà ít người biết và hầu như bị “lãng quên” đối với người xem, đó là thu dọn sau khi kết thúc đêm diễn. Từ một nghệ sỹ với trang phục đủ màu sắc lấp lánh trên sân khấu tràn ngập ánh đèn, hóa thân thành những “người bốc vác chuyên nghiệp”, người găng tay, người mặc quần cộc,… tất cả tập trung gom đồ đạc trang thiết bị, sắp xếp lại xe sân khấu, có những dụng cụ nặng lên đến 500kg như máy nổ, loa đài,... Sau khi chương trình chấm dứt, nhìn cảnh anh chị em nghệ sỹ cùng giúp nhau khuân vác bục bệ, phông màn, ánh sáng… chợt nhận ra rằng tình cảm của người nghệ sĩ với nghề của mình vẫn còn tha thiết lắm, không chỉ là nghề mà trở thành cái “nghiệp” để mỗi diễn viên, nghệ sỹ phải sống và gắn liền với nó. Mỗi người một việc “lầm lũi” không cần ai chỉ bảo, tự giác âm thầm làm công việc cuối cùng của đêm diễn giống như đó là trách nhiệm của riêng mình. Điều đáng chú ý là nhiều lúc phải đi biểu diễn xa hàng trăm cây số, có khi phải gần 2h sáng các nghệ sĩ mới về đến nhà. Có những cặp vợ chồng đều là diễn viên của đoàn, gia đình, con cái thường ít được sum họp, con nhỏ cũng nhờ hàng xóm trông giúp, nửa đêm đón con về đến nhà, họ chỉ kịp cầm tay con mãn nguyện sau một ngày công tác, thế nhưng trên môi họ vẫn luôn nở nụ cười vì họ biết rằng đó là công việc mình đã lựa chọn và luôn cần phải phát huy nó, vui vì được cống hiến cho khán giả, cho nhân dân vùng sâu còn nhiều thiếu thốn về tinh thần và vật chất.
Kon Tum là một tỉnh nằm cực Bắc Tây Nguyên, hội tụ nhiều dân tộc anh em sinh sống, con người nơi đây có một nét đặc trưng và rất dễ nhận biết đó là yêu văn nghệ, thích ca múa, chính vì điều đó đã thúc dục, động viên người nghệ sỹ, cuộc đời cảm thấy đẹp hơn khi cảm thấy mình làm được một điều tốt đẹp cho một ai đó. Với nhu cầu như vậy, Đoàn nghệ thuật tỉnh Kon Tum luôn phải đổi mới chương trình, những tác phẩm cũng phải được chắt lọc để cho phù hợp với tập quán vùng miền, phù hợp với mỗi dân tộc bản địa.
Tuy nhiên, để có được sự phát triển đó, Đoàn cần phải được đầu tư thêm và hiện đại hóa về trang thiết bị biểu diễn. Một điều thiệt thòi là Đoàn mang tính chất chuyên nghiệp, nhưng đối với một tỉnh như Kon Tum hiện nay, dân trí còn thấp, việc đi xem biểu diễn của người dân có gì đó vẫn còn mang tính thụ động. Công việc làm thêm của các nghệ sỹ chỉ là ở những nhà hàng nhỏ tổ chức đám cưới, chưa có những tụ điểm có tiếng để phát huy hết khả năng của mình. Tất cả công sức bỏ ra hoàn toàn chỉ để phục vụ nhân dân miễn phí. Khác với những thành phố lớn, họ có “đất” để thỏa sức “vẫy vùng”, có điều kiện vật chất dồi dào để thực hiện những ước mơ, hoài bão. Nếu so với họ thì là thế, tuy nhiên các diễn viên, nghệ sỹ của Đoàn luôn đề cao vai trò của mình là phục vụ nhân dân, đặc biệt ở các xã vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn hơn mình. Niềm đam mê nghề nghiệp không những bị giảm sút mà đang ngày càng được phát huy hơn, khi bước lên sân khấu là sự cống hiến, với những giai điệu, lời ca, điệu múa cháy hết mình dưới ánh đèn sân khấu.
Với số lượng phục vụ dày đặc và có chất lượng, từ đầu năm 2014 đến nay, Đoàn nghệ thuật tỉnh Kon Tum đã phục vụ được 21 xã ở 7 huyện với 24 buổi biểu diễn, có 30 tiết mục được dàn dựng khá công phu. Các chương trình biểu diễn được chau chuốt về nội dung và hình thức, những đêm lưu diễn luôn để lại cho nhân dân ở vùng xa, biên giới những tình cảm sâu sắc. Với những tiết mục mang tính nghệ thuật và mang tính tuyên truyền văn hóa có ý nghĩa đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, gần gũi với nhân dân. Đó không chỉ là thực hiện nhiệm vụ của người nghệ sỹ, mà mỗi diễn viên còn là một chiến sỹ văn hóa đang góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân ở cơ sở.
Thế Phiệt