Chủ nhật, Ngày 18/05/2025 -

Tản mạn trên những nẻo đường biên giới
Ngày đăng: 04/09/2014  02:47
Mặc định Cỡ chữ

Hơn 20 năm đeo đuổi nghiệp “viết lách” ở Kon Tum, tôi có nhiều dịp rong ruổi trên các dặm đường biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia. Dấu chân của tôi đã in đậm trên các nẻo đường biên từ phía Tây-Nam xuôi về phía Bắc; từ đường biên giới trên địa bàn các xã Nam Sa Thầy (Ia Tơi, Ia Đal, Ia Dom, Mô Rai, Rờ Kơi) đến các xã Sa Loong, Bờ Y, Đăk Xú, Đăk Nông, Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi) rồi xuôi về phía Bắc qua các xã Đăk Long, Đăk Nhoong, Đăk Blô (huyện Đăk Glei). Trên các nẻo đường biên giới này, nhiều thôn làng của đồng bào người Giarai, Rơmâm, Brâu, Xêđăng, Cadong, Giẻ-triêng... ẩn mình hiền hòa dưới những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn, tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ. Và từ bao đời nay, những cộng đồng dân cư ấy cứ sống bình yên như thế, sống dựa vào rừng, coi rừng là nguồn sống, là mạch nguồn thiêng liêng để cộng đồng nương tựa vào đó, giống như mạch máu đang ngày đêm tuần hoàn trong cơ thể của họ vậy. 

Đoàn hội viên Hội Nhà báo tỉnh đi thực tế tại cửa khấu quốc tế Bờ Y-Phu Cưa
 
Chuyện tản mạn dọc đường biên giới thì có nhiều, được “tích tụ” qua hơn 20 năm trong nghề, nên không thể kể hết trong khuôn khổ một bài báo. Ở đây, chúng tôi chỉ kể chuyện “ghi chép dọc đường” tại vùng ngã ba Đông Dương của huyện Ngọc Hồi. Khởi đầu từ đường Quốc lộ 40 trên đất Việt Nam, khi đến xã Bờ Y được chia hai hướng, một hướng sang tỉnh Attapeu (Lào) và một hướng sang tỉnh Ratanakiri (Campuchia), được mệnh danh là “một tiếng gà gáy cả ba nước đều nghe”. Đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y, chưa tới khu kiểm soát liên hợp, rẽ trái để đến cột mốc chủ quyền của 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Nơi đây được biết đến như là “túi bom” của toàn vùng Đông Dương trong kháng chiến chống Mỹ.
 
Cột mốc nằm trên một ngọn đồi cao 1.068m so với mặt nước biển, có tên Đồi Tròn. Ngày 18-1-2008, đại diện Bộ Ngoại giao ba nước và lãnh đạo ba tỉnh giáp ranh: Kon Tum (Việt Nam), Attapeu (Lào) và Ratanakiri (Campuchia) đã tổ chức lễ khánh thành cột mốc chung. Cột mốc đặc biệt này mang số hiệu 2007, là một khối đá granit nặng một tấn, cao 2m, ba mặt hướng về ba nước. Từ đây đi thủ đô Bangkok của Thái Lan khoảng 1.000km, gần hơn đi thủ đô Hà Nội vài trăm cây số. Lệ thường, các cột mốc biên giới đều chỉ có hai mặt, mỗi mặt ghi số hiệu và Quốc hiệu, Quốc huy hai nước giáp ranh nhau, nhưng cột mốc này có ba mặt. Do vậy du khách nào đặt chân đến đây cũng đều háo hức muốn nhìn tận mắt cột mốc ba mặt. Phóng tầm mắt ra xa, những đồi núi chập chùng của hai nước bạn Lào và Campuchia. Nơi đây, người dân địa phương chủ yếu làm rẫy với cư dân nước bạn.
 
Hiện ở đây chưa có cửa khẩu mở sang Campuchia. Từ ngã ba Đông Dương, theo đường 40 đi về phía tây thì gặp cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y- Phu Cưa thông thương qua Lào. Ngày 19-5-2010, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo 2 nước Việt Nam và Lào, 2 tỉnh Kon Tum và Attapeu đã làm lễ khánh thành cột mốc 790, phân chia ranh hai nước trên đỉnh Dốc Muối, là nơi thời chống Mỹ có một kho muối phục vụ chung cho chiến trường ba nước. Cột mốc 790 khởi công từ năm 2009 với kinh phí trên 3 tỷ đồng, bằng đá granit nguyên khối, đế rộng 1,6m, cao 2,2m. Cạnh cột mốc, ngày 9-7-2010 cũng đã diễn ra lễ khánh thành khu Kiểm soát liên hợp Việt Nam- Lào. Cửa khẩu vào Lào được gọi là Phu Cưa, nghĩa là Dốc Muối. Tọa lạc tại bản Phu Cưa, huyện Phu Vong, tỉnh Attapeu, nơi đây còn nổi tiếng là quê hương của nhiều lãnh tụ nước bạn.
 
Ông Nguyễn Trọng Hảo - Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh cho biết, thu ngân sách tại đây còn cao hơn thu nhập của cả huyện Ngọc Hồi. Từ sáng kiến của Thủ tướng ba nước Đông Dương, cửa khẩu Bờ Y được xác định là trung tâm của tam giác phát triển, xây dựng nhờ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Nằm trên trục hành lang phát triển đông tây, nối đông bắc Thái Lan với Việt Nam, lấy tỉnh Upon (Thái Lan) làm điểm nhấn thông qua Bờ Y để nối với cảng Quy Nhơn (Bình Định),  cảng Kỳ Hà, Chu Lai (Quảng Nam), cảng Đà Nẵng. Mỗi ngày có trên 45 chuyến xe khách từ các tỉnh miền Trung và Tây nguyên qua cửa khẩu này để đến các tỉnh Nam Lào, thủ đô Viêng Chăn và vùng Đông bắc của Thái Lan.
 
Ông Nguyễn Hữu Bảng- Chủ tịch UBND xã Bờ Y cho biết, cả xã có 15 dân tộc nhưng đông nhất là người Ca Dong. Xã rộng hơn 12.000 ha, trên 1.600 hộ với hơn 6.600 nhân khẩu, có 9 km tiếp giáp với nước bạn Lào. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, thời gian qua, xã đã mở các lớp truyền nghề dệt thổ cẩm, cồng chiêng, múa xoong cho thanh thiếu niên địa phương. Xã đã vận động cụ A Hre (thôn Ke Joi) truyền nghề đánh chiêng cho thanh niên. Điều này là một tín hiệu tốt, bởi theo chị Y Hiền (sinh năm 1978, người Ca Dong), thanh niên trong làng hiện nay ít quan tâm đến nghệ thuật cồng chiêng, vốn di sản quý giá của dân tộc. Nhiều thanh niên trong làng ra huyện, về thành phố Kon Tum tìm cái chữ, hoặc đi nơi khác tìm kế sinh nhai nên chỉ còn số ít người già và trẻ em ở nơi thâm sơn cùng cốc này.
 
Ông Thao Lợi- Trưởng thôn Đăk Mế (xã Bờ Y) cho biết dân tộc Brâu vốn ở biên giới sát Campuchia, Lào và Việt Nam; từng phải dời làng đến 11 lần mới về nơi định cư bây giờ. Lý do các lần dời làng, một phần do đất ở quá khắc nghiệt, chiến tranh; một phần do bệnh tật ốm đau mà người Brâu cho rằng có “bóng ma” gây ra. Trước khi đến định cư ở đây, họ còn bị cháy rụi nhiều ngôi nhà sàn. Ông trưởng làng cùng vợ là chị Nàng Sai đang lợp nhà để làm lễ cúng giải xui. Đây là lễ cúng vào loại lớn nhất của dân tộc Brâu. Ông Thao Lợi giải thích, người đàn ông Brâu có họ Thao, phụ nữ họ Nàng. Với người Brâu, có bốn tập tục đặc trưng mà ít dân tộc nào có là căng tai, vẽ mặt, cà răng và đeo còng ở chân, tay.
 
Đi trong làng, chúng tôi thấy những cây nêu dùng trong nghi lễ đâm trâu. Ngồi trước hiên nhà, ông Thao Công (94 tuổi) cùng vợ là Nàng Y Dui (80 tuổi) đang bế đứa cháu ngoại học lớp 3. Cách đây một thời gian, đứa cháu gái bị bệnh cùng lúc với ông ngoại, bà Dui phải mời thầy cúng về làm lễ giải xui. Gà trong nhà thì có nhưng trâu thì phải mượn của hàng xóm. Nhà ông bà trước đây có chiêng tha nhưng đã bán để lấy một con trâu trắng cách đây mười năm. So với nhiều dân tộc khác thì người Brâu còn nguyên thủy, trai tráng đều đeo dao dài ba tấc lủng lẳng bên hông. Có lẽ vì tồn tại giữa nơi sơn lam chướng khí, đối mặt với thú dữ ở ngã ba biên giới nên họ còn giữ thói quen trong sinh hoạt này đến nay.
 
Chủ tịch UBND xã Bờ Y Nguyễn Hữu Bảng cho rằng người Brâu rất tôn kính lễ cúng. Nhiều người Kinh không biết, vào khu vực này đều bị dân làng giữ lại, đòi phạt trâu gà. Nhiều lần nhận điện thoại cầu cứu, ông Bảng đã chỉ đạo công an xã đến nơi, thương thuyết mới xong. Dân tộc Brâu có chưa tới một nghìn người, có nhà kiên cố cấp bốn, khu sản xuất được đầu tư chu đáo. Mỗi hộ được Nhà nước cấp một con bò, một hécta cao su, một hécta đất trồng cây bời lời. Từ năm 1975 đến nay, họ không còn xăm mặt như trước. Chỉ vài cụ là đeo khuyên tai, giới trẻ chỉ đeo khuyên tai vào các ngày lễ tết. Các em nhỏ sau này không phải cà răng, căng tai như trước vì đời sống thị dân đã tràn ngập vào đây dù các thế hệ trưởng làng luôn muốn tìm cách níu giữ...
 
Bài, ảnh: Cao Cường