Đam mê, nặng lòng, muốn góp phần nhỏ bé sức mình gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là những gì mọi người có thể cảm nhận được khi đến tham quan phòng trưng bày, triển lãm tượng gỗ dân gian tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức từ ngày 19-29/11.
 |
 |
Anh Đỗ Ngọc Bảo (ảnh trái) và anh A Gyor (ảnh phải)
bên tác phẩm của mình tại triển lãm tượng gỗ dân gian.
|
Đam mê chế tác
“Ẵm” liền 2 giải nhất: giải nhất cá nhân với tác phẩm Cõng con lên rẫy và giải nhất tập thể với tác phẩm Đi phát rẫy, “Trưởng đoàn” A Gyor- nghệ nhân đến từ làng Kon H, rế xã Ngọc Réo huyện Đăk Hà vui lắm, niềm vui tràn lên khuôn mặt, nhận giải rồi mà chưa về được, cứ ngắm nghía mãi những tác phẩm của đoàn mình. Để có được những tác phẩm này, A Gyor cùng 5 nghệ nhân khác đã chuẩn bị từ rất lâu, phải cất công vào tận rừng sâu tìm cây dẻ, cây hman, cây mít rừng- những loại cây mà theo người dân địa phương là dùng đẽo tượng vừa đẹp, lại bền, không bị nứt hay cong vênh. Sau đó, qua bàn tay khoé léo cùng sự sáng tạo của các nghệ nhân, các bức tượng đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang sắc màu dân gian truyền thống. Qua từng thớ gỗ, đường nét, các nghệ nhân đã “biến” các bức tượng thành những con người, con vật có hồn.
Anh A Gyor năm nay đã ngoài 40 tuổi và có “thâm niên” gần 20 năm đẽo tượng gỗ và một số vật dụng sinh hoạt khác của đồng bào dân tộc thiểu số để bán cho các cửa hàng lưu niệm trong toàn tỉnh. Anh A Gyor tâm sự: Các cửa hàng đặt hàng liên tục, nhiều lúc làm không kịp, thu nhập từ công việc này cũng khá, mình vui lắm, vừa có tiền lại bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc mình”.
Với bàn tay tài hoa của mình, A Gyor không nhớ nổi mình đã sáng tạo ra bao nhiêu tượng gỗ để phục vụ lễ, hội của làng, lễ bỏ mả hay bán cho các cửa hàng lưu niệm. Nặng lòng với tượng, anh có cả “chiến lược dài hơi” cho việc bảo tồn như sẵn sàng truyền nghề cho bất cứ ai muốn học mà không lấy “học phí”, đặc biệt là lớp trẻ dù ở làng xa hay làng gần. Hiện anh có hai cậu con trai: đứa lớn 14 tuổi, đứa nhỏ 11 tuổi, được anh truyền dạy cho từ nhỏ, nên ngoài giờ đi học, hai con của anh đã có thể phụ giúp cha sản xuất các mặt hàng theo các cửa hàng lưu niệm yêu cầu.
Quê gốc ở Bình Định nhưng do hoàn cảnh khó khăn, anh Đỗ Ngọc Bảo được bố mẹ gửi cho vợ chồng ông A Khưu và bà Y Rot - người dân tộc Ba Na ở thôn Kon Klor 2, phường Thắng Lợi nuôi từ khi mới 3 tuổi. Vậy là anh được lớn lên trong tình yêu thương của buôn làng. “Chất” của con người Tây Nguyên thấm đẫm trong anh. Ham học hỏi, tò mò, ngay từ khi còn nhỏ, mỗi lần thấy cha nuôi đẽo tượng, anh lại chạy loanh quanh, ngó qua, ngó lại, hỏi tới, hỏi lui...Rồi lớn hơn một chút, được cha cho đẽo thử lên những khúc củi, từng đường, từng đường nét trên những khúc gỗ có bàn tay sần sùi, chai sạn của cha uốn nắn, thế rồi, thuần thục lúc nào không hay. Anh tâm sự: Để trả ơn cho cha mẹ nuôi, trả ơn cho mảnh đất này, tôi nguyện với lòng mình phải góp một phần công sức cùng giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Ba Na nói riêng và các dân tộc bản địa ở Kon Tum nói chung, trong đó có đẽo tượng dân gian này. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đẽo tượng vừa là niềm đam mê, vừa là thú vui nên trong gia đình tôi luôn trữ sẵn gỗ để tôi có thể sáng tác bất cứ lúc nào”.
Bảo tồn nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian đặc sắc
Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII đã nhận định: Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa”, từ đó toàn Đảng, toàn dân phải “hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do ông cha để lại”. Vì vậy, công tác bảo tồn di sản văn hóa quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết.
Ông Nguyễn Xuân Truyền – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức, thực hiện nhiều chương trình, hành động nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Trong đó, có 02 đợt Liên hoan tạc tượng tại Măng Đen, huyện Kon Plông năm 2013, 2014 với gần 130 tượng; tham gia Trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên, tại làng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), đoàn Kon Tum có 28 nghệ nhân với 80 tác phẩm với nhiều thể loại trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đời sống, tín ngưỡng như: Tượng già làng, phụ nữ giã gạo, người đàn ông đi sănn, lễ ăn trâu, lễ bỏ mả...Trưng bày, triển lãm là hoạt động ngoài nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong loại hình nghệ thuật tác tượng dân gian, còn quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Kon Tum đến với bạn bè trong và ngoài nước, từ đó khơi dậy lòng tự hòa, tự tôn dân tộc, phát huy được vai trò của đồng bào các dân tộc chính là chủ thể trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.
Có thể nói, điêu khắc gỗ dân gian của đồng bào dân tộc ở Kon Tum nói riêng và ở Tây Nguyên nói chung là một trong những nền nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian đặc sắc nhất văn hóa Việt Nam; nó vừa là văn hóa vật thể, vừa là văn hóa phi vật thể; vừa có giá trị nghệ thuật, điêu khắc kiến trúc, lại vừa có ý nghĩa về dân tộc học, tôn giáo và văn hóa dân gian. Hi vọng rằng, trong tương lai không xa, tượng gỗ dân gian cũng như cồng chiêng Tây Nguyên sẽ đến được với các nước trên thế giới để giới thiệu với bạn bè năm châu một loại hình nghệ thuật độc đáo riêng có của đất nước Việt Nam.
Ngày 19/11, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã tổ chức Triển lãm trưng bày tượng gỗ dân gian năm 2014. Tham gia triển lãm có 45 nghệ nhân của 6 dân tộc gồm: Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Brâu và Rơ Mâm đến từ 9 huyện, thành phố trong tỉnh, với 80 tác phẩm tượng gỗ dân gian mang đậm bản sắc văn hoá Tây Nguyên gắn liền với hoạt động thường ngày của bà con dân tộc thiểu số như: Lên nương, tình mẹ con, đi săn, gùi rượu lễ hội, đi phát rẫy, tượng nhà mồ, đi chặt cây làm nhà rông...
|
Bài, ảnh: Dương Nương