Thứ 3, Ngày 06/05/2025 -

Tự hào về người dân tộc Giẻ - Triêng
Ngày đăng: 09/05/2013  02:13
Mặc định Cỡ chữ
 

Dân tộc Giẻ - Triêng là một trong 6 dân tộc sinh sống lâu đời trên vùng đất Kon Tum. Từ xa xưa, người Giẻ - Triêng cư trú trên địa bàn rộng, từ Bôlôven (Hạ Lào) qua Bắc Tây Nguyên (Việt Nam). Qua nhiều biến cố về mặt lịch sử, theo đó đời sống xã hội của người dân tộc Giẻ - Triêng cũng mang nhiều sự biến đổi.

Trước khi thành lập tỉnh Kon Tum (năm 1913), người Giẻ - Triêng đã cư trú trên vùng đất này với 2 nhóm là Giẻ và Triêng. Đến đầu thế kỷ XX, trong các lĩnh vực đời sống, những nhóm này vẫn giữ được nhiều nét tiêu biểu của bản sắc văn hóa dân tộc. Họ sống tụ cư thành từng làng trên lưng núi gọi là plei, dor, tviel, but… với kiểu nhà sàn thấp, kết cấu giản đơn, mỗi làng đều có Nhà rông (m’rao, n’ring). Trang phục truyền thống của người Giẻ - Triêng thường có nền màu xanh - đen, ở mép vải có hoa văn màu trắng, đỏ. Nữ mặc áo choàng qua đầu, váy (cuté, kle, tuk), trang sức có khuyên tai, vòng hạt ở cổ, vòng bạc và vòng đồng ở tay… Nam mặc áo, quấn khố, tấm choàng và áo lễ. Người Giẻ - Triêng thường ăn cơm, mỗi ngày có hai bữa chính (sáng, tối) còn bữa trưa là phụ. Thức ăn ưa thích là thịt nướng hoặc để chua, hạt tiêu rừng là gia vị quý. Thức uống thường ngày là nước lã đựng trong quả bầu khô; rượu cần (ghè) vừalà lễ vật khi cúng, cũng là thức uống được mọi người ưa thích. Hút thuốc lá là thói quen của người Giẻ - Triêng...
 
Nhà Rông của người Giẻ-Triêng - Ảnh: Nguyễn Đang.
 
Sinh sống lâu đời trên vùng núi rừng hiểm trở, người Giẻ - Triêng quen vận chuyển vật dụng bằng cách gùi, cõng, vác, xách, kéo, đi bộ. Bên cạnh việc sử dụng lá, rễ, hạt cây rừng để tự phòng và chữa bệnh, người Giẻ - Triêng vẫn có tập quán thực hành nghi lễ cúng thần mỗi khi gặp bệnh tật. Hoạt động kinh tế truyền thống của người Giẻ - Triêng là trồng trọt trên rẫy theo cách “du canh hỏa chủng”, với những loại nông cụ như cuốc (niêk, tror), nạo cỏ (la via), rìu (chuk)...rẫy chủ yếu trồng lúa xen với một số hoa màu phụ. Bên cạnh việc trồng trọt là các hoạt động săn bắt, hái lượm trên rừng và bắt tôm, cá, cua nơi sông, suối. Thủ công có làm đồ gốm, đan lát, rèn, dệt vải…
 
Dân tộc Giẻ - Triêng có kho tàng văn hoá dân gian mang đặc sắc bản địa. Họ có niềm tin vô hạn vào thế lực siêu nhiên, các hoạt động của cá nhân và cộng đồng luôn bị chi phối và dẫn dắt bởi thần linh (yang, năm). Vì vậy, trong đời sống diễn ra nhiều nghi lễ mang những nét độc đáo: Lễ cúng khi bước vào kỳ gieo hạt và những thời điểm đánh dấu sự sinh trưởng của cây trồng, lễ hội mừng lúa mới, lễ “cà răng”, lễ dành cho việc hôn nhân,... "củi hứa hôn", là nghi thức rất độc đáo của người dân tộc Giẻ - Triêng.
 
Sau khi thành lập tỉnh Kon Tum, dưới sự cai trị của thực dân Pháp, đời sống xã hội của người Giẻ - Triêng không ổn định. Nhiều làng phải chuyển dời liên tục để phản kháng lại những cuộc hành quân càn quét của địch, cơ chế tự quản bị tấn công, quyền sở hữu cộng đồng bị xâm hại... Trước nhiều thủ đoạn mua chuộc và khủng bố của địch, người Giẻ - Triêng vẫn tích cực hưởng ứng các hoạt động chống Pháp, điển hình là phong trào “Nước Xu' (1935 - 1939). Hơn thế nữa, trong giai đoạn này, được chứng kiến những hành động tàn bạo của thực dân Pháp khi đối với tù chính trị bị giam giữ tại nhà lao và lao động khổ sai trên công trường mở đường 14, và sự gần gũi với các chiến sĩ cộng sản, chính vì vậy tư tưởng cách mạng cũng đã sớm đến với họ.
 
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến Đại thắng mùa xuân năm 1975, đồng bào Giẻ - Triêng hăng hái tham gia các phong trào cách mạng và đánh địch khi thực dân Pháp trở lại xâm lược. Đây là thời kỳ đánh dấu những chiến công oanh liệt trong tiến trình lịch sử của dân tộc Giẻ - Triêng.
 
Với địa bàn cư trú tập trung trên địa hình rừng núi hiểm trở, trong kháng chiến,  phần lớn người Giẻ - Triêng tìm được cách thoát khỏi mọi sự vây áp của địch. Tham gia kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và chống Mỹ (1954 - 1975), họ đã vượt qua nhiều gian khó, hi sinh để xây dựng làng cổ truyền của mình thành làng kháng chiến, ngăn chặn và đập tan nhiều cuộc càn quét của địch. Xóp Dùi là một trong những làng kháng chiến tiêu biểu, là pháo đài cách mạng trên núi Ngọc Linh. Tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, người dân Giẻ - Triêng vừa làm hậu phương cho căn cứ kháng chiến, vừa trực tiếp là những chiến sĩ giao liên, đội viên du kích, lực lượng cán bộ cách mạng người Giẻ - Triêng sớm được hình thành, tôi luyện và phát triển, điển hình như A Mết, A Len, A Bưng, A Cốt, A Chương, Y Một…. Những căn cứ kháng chiến ở vùng núi Ngọc Linh, địa bàn cư trú lâu đời của người Giẻ - Triêng đã góp phần xứng đáng vào nhiều chiến công trên chiến trường Bắc Tây Nguyên.
 
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (năm 1975), đồng bào Giẻ - Triêng tiếp tục tham gia các hoạt động, góp phần tích cực vào quá trình giải quyết triệt để vấn đề FULRO và các thế lực phản động khác, giữ vững thành quả cách mạng và đảm bảo ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
 
Qua nhiều năm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về định canh định cư, trên địa bàn cư trú của người Giẻ - Triêng, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai xây dựng. Những đơn vị cư trú mới được hình thành, ngày một khang trang và đông đúc hơn; cấu trúc, bố cục nhà ở, khu sinh hoạt, phương tiện đi lại, vận chuyển cũng được cải tiến theo xu thế hiện đại và tiện ích hơn; phương thức chăn nuôi “thả rông"; các tập tục lạc hậu như tin vào hiện tượng "ma lai", nghi lễ "gia ca man", tục "săn máu trả đầu", tập tục "táng nông", "táng treo", tục "đẻ ngoài rừng", tục "cà răng"... đã được bãi bỏ; nạn tảo hôn đang dần khắc phục, người dân quen dần với việc thực thi pháp luật. Nhìn chung, kinh tế, văn hoá - xã hội đã có những bước tiến đáng kể. Dân số Giẻ - Triêng tăng dần sau mỗi năm (từ 25.463 người vào năm 1999 đến nay có khoảng 32.000 người) và địa bàn cư trú cũng mở rộng thêm.
 
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, cộng đồng Giẻ - Triêng ở Kon Tum vẫn luôn thể hiện sự gắn bó với quần sơn Ngọc Linh hùng vĩ, họ đã có những đóng góp quan trọng và liên tục trên những chặng đường khai phá, dựng xây, bảo vệ và phát triển vùng đất này, đồng thời vẫn gìn giữ được nhiều sắc thái văn hóa dân tộc cổ truyền. Hiện nay, đồng bào dân tộc Giẻ - Triêng đang ra sức phát huy nội lực, phát triển cộng đồng, hợp sức tích cực với nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nỗ lực vươn lên trên đường đổi mới, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Minh Hải