Thứ 4, Ngày 30/04/2025 -

Kon Tum - những năm tháng hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ
Ngày đăng: 16/03/2015  03:38
Mặc định Cỡ chữ
 

Suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Kon Tum luôn là nơi đụng độ nảy lửa, quyết liệt giữa ta và địch, nơi diễn ra nhiều chiến dịch lớn làm xoay chuyển tình thế, cục diện chiến trường. Trong 20 năm chống Mỹ, chiến trường Tây Nguyên có 10 chiến dịch lớn thì riêng Kon Tum đã là nơi diễn ra 7 chiến dịch. Đó là: Chiến dịch Sa Thầy Mùa khô 1966, Chiến dịch Đăk Tô Mùa đông 1967, Mậu Thân 1968, Đăk Tô mùa hè 1969, Đăk Xiêng 1970, chiến dịch tiến công Ngọc Tô Ba - Ngọc Rinh Rua Xuân - Hè 1971 và chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè 1972…Kon Tum trở thành “Đất lửa kiên cường”. 

Cán bộ, nhân dân và học sinh tham quan trưng bày   
 
Sau hiệp định Giơnevơ (7/1954), Mỹ đã hất cẳng Pháp, lập nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Chúng ngang nhiên phá họai Hiệp định và thực thi chính sách tố cộng, diệt cộng nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng. Đặc biệt với Luật 10/59, chúng sát hại hàng ngàn người yêu nước.
 
Sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương, các lực lượng vũ trang của tỉnh và các huyện lần lượt được thành lập. Ngày 01/10/1959, tại làng Nước Chè (H29 - Kon Plong), tỉnh thành lập đơn vị vũ trang gồm 64 đồng chí. Các huyện đều xây dựng từ 1 đến 2 trung đội. Từ đây lực lượng vũ trang luôn đi kèm với đấu tranh chính trị, tạo thêm luồng sinh khí mới trong phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh.
 
Dưới ánh sáng của Nghị Quyết 15 TW và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ nhất (tháng 3 năm 1960), quân và dân các dân tộc Kon Tum phối hợp với chiến trường toàn miền nổi dậy tiến công địch, diệt ác phá kèm, mở rộng quyền làm chủ, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Mở đầu của phong trào đồng khởi của tỉnh Kon Tum là cuộc nổi dậy của nhân dân làng Tà Pót ngày 7/9/1960.
 
Mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 quân và dân Kon Tum đã phối hợp với lực lượng chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên (B3) bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét của địch, giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Sa Thầy mùa khô 1966, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch.
 
Tiếp đó là chiến thắng Đăk Tô mùa đông 1967, một chiến công vang dội, đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất vì đã :"Ghi thêm vào trang sử quyết thắng của dân tộc ta những nét vàng son chói lọi... là một trong những chiến thắng lớn nhất mở đầu Đông - Xuân quyết thắng 1967-1968 của miền Nam anh hùng" như Xã luận Báo Quân đội nhân dân, ngày 29/11/1967 đã viết.
 
Trong cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, đêm 29 rạng sáng ngày 30/1/1968 (mùng 1 tết) cùng toàn miền, quân và dân tỉnh Kon Tum đã nổ súng, đồng loạt tấn công các mục tiêu quan trọng của địch tại 2 vùng trọng điểm là thị xã Kon Tum và Đăk Tô- Tân Cảnh.
 
Đầu năm 1969, bộ đội ta đã tấn công đồng loạt vào các cứ điểm lớn của địch tại thị xã Kon Tum, Măng Đen, Măng Buk, Đăk Tô- Tân Cảnh và Đăk Pét. Các cao điểm Ngọc Bơ Biêng, Ngọc Dơ Lang, Ngọc Kom Liệt đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với quân giặc. Và tiếp đó là Chiến thắng Đăk Xiêng Xuân - Hè 1970...
 
Cuối năm 1971, Quân uỷ Trung ương xác định Tây Nguyên là hướng tiến công chính của bộ đội chủ lực trong cuộc tiến công chiến lược Xuân- Hè 1972; Kon Tum - Đăk Tô - Tân Cảnh được xác định là mũi trọng yếu, then chốt.
 
Ngày 2/2/1972, Chiến dịch tấn công và nổi dậy Xuân - Hè 1972 trên chiến trường Kon Tum mở màn. Sau hơn 2 tháng chủ động tấn công, bao vây, chia cắt, đến ngày 18/4/1972, toàn bộ các cứ điểm, điểm cao quanh Đăk Tô-Tân Cảnh của địch bị tiêu diệt.
 
Đúng 5h sáng ngày 24/4/1972, sau những trận pháo kích cuối cùng, Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 37 đặc công được sự yểm trợ của 9 xe tăng của lữ đoàn 273, cùng các đơn vị bộ đội tỉnh đã tấn công tiêu diệt căn cứ E42 Đăk Tô-Tân Cảnh. Đến 11h trưa ngày 24/4/1972, ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa.
 
Tiếp đó trong các năm 1973-1974, bên cạnh việc giữ vững và bảo vệ vùng giải phóng, ta lần lượt tấn công và tiêu diệt các cứ điểm Đăk Pét (15/5/1974), Măng Buk (20/8/1974) và Măng Đen (30/10/1974), địch chỉ còn hang ổ cuối cùng tại thị xã Kon Tum...
 
Trưa 16/3/1975, các lực lượng của tỉnh từ các hướng đã áp sát vào thị xã Kon Tum, tiếp quản một số vùng phụ cận. Cũng trong ngày 16/3/1975, ta đánh chiếm quận lỵ Đăk Tô lưu vong (đóng tại đèo Sao Mai) vây ép địch ở phía Bắc và phía Đông. Đêm 16/3/1975, tất cả các lực lượng vũ trang và chính trị trong tỉnh đã đột nhập và chiếm lĩnh Toà Hành chính và làm chủ các khu vực quân sự và chính trị trọng yếu, tiêu diệt tất cả các ổ đề kháng cuối cùng của địch, nhanh chóng chiếm toàn bộ thị xã Kon Tum.
 
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum năm 1975 đã góp phần tích cực vào thắng lợi của cả nước trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

“Kon Tum - Những năm tháng hào hùng” là chủ đề nội dung trưng bày tại Bảo tàng tỉnh (từ ngày 14/3 đến cuối tháng 3/2015) do Sở VH-TT&DL phối hợp với Quân đoàn 3 tổ chức. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Kon Tum (16/3/1975 - 16/3/2015), hướng tới kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015). Trưng bày có 2 phần: Kon Tum những tháng năm chống Mỹ (1954-1975); Bộ đội chủ lực quân đoàn 3 trên chiến trường Tây Nguyên (1954-1975); bao gồm 240 ảnh tư liệu, 130 hiện vật thể khối và 25 tài liệu khoa học phụ, trong đó có những hiện vật lần đầu giới thiệu với công chúng. Cuộc trưng bày nhằm ôn lại lịch sử đấu tranh cách mạng, những năm tháng máu lửa, hào hùng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc; tôn vinh và tri ân những đóng góp, cống hiến hy sinh to lớn của quân và dân Kon Tum trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; khẳng định tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tầm vóc vĩ đại và những giá trị lịch sử to lớn cuả chiến thắng 30/4/1975.

Thảo Nguyên