Sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức của Nhân dân là yếu tố quan trọng bậc nhất dẫn đến thắng lợi trên trong mọi cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ Kon Tum đã làm tốt công tác chính trị, tư tưởng làm chuyển biến nhận thức của Nhân dân, từng bước đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
 |
Măng Ri, Tu Mơ Rông - Vùng căn cứ trong kháng chiến chống Mỹ
|
Năm 1954, khi Hiệp định Giơ ne vơ có hiệu lực. Phần lớn cán bộ phải tập kết ra Bắc. Chỉ có hơn một trăm cán bộ, đảng viên được phân công ở lại Kon Tum bí mật hoạt động. Nhân dân vừa bước và cuộc sống hòa bình lại một lần nữa chứng kiến những đội quân Pháp rồi Mỹ kéo đến. Sự hoang mang và mất niềm tin vào thắng lợi của cách mạng là thực tế diễn ra trong tâm tư, suy nghĩ của đồng bào. Với bản chất trung thực của cách mạng, trong năm đầu những cán bộ ở lại đã thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền để Nhân dân hiểu về Hiệp định và thực hiện những điều mà chúng ta đã ký kết. Nhưng sự lật lọng của bọn đế quốc, tay sai và bản chất hung ác của chúng đã đẩy Nhân dân Kon Tum cùng chịu cảnh chung với đồng bào miền Nam, bị địch khủng bố, áp bức. Đỉnh điểm là việc thực thi luật 10/59 đã gây biết bao tang thương, khổ cực cho Nhân dân. Nhiều cán bộ, đảng viên vì chưa kịp chuyển biến phương thức hoạt động đã bị tàn sát dã man. Trước tình hình thực tế trong tỉnh, ngay từ những năm 1956-1958, Ban cán sự Đảng (sau này là Đảng bộ tỉnh) đã nhanh chóng xác định phương châm hoạt động cách mạng mới. Một trong những việc làm thiết thực lúc này là soạn thảo tài liệu giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Bản tài liệu viết tay “Thương dân yêu nước, đứng lên làm cách mạng”, “Khí tiết, đạo đức Cộng sản”, “Khí tiết, đạo đức cách mạng” vừa có tính chất cương lĩnh hành động, vừa là bản hùng ca hiệu triệu đồng bào và là cẩm nang của cán bộ, đảng viên được các đồng chí Ban cán sự soạn thảo. Các tài liệu này được học tập, chỉnh huấn trong cán bộ, đảng viên và được tuyên truyền bí mật trong Nhân dân. “Thương dân yêu nước, đứng lên làm cách mạng” đã trở thành cuộc vân động sâu rộng, bao gồm viêc học tập chính trị và các phong trào hành động cách mạng như đấu tranh chống tố Cộng, đòi dân chủ dân sinh, tự do đi lại làm ăn, mua bán; tăng gia sản xuất, học chữ, vệ sinh phòng bệnh, cứu đau, cứu đói v..v..Tất cả đều trở thành phong trào quần chúng sôi nổi. Công tác tư tưởng của Đảng bộ đã đem lại kết quả là nâng cao giác ngộ dân tộc và giai cấp lên một bước mới, làm cho Nhân dân tin tưởng ở đường lối chính sách của Đảng, gắn bó với Đảng, sẵn sàng hành động cách mạng, theo sự lãnh đạo của Đảng. Đỉnh cao của phong trào là cuộc nổi dậy mạnh mẽ của đồng bào Kon Tum những năm 1960-1961, bắt kịp xu hướng phát triển của cách mạng Việt Nam và là hồi chuông báo tử đối với bọn đế quốc, tay sai.
Những năm 1961-1965, với việc thực thi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, địch tăng cường đánh phá vùng căn cứ cách mạng, càn quét, bắt dân tập trung vào các “ấp chiến lược”, rải chất độc hóa học, tăng cường biệt kích, phi pháo…Để đáp ứng tình hình mới, Ban Tuyên huấn (nay là Tuyên giáo) các cấp đã tham mưu giúp cấp ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân ở vùng căn cứ xây dựng du kích, chống địch càn, tích cực sản xuất, tòng quân. Đối với cán bộ và Nhân dân vùng phía trước, động viên các đội công tác bám dân xây dựng cơ sở, lãnh đạo Nhân dân chống gom dân, lập ấp. Các đợt sinh hoạt chính trị trong đảng viên, chiến sĩ, quần chúng được đẩy mạnh với việc tiếp tục học tập và thấm nhuần các Nghị quyết của Đảng, những tài liệu cẩm nang “Thương dân yêu nước, đứng lên làm cách mạng”, “Khí tiết, đạo đức Cộng sản” và “Khí tiết, đạo đức cách mạng” cùng với công tác tuyên truyền thông qua hoạt động báo chí (lúc này tỉnh Kon Tum đã có tờ báo riêng của tỉnh - báo “Giải phóng”, các huyện đều có bản tin), phong trào văn hóa- văn nghệ đã động viên khích lệ tinh thần chiến đấu ở mức cao nhất của chiến sĩ, đồng bào, làm nên những thắng lợi quan trọng góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Chiến lược “Chiến tranh Cục bộ” rồi “Việt Nam hóa chiến tranh” lần lượt được thực thi và lần lượt phá sản. Nếu Mỹ, Ngụy càng tăng cường đánh phá, chúng ta càng chiến đấu kiên quyết. Dù chất độc hóa học, phi pháo và những vũ khí hiện đại của chúng không ít lần làm cho một bộ phận Nhân dân, thậm chí có cả những đảng viên, chiến sĩ có lúc mất niềm tin, có khi bi quan, co thủ, rụt rè, hữu khuynh, ngại khó, ngại khổ, sợ chết, sợ tù đày (phần lớn đều do đánh giá địch, ta không đúng, không tin tưởng ở sức mạnh của mình). Song sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng bộ bằng những đợt chỉnh huấn, kiểm thảo, học tập liên tục, bất chấp điều kiện chiến tranh gian khổ, bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên, rỉ tai trong tổ chức, ngoài quần chúng hàng tháng, hàng quý, kể cả trước và trong mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch … đã giáo dục cho cán bộ, đảng viên và quần chúng những vấn đề cơ bản về đất nước, dân tộc, xã hội Việt Nam; đường lối cách mạng Việt Nam; Đảng Cộng sản và người Cộng sản, vai trò lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đối với cách mạng Việt Nam; về vai trò và trách nhiệm của Nhân dân các dân tộc đối với đất nước; về các chính sách của Đảng đối với các dân tộc, các tôn giáo .v.v. đã xây dựng nền tảng tinh thần cho hành động của quân và dân ta; làm chuyển biến, đẩy tinh thần yêu nước của Nhân dân lên mức cao nhất thành hành động cách mạng kiên quyết, dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp chung, đoàn kết để đánh bại kẻ thù.
Như nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh tháng 12 năm 1963 và Hội nghị tháng 10 năm 1966 đã khẳng định: "Thắng lợi trong công tác lãnh đạo tư tưởng vừa qua là thắng lợi có ý nghĩa quyết định đối với mọi mặt công tác ở Tỉnh ta" và “Thắng hay không là do tư tưởng cuả Nhân dân có dám đánh và quyết thắng giặc Mỹ hay không". Công tác tư tưởng của Đảng bộ thu được nhiều kết quả là vì Đảng dựa vào dân, làm cho dân thương, dân tin, dân phục, dân nghe và dân làm. Phương pháp của Đảng là dựa vào dân, phát huy sức mạng lòng dân, đi đường lối quần chung, lấy thực tiễn làm cơ sở, nói đi đôi với làm, làm những việc thiết thực đem lại lợi ích cho dân và thắng lợi cho cách mạng. Và ngược lại, nhờ công tác tư tưởng của Đảng mà nhận thức của Nhân dân chuyển biến kịp tình hình, tạo nên sức mạnh để quân và dân đoàn kết quyết tâm chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.
Trần Thị Sáu