Căn cứ Trung Tín ở cửa ngõ phía Bắc của thị xã Kon Tum. Giai đoạn 1961-1972, từ một ấp dân sinh của địch, ta đã xây dựng nơi đây trở thành một căn cứ bàn đạp vững chắc cho nội thị. Từ đây, Ban cán sự H5 đã xây dựng và phát triển được một hệ thống liên hoàn căn cứ từ bàn đạp Trung Tín đến hành lang Phương Quý, cầu Lo Re, vào lõm căn cứ Trung Lương với hơn 20 gia đình cơ sở cốt cán và nhiều gia đình cảm tình với cách mạng; trong đó có gia đình cơ sở được kết nạp vào Đảng đầu tiên tại thị xã Kon Tum là ông Hồ Viết Lanh (Hồ Lanh).
Tại địa bàn này, Ban cán sự H5 còn tổ chức nhiều hoạt động như: tổ công tác nội tuyến, ngoại tuyến, tổ đội biệt động, tổ công tác, tổ diệt ác và nhiều tổ chức khác. Từ đó, ta đã giành được nhiều thành tích trong kháng chiến chống Mỹ như: trận đánh vào mật khu Mỹ-ngụy năm 1964; trận đánh diệt tên Chi trưởng Cảnh sát ngụy Nguyễn Văn Triêm năm 1967; 2 lần đánh vào câu lạc bộ Mỹ gần cầu Đăk Bla năm 1968, 1969; trận đánh tên Hiền ác ôn, mật thám của Ngụy quyền năm 1970; trận phục kích giữa ban ngày tại ấp Trung Tín vào ngày 18/2/1972...
Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bàn đạp Trung Tín vừa là nơi đứng chân của các đơn vị lực lượng vũ trang của Tỉnh đội, Thị đội, Tiểu đoàn 406, Tiểu đoàn 304 để tiến quân vào thị xã. Đây còn là địa điểm luân chuyển cán bộ, chiến sĩ, che giấu cán bộ, cất giấu vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm... chuẩn bị cho chiến dịch tấn công vào thị xã Kon Tum. Trong chiến dịch này, ta đã đồng loạt tấn công vào các vị trí đầu não quan trọng trong sào huyệt của địch, phối hợp với chiến trường toàn miền, tiêu diệt và tiêu hao một bộ phận sinh lực, phương tiện chiến tranh của địch.
Trong những năm chống Mỹ cứu nước, từ căn cứ bàn đạp Trung Tín đến lõm căn cứ Trung Lương đã sản sinh nhiều tấm gương anh hùng như các các đồng chí: Trần Văn Hai, Ngô Tiến Dũng, A Vui, A Xâu và nhiều cơ sở cốt cán hết lòng phục vụ cho cách mạng, cho dân tộc. Trong đó có gia đình cơ sở Nguyễn Đức Bá, Hồ Lanh, Phạm Bồng, Đoàn Thị Mỹ, Bùi Vật, Dư Tư Tòng, Kiều Thị Truy, Huỳnh Trọng Sửu,... cũng như những chiến công vang dội của nhiều cán bộ, chiến sĩ của H5 thời bấy giờ.
Từ những giá trị lịch sử nêu trên, Sở VH-TT&DL đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ, tổ chức hội thảo khoa học... để đề nghị tỉnh công nhận và xếp hạng cho di tích. Ngày 24/4/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 291/QĐ-UBND công nhận bàn đạp Trung Tín là di tích căn cứ lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
Cao Cường