 |
 |
Trụ sở làm việc của Đảng ủy-HĐND-UBND xã Xốp (ảnh trái); xã Xốp hôm nay đã được “thay da đổi thịt” và phát triển hơn trước (ảnh phải)
|
Hồi còn đi học phổ thông, tôi đã không ít lần đọc qua đọc lại tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành (bút danh của nhà văn Nguyên Ngọc). Từng con chữ, trang văn “như thấm vào con tim”, kể về sự mộc mạc, tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, sự dũng cảm, gan dạ, anh hùng của người dân làng Xốp Dùi, Xốp Nghét (thuộc xã Xốp ngày nay), đặc biệt là nhân vật A Mét... trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Duyên ngộ thế nào đó mà sau khi tốt nghiệp đại học (năm 1991), tôi lên Kon Tum công tác và có nhiều năm được lãnh đạo cơ quan phân công phụ trách địa bàn huyện Đăk Glei. Vậy là tôi có điều kiện đi về các xã của huyện Đăk Glei nhiều hơn để phản ánh tình hình phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, đời sống của các tầng lớp nhân dân địa phương, đặc biệt là ở xã Xốp. Và ở đây, tôi đã có vài lần gặp gỡ, trò chuyện với 2 nhân vật quan trọng làm nên tác phẩm “Rừng xà nu”: nhà văn Nguyên Ngọc và cụ A Mét.
Lang man ngoài lề một chút bởi vì tấm lòng của người dân xã Xốp đối với tôi như “người thân quen đi xa lâu ngày trở lại”. Mỗi lần có dịp gặp gỡ, ai ai cũng tay bắt mặt mừng. Khi cụ A Mét còn sống, mỗi lần gặp tôi, ông kể rất nhiều chuyện về làng kháng chiến Xốp Nghét, Xốp Dùi; chuyện dân làng bẫy chông, dùng cung tên đánh Pháp; chuyện bà con dân làng mưu trí, gan dạ, anh dũng chống trả quyết liệt các trận càn của địch vào vùng căn cứ kháng chiến của ta; chuyện ông nhà văn Nguyên Ngọc “cà răng, căng tai”, “ba cùng” với dân trong những năm chiến tranh ác liệt... Mỗi câu chuyện kể của ông là một thiên sử oai hùng của người dân xã Xốp trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc.
Xốp hiện nay vẫn còn là một xã nghèo. Tuy nhiên so với 20 năm về trước thì bây giờ đã “thay da đổi thịt” và phát triển hơn rất nhiều. Trước đây, mỗi lần về công tác tại xã Xốp là một lần “cực hình” đối với tôi. Mùa nắng thì đường đi lởm chớm đá, xốc, bụi mịt mù. Còn mùa mưa thì lầy lội, có khi bị tắc đường vì nước lũ tràn qua đường, không thể nào đi được.
Những lúc như thế, tôi đành phải ở lại cùng với bà con. Trong cái rủi có cái may. Tôi ở lại vài hôm, được bà con đón tiếp chu đáo, có cái gì ăn cái đó, không khi nào bị đói. Vậy là tôi có dịp tìm hiểu sâu hơn về vùng đất, con người, phong tục, tập quán, cuộc sống của người dân địa phương và cảm nhận ra một điều: tấm lòng của bà con rất chân chất, dân dã, mộc mạc và rất quý mến khách.
Cách đây mấy năm, trong một lần “tháp tùng” cùng nhà văn Nguyên Ngọc về thăm xã Xốp, tôi có hỏi ông một câu đại ý như thế này: “Ông là người có nhiều kỷ niệm gắn bó với xã Xốp trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đến tận bây giờ, ông cảm thấy mình còn “mắc nợ” một điều gì đó đối với người dân xã Xốp hay không?”.
Trầm ngâm một hồi lâu, ông chậm rãi nói với tôi rằng: “Chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm nhưng đời sống của người dân xã Xốp vẫn còn nhiều khó khăn quá! Từ sau ngày hòa bình đến nay, tuy Đảng- Nhà nước có quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số- đặc biệt là người dân vùng căn cứ cách mạng nhưng vẫn chưa tương xứng với những đóng góp và cống hiến của họ cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta. Riêng đối với cán bộ và nhân dân xã Xốp, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận sự cống hiến đó qua việc phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đối với cá nhân, tôi cảm thấy mình vẫn còn mắc nợ cụ A Mét một việc làm có ý nghĩa- đó là tác động với các cơ quan có thẩm quyền để thẩm định và hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cụ A Mét...”.
Trở lại thăm và làm việc xã Xốp vào đầu năm 2014, tôi nhận thấy đường về xã hôm nay đã được trải nhựa phẳng lỳ, đường vào các làng phần lớn cũng đã được bê tông hóa. Điện lưới quốc gia cũng được kéo về các thôn làng. Trạm xá, trường học, nhà rông, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt được Nhà nước đầu tư khang trang, đáp ứng tương đối tốt các nhu cầu sản xuất và đời sống của bà con.
Hỏi chuyện ông A Ruỗi- Chủ tịch UBND xã về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, cuộc sống của người dân địa phương. Ông cho biết dân số xã hiện có 435 hộ với 1.585 nhân khẩu. Người dân đang canh tác 252 ha cây lương thực, trong đó cây lúa ruộng 130 ha, cây ngô trên 40 ha, cây mỳ khoảng 50 ha; cây cà phê trên 100 ha, cây bời lời 176 ha. Ngoài một số cây trồng chính nêu trên, bà con còn chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thêm thu nhập cho gia đình; trong đó đàn trâu có 254 con, đàn bò 449 con, đàn heo 744 con, đàn gia cầm 1.827 con. Nhìn chung, đời sống của người dân hiện nay đã được nâng cao mấy năm trước rất nhiều, số hộ nghèo tính đến đầu năm 2014 giảm còn 208 hộ.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở cũng được lãnh đạo xã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt. Bí thư Đảng ủy xã- ông A Đời cho biết, hàng năm đã vận động phụ huynh cho con em đi học đạt trên 99%, trường học được đầu tư xây dựng tới thôn làng. Ngành y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT phát triển khá mạnh; thôn làng nào cũng có đội văn nghệ, đội bóng đá, bóng chuyền. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn luôn luôn được đảm bảo. Xã cũng đã chỉ đạo các ngành có liên quan triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với gia đình có công cách mạng, hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội.
Chia tay với xã Xốp, trên đường trở về thành phố Kon Tum, tôi chợt nhớ đến “món nợ” của nhà văn Nguyên Ngọc đối với cụ A Mét mấy năm về trước. Và “món nợ” đó đã được Đảng và Nhà nước “trả công xứng đáng” cách đây 2 năm. Ông A Mét đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là phần thưởng xứng đáng không những đối với cá nhân và gia đình cụ A Mét mà còn đối với tất cả người dân xã Xốp.
Bài, ảnh: Quang Định