Bên cạnh nhà rông, nhà sàn, cây nêu không thể thiếu trong lễ hội, sự kiện sinh hoạt của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Với người Ba Na ở Kon Tum, cây nêu không được làm cầu kỳ, nhiều màu sắc sặc sỡ như một số dân tộc khác, nhưng vẫn mang nét đẹp rực rỡ, thể hiện khát vọng vươn tới của cộng đồng dân cư sống ven sông Đăk Bla.
 |
Cây nêu trong lễ hội truyền thống của người Ba Na
|
Sinh năm 1938, già A Pho hiện là người cao tuổi ở làng Kon Klor (Phường Thắng Lợi, TP Kon Tum) có thâm niên lưu giữ và trao truyền những nét đẹp văn hóa dân gian của người Ba Na bên sông Đăk Bla. Diễn xướng cồng chiêng, làm nhà sàn, nhà rông, đan lát, dựng cây nêu…, hầu như, công việc nào già cũng thuần thục. Theo già, cũng như các dân tộc thiểu số anh em trên dải Trường Sơn, cây nêu có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Ba Na.Ngày trước, cây nêu chỉ được dựng trong Lễ đâm trâu- Lễ cúng Giàng trọng đại của người Ba Na, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cầu cho mọi người khỏe mạnh, bình an, no ấm. Theo thời gian, cây nêu được dùng ở nhiều sự kiện khác trong đời sống cộng đồng, trở nên gần gũi hơn với sinh hoạt của bà con. Trong các lễ hội dân gian của đồng bào, cây nêu hiện diện trở thành nét đẹp đặc trưng.
 |
Già A Pho có kinh nghiệm làm cây nêu
|
Ở Kon Klor, dân làng không chỉ quan tâm lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua cồng chiêng, nhà sàn, nhà rông, mà còn luôn biết cách để nét đẹp cây nêu tỏa sáng. Già A Bích 74 tuổi cho hay, cùng với sự tỷ mẩn, khéo léo vốn có trong đan lát của người đàn ông Ba Na, nguyên vật liệu đặc trưng của núi rừng là điều kiện cần thiết để làm nên cây nêu. Cây nêu được xem là sợi dây kết nối giữa mặt đất, con người với thần linh và ông bà tổ tiên. Vì vậy, người ta thường chọn những cây tre, le hay lồ ô cao 18-20 m, thấp hơn thì cũng 12-15m, tùy thuộc vào không gian tổ chức và nội dung sự kiện, để làm trục chính của cây nêu.
Trục chính của cây nêu được phân ra thành nhiều đoạn để trang trí hoa văn và vật biểu trưng. Thông thường, trên ngọn cây nêu, người ta đặt hình mặt trời, hình chim được đẽo bằng gỗ. Trên thân cây nêu, người Ba Na ưa gắn những bông hoa gạo được làm bằng tre ( hay le, nứa) đập dập, xé bông thành chùm trắng xốp, nhẹ). Những chùm bông xốp, nhẹ cơ bản giữ màu tự nhiên, riêng phần đầu được nhuộm đỏ rất bắt mắt. Để tạo hình đa dạng, trên thân cây nêu, bông gạo được từ xếp từ một đến hai, ba tầng xen kẽ nhau. Cách gốc cây nêu chừng trên 1m, là “điểm nhấn” trang trí. Đoạn này được kết bằng 3 khúc ống tre (le, nứa) có các hình trang trí, và 15 nhánh tre (nứa, le) được vót như cần câu. Những chiếc cần câu được gắn nhiều miếng nan nhỏ hình vuông hay lục giác, tượng trưng cho những ngôi sao và con cá, thể hiện sự gắn kết, giao hòa giữa trời với đất và nước.
 |
Một số công đoạn vót nan, đan lát để làm cây nêu
|
Có điều đặc biệt, là cây nêu chỉ do nam giới đảm nhận. Nữ giới tuyệt đối không tham gia vào bất cứ công đoạn nào để làm cây nêu. Ngoài thân cây tre (le, nứa )thẳng đứng, tất cả các hoa văn, vật phẩm trang trí trên cây nêu đều được làm một cách khéo léo, tỷ mỉ bằng tay, từ các bậc cao niên, có kinh nghiệm đến đám trai trẻ. Ở làng Kon Klor bây giờ, bên cạnh các ông A Pho, A Bích, A Nhâm ở độ tuổi “ xưa nay hiếm”, những đôi tay khéo léo làm cây nêu đã được bổ sung không chỉ là A Yưl, A Kliu, A Phẻ …mà còn có cả đám trẻ như A Thích, U Em… Bằng một tình yêu giản dị và niềm tự hào lặng lẽ với nét đẹp truyền thống của dân tộc, các thế hệ tiếp nối ở mảnh đất bên sông Đăk Bla vẫn sát cánh, kề vai trên con đường bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong cộng đồng các dân tộc anh em ./.
Bài, ảnh: Thanh Như