40 năm đã đi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà. Trong ký ức của những người đã từng tham gia, đóng góp sức mình cho ngày toàn thắng, tinh thần quả cảm, khí thế sục sôi của cuộc tổng tấn công và nổi dậy vẫn còn ghi dấu.
 |
Bà Nguyễn Thị Đức Hạnh (thứ 3 từ phải sang) và các đồng đội H5
|
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình cơ sở Cách mạng của H5 ở Phương Quý (nay là xã Vinh Quang, TP Kon Tum ), trước ngày giải phóng, bà Nguyễn Thị Đức Hạnh - Cán bộ hưu trí , nguyên giám đốc Trung tâm bảo trợ Xã hội - có thời gian tham gia đội công tác A 25 (Công an tỉnh Kon Tum). Bị bắt lần thứ nhất vào tháng 9/1970, rồi được thả về; đầu năm 1971, bà tiếp tục bị bắt lần thứ hai, bị giam tại Kon Tum, và có tên trong danh sách tù chính trị bị đày đi Côn Đảo. Tuy vậy, tình hình diễn biến theo chiều hướng thuận lợi cho Cách mạng Miền Nam nên bà Hạnh và các bạn tù chỉ bị giam tại Gia Lai. Bà Hạnh kể: Tình hình chiến sự lúc bấy giờ không có lợi cho địch. Ta đánh mạnh. Ở tất cả các bàn đàm phán, họ cũng đã thất thế. Vì vậy, tù chính trị ở Gia Lai không phải chuyển đi nữa. Ở nhà giam Trung tâm cải huấn Gia Lai, mặc dù địch bưng bít thông tin, nhưng lúc đó, anh chị em vẫn nghe tin là Kon Tum được giải phóng. Thực ra, thì tháng 4 năm 1972, ta mới giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh. Bị giam lâu ở Trung tâm cải huấn Gia Lai, song địch không tìm được chứng cứ, nên đến tháng 8/1974, bà Hạnh mới được tự do.
Tháng 3/1975, ông Lê Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Người Cao tuổi thành phố Kon Tum là chiến sĩ đại đội 1, Tiểu đoàn 304, Tỉnh đội Kon Tum tham gia giải phóng thị xã tỉnh lỵ. Ông Lê Việt Hùng kể: Ngày 10/3, Buôn Ma Thuột giải phóng, nên địch ở Kon Tum rất hoang mang, giao động, mở rộng càn quét, lấn chiếm, rồi tìm đường tháo chạy. Lực lượng Tỉnh đội đảm nhận nhiệm vụ tập trung chặn đường rít của địch ở đèo Sao Mai (Thuộc xã Hòa Bình, vùng ven thị xã Kon Tum). Chiều 15/3/1975, địch đã rục rịch và 16/3 thì tất cả đều rút chạy. Lực lượng của ta vào tiếp quản thị xã.
 |
Ông Bay, ông Hùng (Góc phải) kể chuyện giải phóng
|
Năm 1975, ông Đào Trường Bay - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin còn là chàng trai 21 tuổi, có mặt trong đội hình đại đội cao xạ 12 ly 7 thuộc trung đoàn 24, Sư đoàn 10. Đầu năm 1975, đơn vị ông tham gia trận đánh cuối cùng của quân ta chống lấn chiếm ngụy quân Kon Tum tại đồi 601, nay thuộc xã Đăk La, huyện Đăk Hà. Giữa tháng 1, đơn vị bắt đầu hành quân xuống Buôn Ma Thuột để tham gia mở màn chiến dịch Tây Nguyên. Sau giải phóng thành phố Buôn Ma Thuột, đơn vị tiếp tục phát triển đội hình theo trục đường 21 (cũ) xuống đèo Phượng Hoàng, tham gia đánh lữ dù 3, giải phóng Khánh Dương, Dục Mỹ; đầu tháng 4/1975, giải phóng Nha Trang. Sau khi tham gia giải phóng Cam Ranh, trên đường hành quân lên Đà Lạt, thì Sư đoàn 10, trong đó có Trung đoàn 24 của ông Bay đã được lệnh quay trở lại Buôn Ma Thuột để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Vinh dự tham gia giải phóng Kon Tum, giải phóng Miền Nam, với ông mãi mãi là kỷ niệm đầy ý nghĩa, niềm tự hào thiêng liêng. Ông Đào Trường Bay nhớ lại: Toàn bộ Sư 10 hành quân, tiến công theo hướng Bắc - Tây Bắc Sài Gòn. Đơn vị chúng tôi đảm nhận tấn công vào 2 mục tiêu chính là Bộ Tổng Tham mưu quân đội ngụy và Sân bay Tân Sơn Nhất. Trên đường tiến quân, Sư đoàn 10 phối hợp với Sư đoàn 320 cũng “thanh toán” các mục tiêu khác, trong đó có Trại huấn luyện Quang Trung ở Đồng Dù. Trung đoàn 28 lúc đó rất may mắn được chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Trung Kiên dẫn đường.
Hân hoan kỷ niệm chiến thắng cũng là dịp chúng ta nghiêng mình tưởng nhớ những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân Dân. Dấu ấn ngày chiến thắng 30-4-1975 đi vào lịch sử dân tộc mãi là dấu son trong mỗi cuộc đời./.
Bài, ảnh: Thanh Như