Là một trong số dân tộc bản địa có khá đông dân cư ở Tây Nguyên, người Ja Rai được tạo thành từ các nhóm như Ja Rai Chor, Ja Rai MThu, Ja Rai HơDrong, Ja Rai TBoăn, Ja Rai A Ráp… Địa bàn tỉnh Kon Tum hiện là nơi sinh sống của khoảng 20.000 cư dân Ja Rai chủ yếu thuộc nhóm Aráp; tuy không đông, song với những nét đẹp văn hóa truyền thống luôn được nâng niu, gìn giữ, đồng bào Ja Rai ở Kon Tum đã và đang góp phần làm nên bức tranh đa sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em miền cực bắc Tây Nguyên.
 |
Bà con làng Chốt vui trống chiêng, cầu Dàng |
Khi những bao lúa ngoài rẫy được cất vào kho, những đám mì đang chờ ngày thu hoạch, là lúc gia đình anh A Vêu ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy cùng lũ làng xúm xít mổ trâu, cúng Dàng. A Vêu chia sẻ: “Nhà mình có nhiều chuyện vui quá. Mình cúng trâu, tạ ơn Dàng cho nhà mình được khỏe, con cái học hành, làm được cái nhà to để ở. Cầu Dàng cho mình và cho cả làn được nhiều cái may”.
Là một trong số dân tộc bản địa ở Tây Nguyên, nhưng người Ja Rai ở Kon Tum lại có nguồn gốc chủ yếu từ một số địa phương lân cận thuộc tỉnh Gia Lai. Thuở trước, cha ông họ theo dòng nước Đăk Bla hiền hòa đến lập chỗ ở mới, làm thành những làng người Ja Rai bây giờ chủ yếu tại các xã Ja Xia, Ja Ly, Sa Bình, Mô Rai, thị trấn Sa Thầy (Huyện Sa Thầy) và xã Ja Chim, Đăk Năng, Đoàn kết (Thành phố Kon Tum). Suốt tháng quanh năm bận rộn với công việc rẫy nương, chăn nuôi, cấy trồng, những lúc tụ hội đông vui của bà con dân làng chính là những lúc có lễ, có hội. Cái lễ, cái hội của dân làng cũng giản dị, gần gũi lắm, không phải sắm sửa, chuẩn bị cầu kỳ. Lễ lớn, hội lớn thì một con trâu, con bê, còn thường thì chỉ một con heo, vài con gà với mấy ghè rượu mì, rượu nếp. Uống ăn đâu phải là mối quan tâm.Vui cái bụng nhất là được quây quần bên nhau, được nghe tiếng chiêng, tiếng trống, được nhìn điệu xoang quấn quýt. Ở làng Chốt, già A Ram được mọi người tôn vinh, quý trọng nhất. Ông được sinh ra và lớn lên ở vùng núi khan khô nhưng mát lành bởi có con nước Ja Xia chảy qua. Đã ngoài 80 mùa rẫy, trong ông là sự thấm đẫm những tinh hoa văn hóa truyền thống của người Ja Rai được cha ông truyền lại. Ông bảo “Chiêng của người Ja Rai tất cả đủ bộ gồm 12 chiếc, có thể kể đến cụ thể hơn là chiêng Hân, chiêng Doăn, chiêng Bom… vui có chiêng đã đành, gặp chuyện buồn, người Ja Rai cũng không thể thiếu tiếng chiêng. Lễ đâm trâu, tiễn người chết, bỏ mả, cưới vợ, gả chồng… càng không bao giờ thiếu tiếng chiêng thiêng linh”.
 |
Già A Ram giỏi cồng chiêng, làm nhà rông |
Cũng như các dân tộc thiểu số anh em trên dải Trường Sơn hùng vĩ, nếu tiếng cồng tiếng chiêng là thanh âm đã ngấm vào mỗi người từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, thì nếp nhà rông uy nghi mà gần gụi chính là nơi khởi nguồn, là chỗ nuôi dưỡng những âm thanh kỳ diệu ấy. Bóng dáng nhà rông vút cao hiện hữu ở đâu, là ở đấy cuộc sống cộng đồng đang được cần mẫn đắp vun, được góp sức chung tay sẻ chia không ngại e bất kỳ khó khăn, gian khổ. Nếp thiêng của làng được gìn giữ từ đời này sang đời khác xứng đáng là niềm tự hào được tiếp nối từ người già đến tuổi nhỏ. Vẫn theo già làng A Ram, “Nhà rông của người Ja Rai có 2 loại, loại cao tới 12m, loại thấp chỉ 9m. Làm nhà rông là việc hệ trọng nhất, nhưng nếu đã làm thì lũ làng thường chọn làm kiểu 12m cho uy nghi, cao đẹp. Không phải trai trẻ nào cũng biết làm nhà rông nếu không được các già làng truyền dạy.”
Cũng như nhiều dân tộc thiểu số anh em, nếu người đàn ông Ja Rai luôn tự hào bởi những sản phẩm mây tre đan như gùi, giỏ, rổ, rá hàng ngày, thì dệt thổ cẩm chính là nét đẹp đảm đang của các bà, các chị, các em gái Ja Rai khéo léo. Làm quen với chiếc khung cửi từ lúc 15-16 tuổi, trong cuộc đời của mỗi phụ nữ Ja Rai cần mẫn, có biết bao tấm vải được dệt nên, thành những chiếc áo, chiếc váy, tấm khăn… đẹp đẽ, gần gũi trong trang phục hàng ngày. Cuộc sống hôm nay đang không ngừng đi lên với vải vóc muôn màu, phục trang đa kiểu, nhưng Chị Y MLát và các chị em ở thị trấn huyện Sa Thầy thì vẫn giữ trọn niềm vui được làm nên bằng chính bản sắc của mình. Chị Y MLát chia sẻ “Dệt thổ cẩm khó nhất là dệt 2 mặt, dệt hình con thú, con thỏ, con dê… nhưng phải ráng tập để dệt thì mới đẹp, mới giỏi được”.
 |
Nét đẹp dệt thổ cẩm vẫn được phụ nữ Ja Rai gìn giữ |
Cuộc sống với những bộn bề lo toan, vất vả áo cơm hàng ngày không tránh khỏi có những điều xa xưa bị lãng quên, sao nhãng. Song không phải vì vất vả toan lo, mà lòng người Ja Rai, hồn làng Ja Rai e dè, nghi ngại. Lớp ông trước, lớp cháu theo sau, nên dòng mạch nguồn truyền thống vẫn ngày ngày tuôn chảy. Đúng như chàng trai A Sử giãi bày: Tiếng chiêng của làng Chốt tự hào đã ra đến Hà Nội, đã vào tới thành phố Hồ Chí Minh rồi. Để giữ tiếng Chiêng làng Chốt không bao giờ mất được. Mấy năm rồi, năm nào, làng cũng mở lớp dạy cồng chiêng cho đám nhỏ, lũ trẻ…
Như sợi dây vô hình chẳng ngừng níu giữ, những tinh hoa bản sắc văn hóa vừa thiêng liêng mà gần gụi, vừa trang trọng mà đơn sơ của hôm qua vẫn luôn gắn bó những người Ja Rai với nhau và kết nối những người Ja Rai với cộng đồng các dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam thân yêu. Đó chính là điểm tựa để dựng xây và phát triển cuộc sống hôm nay mà bản thân mỗi người sống trong mối liên kết, giao hòa ấy càng luôn nâng niu, gìn giữ…./.
Bài: Thanh Như
Ảnh: Duy Phong