 |
Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng, múa xoang phục vụ du khách tại Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen |
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, diện tích tự nhiên khoảng 01 triệu ha, có đường biên giới dài 292,522 km, tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia, có 01 cửa khẩu quốc tế và 02 cửa khẩu chính thông thương với nước CHDCND Lào.
Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính gồm 01 thành phố và 09 huyện, với 102 xã, phường, thị trấn. Dân số trên 520 ngàn người, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 53%, với 28 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ: Xơ đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm.
Với lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển, cùng với các yếu tố đặc thù về địa lý, địa hình thổ nhưỡng, khí hậu, hệ thảm thực vật rừng đã tạo cho Kon Tum có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, độc đáo.
Du khách tham quan và chụp hình lưu niệm tại cột mốc Quốc giới chung ba nước
Việt Nam - Lào - Campuchia
Đó là, vùng du lịch sinh thái Măng Đen đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 298/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 về Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông đến năm 2030, là vùng du lịch nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây cũng là vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ phát triển sinh thái và là vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Đông của tỉnh.
Ngoài ra, Kon Tum có Vườn quốc gia Chư Mom Ray với hệ sinh thái đa dạng và độc đáo, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh với loại sâm quý được ghi vào sách đỏ, Khu du lịch sinh thái Rừng đặc dụng Đăk Uy, các điểm suối nước nóng Đăk Tô - Thác Đăk Lung, lòng hồ Yaly, Khu du lịch Đăk Bla...
Toàn tỉnh hiện có 23 di tích được xếp hạng, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 04 di tích cấp quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh.
Các công trình tôn giáo có kiến trúc, nghệ thuật độc đáo như: Nhà Thờ Gỗ, Tòa Giám Mục... là điểm đến hấp dẫn của du khách tham quan.
Đặc biệt, tỉnh có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, như: văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, dệt thổ cẩm, đan lát... là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, nhằm mang lại lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần cho người dân, cộng đồng xã hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y
Trong tiềm năng và thế mạnh du lịch của tỉnh Kon Tum, phải kể đến là lợi thế từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, có Cột mốc Quốc giới chung ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia ở vị trí ngã ba của Đông Dương, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch tỉnh Kon Tum, kết nối du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên sang các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 127 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn được xếp hạng, 49 cơ sở được xếp hạng 1 sao trở lên với 1.882 phòng; lượng khách du lịch đến Kon Tum liên tục tăng từ 11% - 13,20% trong giai đoạn 2011-2017.
Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch, trong đó chú trọng đến các yếu tố về khai thác cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tạo nên chuỗi giá trị trong mối liên kết vùng phục vụ phát triển du lịch; đẩy mạnh việc giao đất tạo sinh kế cho người dân, trồng dược liệu dưới tán rừng, khai thác các giá trị từ rừng một cách có hệ thống nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tỉnh đã ban hành các văn bản quan trọng về phát triển du lịch: Chương trình số 35-CTr/TU ngày 18/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch số 2058/KH-UBND ngày 01/8/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình của Tỉnh ủy; Quyết định số 1607/QĐ-UBND ngày 28/12/2016 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và nhiều văn bản khác, đồng thời đã và đang tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ đề ra.
Hi vọng rằng với những lợi thế và tiềm năng, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của cộng đồng, các doanh nghiệp và người dân, sự phối kết hợp giữa các tỉnh trong khu vực, sự chỉ đạo của Chính phủ và sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các bộ, ngành trung ương, thời gian tới du lịch Kon Tum sẽ có những bước phát triển mới, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của nền kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên, đảm bảo môi trường hòa bình hữu nghị giữa các quốc gia và là điểm đến thân thiện, mến khách./.
Bài, ảnh: Dương Nương