Thứ 7, Ngày 26/04/2025 -

Lễ cưới truyền thống của người Rơ Măm ở Kon Tum
Ngày đăng: 22/02/2016  04:36
Mặc định Cỡ chữ
Lễ cưới truyền thống của dân tộc Rơ Măm ở làng Le, xã Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống tiêu biểu có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc và mang tính nhân văn cao. Thể hiện rõ nét về bức tranh văn hóa đa sắc màu các dân tộc Kon Tum nói chung, dân tộc Rơ Măm nói riêng.

 

Dân làng uống rượu chung vui chúc mừng đôi vợ chồng trẻ

Là cư dân nông nghiệp nương rẫy, cũng như các tộc người khác ở Tây Nguyên, người Rơ Măm có hệ thống lễ hội khá phong phú xung quanh vòng đời con người, vòng đời của cây trồng (cây lúa rẫy). Trong đời sống hiện tại, cùng với nhiều lễ hội như: Lễ tỉa lúa, lễ mừng nhà Rông mới, lễ mở kho lúa...thì lễ cưới truyền thống vẫn được người Rơ Măm gìn giữ và phát triển.

Lễ cưới truyền thống của bất cứ người Rơ Măm nào cũng đều phải trải qua 3 bước: Người mai mối ướm hỏi cho đôi trai gái; cha mẹ hai bên đồng ý, thống nhất lễ cưới chính thức và cuối cùng lễ ăn cơm thành vợ chồng cho đôi trai gái ngay sau lễ cưới.
 
  
Đôi trai gái đến nhờ ông mai mối ướm hỏi (ảnh trái) và ông mai mối tới gặp bố mẹ 2 bên (ảnh phải)
 
Sau một thời gian tìm hiểu, người con trai và con gái quyết định gắn bó cả đời bên nhau sẽ cùng nhau đi tìm người mai mối. Người mai mối phải là người có uy tín trong làng. Nhờ người mai mối đứng ra ướm hỏi cha mẹ hai bên. Sau khi căn dặn và cả thử thách tình yêu đôi trẻ bằng những tình huống giả định trong cuộc sống vợ chồng, người mai mối đến gặp cha mẹ hai bên để thông báo tình hình. Nếu được cha mẹ hai bên chấp thuận thì thống nhất thời gian cũng như các lễ thức trong hôn nhân của hai con.
 
Khi thời gian tổ chức lễ cưới được ấn định, họ hàng hai bên cùng bà con dân làng gác lại công việc đồng áng, tập trung chuẩn bị cho lễ cưới như: Chuẩn bị vật hiến sinh (heo và gà), ghè rượu và lễ vật để làm lễ cầu khấn các thần linh trong lễ cưới; lên rừng hái rau, chặt ống lồ ô đựng nước, cần uống rượu, củi đốt, xuống suối bắt cá; rồi mang về chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc mình như cơm lam, cháo, rau đắng, cá nướng...
 
 
Dân làng chuẩn bị vật hiến tế và các món ăn truyền thống
 
Phần lễ cưới chính thức gồm phần lễ và phần hội. Lễ cưới được tổ chức bên nhà trai trước xong mới đến nhà gái. Về phần lễ cơ bản giống nhau, nhưng tại lễ cưới được tổ chức ở nhà gái có thêm nghi lễ đôi trai gái trao vòng cho nhau. Chiếc vòng được làm bằng đồng, thể hiện sự thề nguyền son sắt trọn đời bên nhau.
 
Đôi trai gái đang thực hiện nghi lễ trao vòng
 
Trong phần lễ, họ hàng và bà con trong làng sắp xếp, bố trí ghè rượu thiêng, bày trí vật hiến sinh cúng các thần linh. Người mai mối dẫn hai vợ chồng đến chỗ ghè rượu thiêng để làm lễ. Người mai mối sắp xếp vị trí ngồi của đôi trai gái và hai bên gia đình trước khi làm lễ cưới, rồi làm nghi thức cắn con dao vót nan cho đôi vợ chồng, làm lễ nghi cầu khấn thần linh và dặn dò đôi trai gái. Bố, mẹ của đôi trai gái cầu khấn thần linh và dặn dò con cái. Người mai mối rút cần rượu thiêng làm lễ cho các thần linh trước cổng vào nhà và sau đó mang cần uống rượu tiếp tục cắm vào ghè rượu thiêng; trao đùi gà, cần uống rượu cho đôi trai gái và cùng đôi trai gái uống rượu thiêng đầu tiên; xem quẻ cho đôi vợ chồng bằng cái cằm của con gà. Bố, mẹ, anh em của cô dâu, chú rể uống rượu lễ. Kết thúc phần lễ, chủ lễ cùng họ hàng  và bà con dân làng vào tiệc lễ mừng đôi vợ chồng mới. Đôi vợ chồng mới mời họ hàng gần xa uống rượu lễ của mình và chia sẽ với họ những miếng thịt của vật hiến sinh để cùng hưởng phúc. Họ hàng cùng bà con dân làng cũng mời lại đôi vợ chồng mới và bố mẹ hai bên gia đình uống rượu…. Đồng thời tiếng cồng chiêng mừng cô dâu, chú rể nổi lên bắt đầu cho phần hội.
Đôi vợ chồng trẻ đang thực hiện nghi lễ ăn cơm
 
Nghi lễ ăn cơm thành vợ chồng của đôi trai gái được tổ chức ngay ngày hôm sau lễ cưới. Trong lễ này, họ hàng chuẩn bị vật hiến sinh là gà, rượu ghè, cơm nếp….để làm lễ. Người mai mối đưa cô dâu chú rể ngồi gần ghè rượu lễ để làm lễ ăn cơm thành vợ chồng. Cầm 2 nắm cơm, 2 đùi gà đưa cho cô dâu, chú rể. Cô dâu, chú rể đổi nắm cơm và đùi gà cho nhau và ăn. Người mai mối cầu khấn thần linh, ông bà tổ tiên phù hộ cho đôi vợ chồng mới rồi cùng vợ chồng mới uống rượu lễ, xem quẻ bằng cằm gà và dặn dò cô dâu chú rể về cuộc sống gia đình mai sau.
 
 
Dân làng đánh cồng chiêng và uống rượu ghè chung vui với đôi vợ chồng trẻ
 
Có thể nói, Lễ cưới truyền thống là một trong những lễ hội, luật tục dân gian tiêu biểu, đậm đà bản sắc dân tộc, mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc thể hiện nét văn hóa riêng độc đáo của người Rơ Măm, góp phần làm phong phú thêm nét văn hóa của tỉnh Kon Tum nói riêng và kho tàng văn hóa của Việt Nam nói chung./.
 
Bài, ảnh: A Lê Khăm (Đài PT-TH tỉnh)
 
Kon Tum là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống, cư trú. Trong đó, có 6 đồng bào dân tộc tại chỗ như: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Jrai, Brâu và Rơ Măm. Mỗi dân tộc đều có vốn văn hóa riêng biệt rất phong phú, đa dạng và có giá trị lớn về mọi mặt.
 
Do ảnh hưởng mặt trái của sự phát triển, nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số tại chỗ trong tỉnh có nguy cơ bị suy thoái, mai một hoặc bị mất dần, một số dân tộc ít quan tâm lưu giữ, kế tục, sử dụng và truyền lại cho thế hệ sau. Hiện nay, những người hiểu biết về di sản văn hóa của dân tộc mình đang ngày càng già đi và đa số thế hệ trẻ đang ngày càng sao nhãng với di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại.
 
Trong những năm qua, bằng nguồn vốn Chương trình MTQG và nguồn sự nghiệp của tỉnh, ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã sưu tầm, phục dựng và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh như các lễ hội truyền thống; các ngành nghề thủ công truyền thống; lên danh mục và bảo tồn các di tích trên địa bàn tỉnh; nghệ thuật trình diễn dân gian...Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, còn rất nhiều lĩnh vực khác của di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc, trong đó có Lễ cưới truyền thống của các dân tộc tại chỗ của tỉnh chưa thực hiện được việc nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Mặc dù lễ hội này đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền cao.
 
Xác định việc điều tra khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng lại Lễ cưới truyền thống của các dân tộc tại chỗ của tỉnh Kon Tum nói chung, của người Rơ Măm nói riêng là việc làm cấp bách và thiết thực nhằm giữ gìn, bảo tồn vốn di sản văn hóa mà cha ông để lại, nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và trí thức bản địa trong cộng đồng dân tộc Rơ Măm, đồng thời góp phần bổ sung vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa quốc gia, mới đây ngành Văn hóa tỉnh đã phối hợp với huyện Sa Thầy, xã Mo Rai phục dựng lại Lễ cưới truyền thống của dân tộc Rơ Măm tại làng Le. Cùng với dân tộc B’râu sinh sống tại làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, dân tộc Rơ Măm là 1 trong 2 dân tộc ít người nhất của tỉnh Kon Tum và là 1 trong 10 dân tộc ít người nhất của cả nước./.