Thứ 7, Ngày 26/04/2025 -

Lễ ăn mừng nhà Rông mới của người Ba Na
Ngày đăng: 01/03/2016  07:36
Mặc định Cỡ chữ
Trải qua chặng đường dài sinh tồn và phát triển gắn liền với lịch sử phát triển cuả dân tộc, theo phong tục truyền thống lâu đời của người Ba Na ở Kon Tum, họ đã lưu giữ nhiều văn hóa dân gian đặc sắc, tạo nét đẹp đặc trưng riêng có, trong đó phải kể đến lễ ăn mừng nhà Rông mới.

  

Dân làng đánh cồng chiêng, múa xoang thâu đêm

Khi mặt trời xuống dưới chân núi, tiếng chiêng vang lên báo cho thần linh, lễ  mừng nhà Rông mới của người Ba Na bắt đầu, già làng A Phơl dắt con trâu buộc vào cây nêu để làm hiến tế theo phong tục tập quán của người Ba Na trong nghi thức lễ ăn mừng nhà Rông mới. Tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã thâu đêm suốt sáng, vòng xoang cứ rộng dài mãi, uyển chuyển gọi mời già, trẻ, gái, trai làng xa, làng gần về chung vui, mừng dân làng có nhà Rông mới.

Già làng A Phơl buộc con trâu vào cây nêu để  hiến tế thần linh
 
Tham gia từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng, không nghỉ một ngày dù mưa hay nắng, vậy mà trong lễ mừng nhà Rông mới hôm nay, già làng A Phơl-Thôn Kon Tu II, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum vẫn như chưa tin vào mắt mình khi thấy ngôi nhà Rông to, đẹp, sừng sững mọc lên giữa làng. Vừa nhanh tay buộc con trâu vào cây nêu, già làng A Phơl vừa vui mừng nói: Từ nay làng mình có nhà Rông mới rồi, mình vui cái bụng lắm. Nhà Rông là linh hồn của dân làng, nhà Rông là chỗ tập trung sinh hoạt; ngày vui, ngày buồn cũng nhờ nhà Rông thôi, nhà Rông là nhà chung mà”.
 
Dân làng đánh cồng chiêng, múa xoang xung quanh cây nêu
 
Trung tâm của khuôn viên sân trước nhà Rông là cây nêu cao vút. Sự hài hòa giữa sắc màu xanh, đỏ, trắng, vàng trên cây nêu tượng trưng cho màu của tình yêu, của khát vọng, của sức sống vươn lên trong năm mới. “Đất lành chim đậu”, hiện nay làng Kon Tu II đã trở thành ngôi làng đại đoàn kết với nhiều dân tộc cùng chung sống, nhưng đông dân nhất vẫn là dân tộc Ba Na.
 
Ông Trịnh Quang Thạo - Bí thư Kon Tu II, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum cho biết:Người Ba Na về đây đầu tiên và thành lập thôn. Cùng với các dân tộc khác như Kinh hay đồng bào các dân tộc từ phía Bắc về đây sinh cơ lập nghiệp, thì người Ba Na có số lượng người đông hơn cả. Vì vậy, thôn quyết định xây dựng nhà Rông truyền thống của người Ba Na.  Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới mái nhà Rông này, mối tình đoàn kết giữa đồng bào dân tộc tại chỗ với đồng bào các vùng miền khác về đây sinh sống sẽ bền chặt hơn, cùng giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
 
  
Bà con chuẩn bị món thịt nướng (ảnh trái) và cơm lam (ảnh phải)
 
Từ xa xưa, cũng giống như các lễ hội truyền thống khác, trong lễ ăn mừng nhà Rông mới của người Ba Na không thể thiếu các món ăn truyền thống của dân tộc mình như cơm lam, thịt nướng, rượu ghè để tiếp đãi khách thay cho lời cảm ơn, lòng mến khách đối với các vị khách đã đến chung vui cùng dân làng trong ngày trọng đại này.
 
Chị Hler - Thôn Kon Tu II, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum tâm sự: Việt Nam có nhiều dân tộc, vì vậy có nhiều nét văn hoá khác nhau, văn hoá nào cũng đẹp, cũng cần giữ gìn, dân tộc Ba Na chúng tôi cũng vậy, chúng tôi giữ gìn văn hoá của mình, để truyền lại cho con cháu, không để bị mai một, cũng là để cho các dân tộc khác biết về nét văn hóa của dân tộc mình.
 
Ông Huỳnh Thanh Lanh - Chủ tịch MTTQVN thành phố Kon Tum cho biết: Xây dựng nhà Rông văn hoá là nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con dân tộc thiểu số. Đặc biệt đối với bà con người Ba Na xây dựng nhà Rông văn hoá còn thể hiện tinh thần người thanh niên, người trai tráng trong làng, thể hiện tính cộng đồng sâu sắc nhằm bảo tồn văn hoá cổ truyền của dân tộc.
 
Bà con dân làng cùng các vị khách xa, gần chung vui bên ché rượu cần
 
Trong đời sống của người Ba Na có rất nhiều lễ hội gắn với lao động sản xuất, sinh hoạt và vòng đời của con người như lễ ăn mừng lúa mới, lễ giọt nước, lễ cầu an, lễ bỏ mả.... Cùng với sự phát triển, hội nhập của đất nước, nhiều lễ hội đã và đang không được bảo tồn; tuy nhiên, lễ mừng nhà Rông mới là lễ hội vẫn luôn được bà con dân tộc Ba Na giữ gìn và duy trì đến ngày nay. Dưới mái nhà Rông cao vút, người Ba Na đoàn kết, gắn bó cùng với cộng đồng các dân tộc anh em cùng xây dựng thôn làng ngày càng phát triển.
 
Cũng như một số dân tộc ở vùng đất Tây Nguyên, mỗi làng của người Ba Na đều có một nhà Rông ở giữa làng, trở thành niềm tự hòa của dân làng. Nhà rông có ý nghĩa rất quan trọng đối với dân làng - là linh hồn, là trái tim, biểu tượng sự đoàn kết của dân làng. Đồng bào Ba Na quan niệm, mái nhà Rông cao vút là nơi hội tụ khí thiêng của đất trời, là cầu nối giữa con người với vũ trụ. Do vậy, nhà Rông là nơi giao hòa và gửi gắm niềm tin giữa con người với các vị thần linh, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng nhất của cộng đồng. Nhà Rông còn mang sức mạnh tinh thần gắn kết các mối quan hệ trong cộng đồng làng. Ngôi nhà Rông chính là nhà làng – là trung tâm của làng, là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của cộng đồng: Lễ hội, vui chơi, hội họp, đón tiếp khách quý và giải quyết các vụ việc liên quan đến cộng đồng làng...
 
Bài, ảnh: A Lê Khăm (Đài PT-TH tỉnh)