Chủ nhật, Ngày 27/04/2025 -

Nhìn lại hơn 10 năm Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”
Ngày đăng: 14/03/2016  02:25
Mặc định Cỡ chữ
Từ khi được UNESCO vinh danh đến nay, công tác quản lý, giữ gìn cồng chiêng và bảo tồn, phát huy Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên nói chung, ở Kon Tum nói riêng đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa đích thực của cồng chiêng nhằm phục vụ đời sống tâm linh và đời sống văn hóa trong các lễ hội của Tây Nguyên.

 

Cồng, chiêng được dùng để đón tiếp khách quý (Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Kon Tum năm 2014)
 
Gìn giữ và phục hồi cồng, chiêng
 
Hiện toàn tỉnh Kon Tum có 1.916 bộ cồng, chiêng với gần 30 loại khác nhau như: Chiêng Tha của dân tộc B’Râu; chiêng Pom, chiêng Pát của dân tộc Gia Rai nhánh A ráp; chiêng Tơnơl  của dân tộc Ba Na; chiêng Nỉ của nhóm Triêng, Giẻ - Triêng); chiêng Xteng của dân tộc Xơ Đăng vùng Đăk Tô...
 
Để tạo môi trường diễn xướng của cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, Sở VH,TT&DL tỉnh Kon Tum đã xây dựng được 18 đề tài về văn hóa phi vật thể, phục dựng 22 nghi lễ - lễ hội tiêu biểu của các dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng, B’râu, Rơ Măm; các trò chơi dân gian, âm nhạc, nhạc cụ gõ, nhạc cụ hơi; nghề đan lát, nghề dệt truyền thống của các dân tộc Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai, Xơ Đăng, đẽo thuyền độc mộc...;nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, nghệ thuật hát sử thi... phong tặng các danh hiệu cho các nghệ nhân, nghệ sỹ đã có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số của tỉnh. Toàn tỉnh có 10 nghệ nhân được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”; 02 nghệ sỹ được phong tặng, truy tặng nghệ sỹ ưu tú; 43 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”.
 
Để lưu trữ, giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Kon Tum, trong đó có di sản văn hóa cồng chiêng cho cộng đồng và khách tham quan trong nước, nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu ngành văn hóa tỉnh đã thành lập Phòng Di sản Văn hóa (thuộc Sở VH,TT&DL) và Ngân hàng Văn hóa phi vật thể (đặt tại Bảo tàng tỉnh).
 
Ngoài ra, Đã mở, tổ chức 26 các lớp truyền dạy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian cho 582 người tham gia học tập, trong đó một số địa phương như Sa Thầy, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Plông duy trì tốt việc tổ chức truyền dạy các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống.
 
Các em học sinh THCS của thành phố Kon Tum trong Hội thi trình diễn
cồng chiêng do phòng GD-ĐT tổ chức
 
Quản lý, bảo tồn di sản cồng chiêng
 
UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành VHTT&DL tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ từ tỉnh đến các huyện, thành phố nhằm bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng một cách bền vững. Từ đó, các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu, đưa hoạt động cồng chiêng thực sự gắn liền với đời sống của cộng đồng. Các cuộc liên hoan cồng chiêng hàng năm được coi là một trong những yếu tố quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Đơn cử như hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều tổ chức “Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch” với quy mô cấp tỉnh, thời gian từ 5 - 6 ngày, số lượng nghệ nhân bình quân tham gia trình diễn trên 500 nghệ nhân. Chương trình luôn được làm mới với các hoạt động chính: Liên hoan, thi Văn hóa ẩm thực; Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian; Liên hoan chế tác nhạc cụ dân gian; thi thể thao truyền thống. Đặc biệt là Chương trình liên hoan trình diễn nghệ thuật dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương như: Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, cồng chiêng, các làn điệu dân ca, trình diễn trang phục dân tộc, phục dựng lễ hội... đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân cũng như du khách trong và ngoài nước về tham dự, tìm hiểu.
 
Cồng, chiêng ở Kon Tum không chỉ là “sân chơi” cho các nghệ nhân lớn tuổi mà còn mở rộng đến các lớp trẻ trong các trường học. Đào tạo các huyện, thành phố hàng năm đã tổ chức thi cồng chiêng cho cấp trường tiểu học. Điều đáng mừng là trong số nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng hiện nay, có đến hai phần ba đang ở độ tuổi thanh niên và có không ít những thiếu niên tuổi ở độ tuổi thiếu niên, nhi đồng.
 
Với những hoạt động văn hoá cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa tham gia các hoạt động văn hoá truyền thống tại các huyện, di sản văn hoá phi vật thể cồng chiêng đã được các cấp, các ngành ở huyện, ở tỉnh quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho công tác sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng hoạt động nhằm thiết thực bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, ngành văn hoá tỉnh đã chỉ đạo các phòng Văn hoá - Thông tin tại các huyện, thành phố quan tâm đến các nghệ nhân cồng chiêng bằng các hành động cụ thể như tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân tham gia các hoạt động trình diễn cồng chiêng ở trong, ngoài địa bàn tỉnh và nước ngoài.
 
Để bảo tồn được giá trị phi vật thể của cồng, chiêng ngành VH,TT&DL tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác sưu tầm, phân loại và ghi chép các bài chiêng cổ bằng cách ghi âm, quay video về kỹ năng đánh, phương pháp diễn xướng và chỉnh sửa cồng chiêng để làm tư liệu; thống kê số lượng nghệ nhân dân gian có khả năng truyền dạy đánh cồng chiêng, chỉnh (sửa) cồng chiêng và nhớ được các bài chiêng hiện có.
 
Tính đến tháng 9 năm 2015, tỉnh Kon Tum có 323 đội nghệ nhân cồng chiêng, 243 thôn làng đồng bào DTTS có cồng chiêng, còn 350 thôn, làng đồng bào DTTS chưa có cồng chiêng tập thể.
 
Truyền dạy cách đánh cồng, chiêng ở huyện Sa Thầy
 
Khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn cồng, chiêng
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành văn hóa tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận việc bảo tồn không gian Văn hóa cồng chiêng của tỉnh đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: Cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc đang đứng trước nguy cơ mất dần do điều kiện và môi trường dần bị thu hẹp, bởi nhiều nghi lễ và lễ hội đang mai một dần từ nhiều nguyên nhân. Cồng chiêng không còn được coi là của cải, không còn giữ được vai trò là “vật thiêng”, là nhạc khí dân gian chủ đạo trong đời sống tinh thần của người dân. Lớp nghệ nhân lớn tuổi dần dần qua đời mà không trao truyền lại được cách diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ, do vậy dần dần cách diễn tấu các bài cồng chiêng cổ cũng mai một theo.
 
Cùng với đó, sự phát triển của đô thị hóa đã tác động đến môi trường diễn xướng, lễ hội, những ngôi nhà sàn, nhà dài, nhà Rông, nghè thiên… mất dần; không gian, thời gian của cồng, chiêng dần bị thu hẹp; không gian văn hóa cồng chiêng truyền thống có sự biến đổi, một số nhu cầu mới, hiện đại, lối sống mới đang làm thay đổi nhận thức về “tính thiêng” và tính cộng đồng của văn hóa cồng chiêng. Lớp trẻ lớn lên thấy nhưng chưa hiểu đầy đủ giá trị văn hóa, không gian cồng chiêng nên ít yêu thích, ít quan tâm, khả năng kế nghiệp, trao truyền rất ít; nhiều nghệ nhân chuyên về cồng chiêng (chỉnh chiêng, trình diễn, xoang…) ngày càng ít, thế hệ trước tuổi cao, lần lược qua đời.
 
Ngoài ra, một bộ phận dân cư, nghe theo sự vận động từ bên ngoài từ bỏ tín ngưỡng truyền thống, tiếp nhận tập quán sinh hoạt mới nên không gìn giữ không gian sinh hoạt truyền thống và không thực hiện sinh hoạt cồng chiêng (nhiều gia đình đã bán những bộ cồng chuyên truyền đời). Nguồn lực tài chính của tỉnh dành cho công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói chung, Không gian văn hóa cồng chiêng cũng như trang bị cồng, chiêng cho các tập thể cộng đồng làng duy trì sinh hoạt rất hạn hẹp...

Ngày 25/11/2005, “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” được Tổ chức Khoa học - Giáo dục - Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”, danh hiệu này nay được đổi thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đây là niềm tự hào lớn, không chỉ đối với các dân tộc Tây Nguyên, mà còn làm nức lòng đông đảo người yêu mến văn hoá dân gian của các tộc người Tây Nguyên, cũng như thêm yêu vẻ đẹp của văn hoá Việt Nam.
 
Ngay sau khi Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh, Tỉnh ủy Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo giao cho ngành Văn hóa - Thông tin (nay là Sở VH,TT&DL) xây dựng Đề án “Bảo tồn kế thừa và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2006-2010” và đã được UBND tỉnh phê duyệt.
 
Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ VHTTDL, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp hỗ trợ của các sở, ban, ngành đoàn thể trong tỉnh, trong hơn 10 năm qua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh, thực thi đầy đủ và có hiệu quả các cam kết của Việt Nam đối với UNESCO về thực hiện dự án “Phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Văn hóa cồng chiêng trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

Bài, ảnh: A Lê Khăm (Đài PT-TH tỉnh)