 |
Phụ nữ dân tộc Rơ Mâm bên khung cửi dệt vải dưới mái nhà Rông làng Le, Mô Rai, Sa Thầy
|
Dân tộc Rơ Mâm là 1 trong 10 dân tộc thiểu số ít người nhất trong cả nước với khoảng trên 500 dân. Chị em bà Y Điết và Y Nui là hai người phụ nữ lớn tuổi ở làng Le vẫn còn nhớ như in trang phục truyền thống của người Rơ Mâm. Thời điểm đó, mẹ của hai bà vốn nổi tiếng với tay nghề dệt vải đẹp nhất làng. Thế nên, ngay từ nhỏ, hai bà đã được bà ngoại và mẹ hướng dẫn cách pha màu, cách dệt vải thổ cẩm truyền thống.
Bà Y Điết cho hay: Nghề dệt của người dân tộc Rơ Mâm ở làng Le vốn có từ lâu đời và có những nét riêng, độc đáo. Trước kia bà con hái bông gòn về xe thành chỉ, sau đó dệt thành tấm vải chỉ mộc màu trắng, may thành váy và khố để mặc. Vải chỉ có màu trắng đơn giản, không cầu kỳ cũng không có họa tiết, chỉ cần có tấm vải để làm chăn, may áo, váy và khố mà mặc thôi”.
Theo thời gian, đàn ông vẫn mặc khố trắng đơn giản, còn phụ nữ Rơ Mâm lại tỉ mỉ, cầu kỳ hơn bằng việc tạo điểm nhấn trên váy thổ cẩm trắng bằng những họa tiết, hoa văn. Người phụ nữ nào khéo tay hơn thì có thể vào rừng hái nấm đỏ, hạt cà ri giã chung để nhuộm sợi vải đỏ, hoặc các loại cây rừng giã thành bột có màu khác nhau để nhuộm, thêu trang trí làm nổi bật tấm váy trắng nhưng cũng không nhiều màu như bây giờ, cũng không dệt nhiều hoa văn như các dân tộc khác”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cùng với nhiều người phụ nữ trong làng tham gia thanh niên xung phong, bà Y Điết chẳng còn thời gian để dệt vải. Sau khi giải phóng, khung dệt cũng không còn, cuộc sống gặp nhiều khó khăn khi nghèo đói bủa vây, bà con làm lụng vất vả, bám chặt nương rẫy để lo cho cái ăn cái mặc hằng ngày nên chẳng ai nghĩ đến nghề dệt nữa. Nghề dệt của người Rơ Mâm dần dần bị mai một và hoàn toàn biến mất.
Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum” giai đoạn 2017 – 2020, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức “Hỗ trợ khẩn cấp nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Rơ Mâm” với kinh phí 50 triệu đồng. Theo đó, mở lớp học nghề dệt thổ cẩm cho 10 học viên trong vòng 1 tháng.
Ngay khi biết tin, hai chị em bà Y Điết, Y Nui liền nhanh chóng đăng ký tham gia lớp học. Tuy lớn tuổi nhất lớp nhưng không buổi học nào ở nhà rông lại vắng mặt hai chị em. Trong vòng một tháng, nhờ đôi tay khéo léo, bà và em gái đã dệt được những tấm thổ cẩm đẹp và tinh tế. Thậm chí còn học thêm được cách dệt hoa văn, họa tiết sắc sảo của các dân tộc khác.
Bà Y Điết mừng lắm, ưng cái bụng lắm “khoe”:“Nhờ có nhà nước hỗ trợ mà mình được dệt lại. Giờ muốn dệt đẹp hơn nữa. Ngoài bản sắc riêng có của người Rơ Mâm, mình còn muốn đưa các họa tiết, hoa văn của dân tộc khác vào cho tấm vải thêm phong phú, đa dạng sắc màu, kiểu dáng”.
Trải qua thời gian khá dài, mặc dù người Rơ Mâm không còn những khung dệt truyền thống như trước, nhưng được nhà nước hỗ trợ chị em phụ nữ trong làng lại bảo nhau cố gắng giữ lấy nghề dệt, mà hơn hết là để truyền nghề lại cho con cháu.
Ông Ka Ba Thành – Trưởng Ban dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết, để bảo tồn bản sắc văn hóa cho các dân tộc bản địa ở Kon Tum nói chung, dân tộc Rơ Mâm nói riêng, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều dự án thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước. Đối với việc lưu giữ nghề dệt truyền thống của dân tộc Rơ Mâm, chúng tôi đã tổ chức ghi hình về cách truyền dạy nghề dệt của đồng bào Rơ Mâm xưa; tiếp đến là tổ chức lớp tập huấn cho phụ nữ Rơ Mâm và cả trẻ em gái”.
“Thông qua các lớp tập huấn như vậy, chị em phụ nữ dân tộc Rơ Mâm đã có thể tự dệt chăn, dệt vải may trang phục cho cả gia đình, ngoài ra còn để bán tăng thu nhập; điều đặc biệt hơn cả là chị em phụ nữ người Rơ Mâm đã làm sống lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống của cha ông đã từng bị mai một, bị mất đi theo thời gian và để các thế hệ hôm nay, mai sau của dân tộc này tiếp tục gìn bảo tồn, phát huy” - ông Ka Ba Thành khẳng định.
Bài, ảnh: Dương Nương