 |
Cựu chiến binh Hà Huy Liễu tham gia giải phóng Miền Nam |
Sinh ra và lớn lên ở quê hương Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh, năm 1965, tròn 19 tuổi, ông Hà Huy Liễu đi bộ đội, được biên chế vào Trung đoàn 929 (Quân khu 4), được tham gia chi viện cho bộ đội Pa Thét ở trung Lào, rồi trải qua nhiều trận “thử lửa” trên chiến trường Khe Sanh ác liệt; cuối năm 1968, người chiến sĩ thông tin trẻ chính thức có mặt trong đội hình Trung đoàn 28 (Sư đoàn Đăk Tô). Ông Liễu còn nhớ: Để chuẩn bị giải phóng Miền Nam, Trung đoàn 28 được thành lập ngày 15/10/1968 ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Tháng 12/1968, đơn vị hành quân vào chiến trường Tây Nguyên. Trong chiến này, Trung đoàn nhận nhiệm vụ tấn công vào thị trấn Đức Lập (Huyện Đăk Min, tỉnh Đăk Lăk ngày nay) và tấn công vào cứ điểm của địch ở đồi Núi Lửa nằm trong khu vực này. Theo kế hoạch tác chiến, Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn phối hợp với đơn vị bạn tiến đánh thị trấn Đức Lập, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 có nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm đồi Núi Lửa. Tối ngày 8/3/1975, bộ đội Tiểu đoàn 1 của ông Liễu hành quân, chiếm lĩnh trận địa. 5h sáng ngày 9/3, đơn vị được lệnh nổ súng. Chỉ khoảng 15 phút sau khi hoả lực, mà chủ công là các loại pháo của ta bắn cấp tập, bộ binh xung phong chiếm lĩnh các vị trí xung yếu. Sau 2 giờ chiến đấu, đơn vị đã làm chủ hoàn toàn trận địa đồi Núi Lửa. Cũng trong buổi sáng ngày 9/3/1975, thị trấn Đức Lập được hoàn toàn giải phóng.
Sau khi hoàn thành mục tiêu giải phóng Đức Lập, tối ngày 11/3/1975, Trung đoàn 28 được lệnh tập trung về Buôn Ma thuột, đóng chốt tại sân bay Hòa Bình để đón địch từ Plei Ku về chi viện cho ngụy quân, hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột. Địch không ngờ, khi chúng đổ quân xuống, rơi ngay vào trận địa phục kích của ta, nên toàn bộ đám quân chi viện đều bị diệt gọn. Ý đồ tái chiếm thủ phủ Tây Nguyên của địch bị thất bại hoàn toàn. Sau ngày 13/3/1975, đơn vị ông Liễu được lệnh tiếp tục hành quân theo quốc lộ 26, truy kích địch ở đèo Phượng Hoàng. Đến ngày 2/4/1975, toàn Trung đoàn đã tập kết tại thị trấn Ninh Hòa (Khánh Hòa). “Có một điều đáng nhớ nhất, là khi chúng tôi đến thị trấn Ninh Hòa thì đã 12 giờ trưa. Chúng tôi nhận được lệnh của Trung đoàn là sau 14 giờ cùng ngày phải có mặt tại ngã ba Cam Ranh.” - Ông Hà Huy Liễu kể. - “Quãng đường từ thị trấn Ninh Hòa đến ngã ba Cam Ranh chừng 80 cây số. Làm thế nào có thể đi bộ trong vòng 2 tiếng đồng hồ để đến vị trí tập kết? Đang băn khoăn, chưa biết làm thế nào, thì đơn vị được lệnh của trung đoàn là đón tất cả các loại xe cơ giới để di chuyển. Thế là, toàn bộ xe khách, xe tải, xe lam ...đều được tận dụng để vận chuyển bộ đội. Cả những người lính ngụy biết lái xe cũng được động viên phục vụ quân giải phóng. Nhờ đó, đơn vị đã kịp về “điểm hẹn” ngã ba Cam Ranh theo chỉ thị, để tiếp tục nhận lệnh hành quân theo hướng nam.”

CCB Hà Huy Liễu ôn lại kỷ niệm 30-4 trong một lần tọa đàm
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 28/4/1975, tại một khu rừng thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, đơn vị được lệnh xuất kích. Nhiệm vụ của Trung đoàn là theo hướng Tây, đánh chiếm hai mục tiêu quan trọng : Bộ Tổng tham mưu ngụy và Sân bay Tân Sơn Nhất. Được chuẩn bị chu đáo, nên lực lượng Trung đoàn tham gia chiến dịch khá hùng hậu, không chỉ có bộ binh, mà cả xe tăng, pháo cao xạ. Ông Liễu không quên: “ Ngồi trên xe ô tô, đến cầu Sáng, cầu Bông, thấy cầu đã bị sập nên chúng tôi phải vòng lại, đi qua Đồng Dù, về Hóc Môn, đến Lăng Cha Cả, tiến vào Bộ tổng tham mưu Ngụy. Ngày 29/4, chúng tôi đóng chỉ huy sở ở ngã tư Bảy Hiền. Sáng ngày 30/4, Trung đoàn thông báo cho toàn bộ các đơn vị mở đài Sài gòn để theo dõi tin tức. Thời điểm này, thông tin liên lạc trong đơn vị cũng “thông thoáng” hơn nhiều trên đường hành quân. Qua hệ thống “ 2 oát” từ tiểu đoàn về trung đoàn, thông tin được nói thẳng, chứ không còn dùng mật mã nữa.”
Khoảng 9h sáng ngày 30/4/1975, Tiểu đoàn 1 của ông Liễu nhận được tin Đại đội 10 của Tiểu đoàn 3 đã đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Trưa 30/4, nghe tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, “Toàn bộ chúng tôi lặng trong giây phút. Sau đó, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, vui mừng khôn tả... - Ông Liễu ngậm ngùi - “Sau bao nhiêu gian khổ, hy sinh, chúng tôi đã thỏa ước nguyện ước lớn lao nhất, là nước nhà thống nhất, Tổ quốc được độc lập, để chúng tôi được trở về thăm lại gia đình, gặp mẹ già”. Ngay sau giờ phút thiêng liêng đó, Trung đoàn 28 đã được lệnh tập kết về Bộ Tư lệnh Ngụy và sân bay Tân Sơn Nhất. Ra đến ngã 4 Bảy Hiền, anh em được chứng kiến cảnh hàng vạn lính Ngụy, trong nhiều sắc phục khác nhau, từ quân trường Quang Trung kéo ra, lũ lượt giơ tay ra hàng. Họ lột bỏ giày, đi chân đất, mặc quần áo lót và hô “Hòa bình rồi, không đánh nhau nữa, về nhà thôi...” . “Chúng tôi rất là mừng, nhưng mà trong niềm vui, cũng có những giây phút ngậm ngùi . Nhiều đồng chí đồng đội của chúng tôi đã không tròn mong ước giản dị là được về thăm quê, gặp lại mẹ già... Khi chúng tôi ra đến đường thì nhân dân 2 bên đường đổ ra vẫy cờ , reo hò. Họ tặng cho chúng tôi thuốc lá, bánh kẹo...” - Ông Liễu kể
41 năm đã trôi qua, mỗi dịp kỷ niệm chiến dịch mùa xuân 1975 lịch sử, cựu chiến binh Hà Huy Liễu như được sống lại không khí hòa hùng của những đoàn quân thần tốc, quyết chiến và quyết thắng. Người chiến sĩ Trung đoàn 28 anh hùng càng tự hào, phấn khởi được gặp gỡ, giao lưu,trao đổi với đồng đội, đồng chí cùng chiến hào đánh Mỹ, được sẻ chia với bà con và thế hệ con cháu những kỷ niệm một thời “ máu và hoa” mãi mãi không quên./.
Bài, ảnh: Nghĩa Hà