Thứ 4, Ngày 14/05/2025 -

Hỗ trợ bò cái vàng giống và giúp dân cải tạo đàn bò địa phương
Ngày đăng: 16/12/2011  02:22
Mặc định Cỡ chữ
 

Thực hiện chương trình khuyến nông, năm nay, Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh đã tổ chức hỗ trợ 10 con bò cái giống cho 10 hộ dân ở xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy để giúp người dân phát triển chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời với việc hỗ trợ, Trung tâm còn tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi dưỡng và cách lai với bò đực giống Zê Bu để cải tạo đàn bò địa phương.  

Theo Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh, bò giống được hỗ trợ là bò vàng địa phương. Ưu điểm của bò vàng địa phương là chịu đựng tốt với khí hậu địa phương, sức kháng bệnh cao, tuổi thành thục sớm và mắn đẻ. Tuy nhiên, bò vàng địa phương có nhược điểm là tầm vóc nhỏ, sức cày kéo yếu, tỷ lệ thịt xẻ ít; bò chậm lớn, giá trị kinh tế thấp. Bò nhóm Zê Bu dễ nhận diện bởi thường thường có đầu to, sừng ngắn, u vai cao, yếm rộng, dài, trọng ượng khi trưởng thành 350-500 kg. Vì vậy, bà con cần lai tạo với giữa bò cái vàng địa phương với bò đực giống Zê Bu để cải tạo giống, nâng cao chất lượng và giá trị của đàn bò. Biện pháp để cải tạo là dùng bò đực giống Zê Bu (gồm bò Red Sin, bò Brah Man, bò Sahiwal...) phối giống với bò cái vàng địa phương. Phương pháp lai tạo có hai cách là: dùng bò Zê Bu cho nhảy với bò cái vàng địa phương vàng và thụ tinh nhân tạo (bằng tinh đông viên, tinh cọng rạ) để phối giống nhằm tạo ra bê lai tốt hơn. Tuổi bò đực giống dùng để phối giống từ 15-18 tháng tuổi; bò cái giống từ 24 tháng tuổi trở lên.
 
Để việc chăn nuôi bò có hiệu quả, Trung tâm còn hướng dẫn người dân cách xây dựng chuồng trại để giúp bò nghỉ ngơi và trú ẩn khi thời tiết bất lợi. Chuồng trại chăn nuôi, bà con cần làm nơi cao ráo, thoáng mát, dễ thoát nước. Hướng chuồng nên quay mặt về đông-nam hoặc hướng nam bởi hai hướng này thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Nền chuồng cao hơn mặt đất bên ngoài để tránh nước mưa tràn vào. Mặt nền chuồng nên có độ dốc hợp lý để thoát nước khi dọn vệ sinh. Máng ăn cho bò nên làm bằng gỗ, váng mỏng hay xây gạch, láng bê tông. Máng uống có thể xây bằng gạch, láng bê tông hoặc dùng thùng phi nhựa cắt đôi... Hố chứa phân nên làm sau sân chuống, có diện tích hợp ý để ủ phân bón cho cây trồng. Mái che chuồng lợp bằng ngói, tôn hoặc tranh, tre... Chuồng nuôi cần được dọn vệ sinh hàng ngày để tránh mầm bệnh, gây hại đến sức khỏe cho bò. Khi nuôi bò, bà con cần tắm để giải nhiệt cho bò vào mùa nóng.
 
Thức ăn cho bò cần đầy đủ dinh dưỡng. Ngoài thức ăn xanh (cỏ), bà con cần bổ sung thêm thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp (rơm) và thức ăn tinh (cám gạo, bắp, sắn, bí đỏ, khoai lang). Bê con khi sinh ra cần được cho bú mẹ sớm vì trong sữa đầu có nhiều chất dinh dưỡng và chất kháng thể cần thiết cho bê tăng sức đề kháng.
 
Khi nuôi bò, hàng năm bà con cần cho bò tiêm phòng bệnh định kỳ 2 lần các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm như tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Khi bò có dấu hiệu ốm, bà con cần theo dõi, báo cho cán bộ thú y kịp thời để chữa trị. Nếu trường hợp bò mắc các bệnh nguy hiểm, bà con phải tuân theo các chỉ dẫn của cán bộ thú y, không được tự tiện giết mổ hoặc bán chạy bò bệnh đi nơi khác để tránh lây lan dịch bệnh. Đối với một số bệnh thông thường như bị chướng hơi dạ cỏ, bà con cho bò uống nước muối; hay dùng muối cộng gừng giả nhỏ vắt lấy nước cho uống... Không cho bò ăn các thức ăn ôi, thiu, mốc; uống nước bẩn tránh các nguyên nhân gây bệnh...
 
Bài và ảnh: Văn Nhiên