Thứ 5, Ngày 19/09/2024 -

Gliêu làm kinh tế
Ngày đăng: 19/02/2019  13:11
Mặc định Cỡ chữ
Không cam chịu đói nghèo, chàng trai Xê Đăng - A Gliêu ở làng Ling La, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế nâng cao đời sống gia đình và giúp đỡ nhiều người dân trong làng.

Anh A Gliêu chăm sóc cà phê

Được bố mẹ chia cho 01 con bò giống và 02ha rẫy mì, anh A Gliêu chăm chỉ chăn nuôi, trồng trọt . Từ tiền thu mì 10 – 15 triệu đồng mỗi năm anh để dành hùn vốn với bạn bè cùng mua, bán bò. Sau hơn chục năm làm ăn, năm 2014, với kinh nghiệm có được và một số vốn kha khá, anh bắt đầu tách ra tự mua bán riêng.

Anh A Gliêu – làng Ling La, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà cho biết: Bà con ở đây có nhu cầu bán bò, chủ yếu bán cho người ở ngoài làng. Thấy vậy vài năm trước mình đi học hỏi rồi mua lại bò cho bà con trong làng bằng giá thị trường để mang về nuôi và bán lại kiếm lời. Trung bình mỗi năm bán được hơn chục con bò. Chỉ riêng từ việc bán bò đã đem về thu nhập cho gia đình gần 100 triệu đồng/năm.

 

Để có nguồn vốn đầu tư, anh A Gliêu đã chuyển đổi một phần diện tích mì sang trồng bời lời, lấy ngắn nuôi dài. Năm 2006 anh đầu tư trồng thêm 450 gốc cà phê, mỗi năm thu hơn 50 triệu đồng, tiếp tục đầu tư mua bò để chăn nuôi.

 

Hiện tại, ngoài 10 con bò gia đình anh đang nuôi, anh A Gliêu còn cho 10 hộ gia đình khó khăn trong vùng nuôi 10 con bò giống để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi bò sinh con thì trả bò giống về cho gia đình anh còn bê con thì giữ lại nuôi phát triển kinh tế.

 

 “Một số thanh niên mới tách hộ đa số là nghèo vì mới lập gia đình mà chưa có gì đâu. Mình cho mượn bò mẹ để nuôi, sau khi bò mẹ sinh thì mình để cho họ con bê, lại mang bò mẹ cho gia đình khác mượn, cứ như thế quay vòng. Hiện mình có 10 con bò mẹ cho người dân trong làng nuôi như thế. Thấy bà con trong làng nghèo khó, mình thương lắm nên giúp bà con bằng cách cho mượn bò mẹ nuôi, mong bà con làm ăn kinh tế khấm khá hơn, cuộc sống đỡ vất vả hơn, con cái được học hành” – A Gliêu chia sẻ.

 

Đàn bò của gia đình anh A Gliêu (áo khoác đen)

 

Với nguồn thu từ chăn nuôi bò, cà phê, bời lời, gia đình anh đã tích lũy được số vốn kha khá để sửa sang nhà cửa, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt, cho con cái học hành. Năm 2016, anh tiếp tục đầu tư trồng thêm 1.200 gốc cà phê, đào ao nuôi cá để nâng cao thu nhập.

 

Già A Bet – làng Ling La, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà nhận xét: “A Gliêu làm kinh tế giỏi lắm, nó chăm chỉ, hiền lành. Thanh niên trong làng nhiều người theo nó học hỏi. Tuy giờ kinh tế chưa bằng A Gliêu nhưng nhưng khá hơn rất nhiều so với những năm trước kia rồi. Người dân ở đây chủ yếu là trồng cà phê, bời lời và chăn nuôi gia súc”.

 

Trong mùa mưa tới, anh A Gliêu sẽ trồng cỏ để mở rộng mô hình nuôi bò, xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế điểm của xã để bà con học hỏi, làm theo.

 

Ông Nguyễn Phúc Đoan - Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà cho biết: “Với cách làm của gia đình anh A Gliêu, ngoài việc nâng cao thu nhập cho gia đình, bên cạnh đó còn hỗ trợ cho bà con trong xã phát triển kinh tế. Đây là cách làm xã luôn quan tâm, động viên và nhân rộng, nhằm mục đích để nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời là một cách làm hết sức sáng tạo để hỗ trợ cho cộng đồng phát triển kinh tế, tiến tới xóa đói giảm nghèo”.

 

Nhờ sự năng động và kiên trì, anh A Gliêu đã xây dựng mô hình kinh tế bền vững từ chăn nuôi, kết hợp sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình vừa giúp đỡ các hộ khó khăn có cơ hội vươn lên ổn định cuộc sống./.

 

Bài, ảnh: A Lê Khăm

  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2022)

    579.914 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2022)

    30.848,84 tỷ VNĐ
HAPPY VIETNAM 2024
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?