Năm 2016, Y Lợi, ở làng Kon Rế, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà được tuyên dương khen thưởng tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc và được chọn là cặp vợ chồng người khuyết tật tiểu biểu của tỉnh Kon Tum tham dự chương trình giao lưu “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật” được tổ chức tại Hà Nội trong tháng 10 vừa qua.
Gia đình nhỏ của chị Y Lợi và anh Mai Văn Tước
|
Bị gù lưng vẹo cột sống bẩm sinh, ngay từ nhỏ, Y Lợi luôn thiệt thòi với bạn bè đồng lứa. Sau một năm ở nhà nghỉ học vì hoàn cảnh, Lợi được giới thiệu đi học lớp văn thư lưu trữ ở trường Trung cấp nghề Kon Tum. Năm 2007, Y Lợi được lãnh đạo xã Ngọk Wang quan tâm, tạo điều kiện về địa phương công tác. Năm 2010, Y Lợi tiếp tục theo học lớp bổ túc văn hóa và lớp Trung cấp quản trị Tin học Văn phòng. Sau đó được bố trí về làm công tác Văn phòng Đảng ủy cho đến nay.
Ông A Beng – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà nhận xét: Đồng chí Y Lợi mặc dù bị khuyết tật bẩm sinh nhưng vào công tác tại Đảng ủy xã từ năm 2012 đến nay đều luôn cố gắng hoàn thành tốt xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đạt được, đồng chí đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp khen thưởng.
Không chỉ tích cực tham gia công tác xã hội, Y Lợi còn có một gia đình hạnh phúc với người chồng cũng bị khuyết tật. Cũng như chị, anh Mai Văn Tước đã tự nuôi sống bản thân mình bằng cách theo đoàn Nghệ thuật người khuyết tật tỉnh Ninh Bình đi biểu diễn khắp nơi. Năm 2011, hai vợ chồng gặp nhau, nên duyên chồng vợ, cùng nhau mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ, tạo công ăn việc làm cho anh Tước.
Mặc dù sức khỏe không đảm bảo, được bà con cảm thông trong các hoạt động, nhưng hai vợ chồng đều tích cực tham gia các phong trào phát động ở thôn làng, tùy theo sức của mình.
Ông A Hiệp – làng Kon Rế, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà cho biết: Vợ chồng 2 em Tước Lợi sống với bà con trong làng rất gần gũi, tình cảm, cùng với mọi người hưởng ứng, tham gia nhiệt tình trong các phong trào. Hoạt động nào của làng hai vợ chồng cũng cố gắng tham gia, vận động bà con, rồi tiên phong ủng hộ đóng góp trước.
Đầu năm 2017, từ số tiền 15 triệu đồng được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh trao tặng, vợ chồng Y Lợi mở rộng quy mô cửa hàng tạp hóa, đầu tư mở quán bán bún phở, số tiền còn lại tích cóp mua thêm cho anh Tước chiếc xe máy ba bánh để thuận tiện cho việc đi lại, mua sắm hàng hóa.
Chị Y Lợi, làng Kon Rế, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà tâm sự: “Bản thân mình và chồng đều bị khuyết tật, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, không thể làm việc bình thường như những người khác, nhưng 2 vợ chồng luôn suy nghĩ phải cố gắng làm việc, nỗ lực làm ăn kinh tế, hoàn thành công việc ở xã và gia đình. Cùng với bà con tham gia các hoạt động phong trào, ủng hộ tiền bạc, chứ không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Có được gia đình yên ấm với người chồng luôn giúp vợ mọi việc trong nhà để yên tâm công tác xã hội, chị Y Lợi đang tiếp tục xin lãnh đạo địa phương tạo điều kiện để bản thân theo học lên chương trình đại học để đảm bảo chuẩn hóa trình độ chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ cơ sở.
Ông A Beng – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà nói: Tàn nhưng không phế - tấm gương của vợ chồng Y Lợi và Mai Văn Tước đáng để cho nhiều người học tập. Mặc dù khuyết tật, đi học Đại học xa nhà nhưng đồng chí Y Lợi vẫn quyết tâm xin được đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, chúng tôi rất ủng hộ và tạo điều kiện.
Dù bị khuyết tật, nhưng hai vợ chồng Y Lợi – Mai Văn Tước vẫn không ngừng tự nỗ lực vươn lên trong nhiều năm qua. Trở thành điểm tựa của nhau trong cuộc sống, là tấm gương người khuyết tật “tàn nhưng không phế” của huyện Đăk Hà nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung.
Bài, ảnh: A Lê Khăm