Thứ hai, Ngày 19/05/2025 -

Nghệ nhân A Ươm làm nhà rông
Ngày đăng: 15/03/2019  17:03
Mặc định Cỡ chữ
Nhiều năm đứng trên bục giảng và từng là hiệu trưởng trường tiểu học trước khi nghỉ hưu, ông A Ươm còn được biết đến là nghệ nhân đi đầu giữ gìn nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Ba Na ở làng Kon Hngo Ktu (xã Vinh Quang, TP. Kon Tum). Tận tâm, sáng tạo trong cách làm nhà rông và chế tác sản phẩm lưu niệm của ông là niềm tự hào không chỉ của người dân địa phương.

 

Ông A Ươm làm mô hình nhà rông theo kiến trúc truyền thống
 
Kể từ khi về hưu vào năm 2000 đến nay, ngoài công việc nương rẫy của gia đình và thỉnh thoảng tham gia việc làng việc xã giúp bà con, thầy giáo già A Ươm còn có niềm vui miệt mài với tre nứa, búa, kìm để làm ra những chiếc nhà rông nhỏ để trang trí, làm quà lưu niệm.
Là một trong số giáo viên “cấp tốc” đầu tiên của Kon Tum sau ngày miền Nam giải phóng, ông cũng rất quan tâm đến văn hóa dân gian. Sẵn chút “khiếu” mỹ thuật, nên từ thời trẻ, ông đã thích đan lát và hay mày mò làm những công việc liên quan đến tre nứa; thường để lại những“ sản phẩm” bền đẹp, mang “dấu ấn” riêng, được mọi người ưa chuộng.
 
Quan tâm học hỏi các già làng và chịu khó tìm tòi, A Ươm sớm nắm bắt được cách thức làm nhà sàn, nhà rông. Với đặc thù của lối kiến trúc truyền thống, nhà sàn, nhà rông không có thiết kế bài bản, song người thầy kỹ lưỡng luôn cẩn thận phác thảo hình dáng, tính toán những thông số cơ bản của công trình trước khi bắt tay vào dựng. Để tạo ra những “tác phẩm” đạt tỷ lệ thích hợp, vừa đẹp, vừa bền chắc, tiện dụng trong sinh hoạt; ông tự rút ra kinh nghiệm phải tính đúng kích cỡ giữa chiều dài, chiều rộng nhà rông và chiều cao từ mặt đất đến sàn nhà.
 
Trong vai trò vừa thiết kế, vừa tổ chức thi công nhà rông làng Kon Hngo Ktu, ông A Ươm chia sẻ, đặc biệt là với cấu trúc mái nhà rông mang hình lưỡi rìu, đường mép mặt ngang phía trước phải hơi cong, chứ không được thẳng băng. Như vậy, vừa tạo hình đẹp, vừa có tác dụng cân bằng trọng lực công trình. Theo lối thi công truyền thống thường phải dùng khung phụ để lợp mái, nhưng ông lại có sự sáng taọ riêng bằng cách dùng ròng rọc, đơn giản nhưng vẫn đảm bảo thi công nhanh chóng, an toàn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả mái lợp. Với kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông A Ươm thường được người già các làng đồng bào Ba Na gần xa trong tỉnh tham khảo, trao đổi “ bí quyết” làm nhà sàn, nhà rông.
 
Sản phẩm được hoàn thiện để làm quà lưu niệm
 
Từ kinh nghiệm dựng nhà sàn, nhà rông; nghệ nhân A Ươm đã chuyển sang làm mô hình  nhà rông trưng bày, làm quà lưu niệm. Để có được “ công thức” hoàn chỉnh cho những chiếc “nhà rông mô hình” kiểu này, ông đã mày mò, trải qua không ít thử nghiệm và chuẩn bị chu đáo. Ông tự trồng tre, lồ ô thành hàng rào, bờ lô trong vườn nhà để chủ động nguyên liệu chế tác. Từ từng đoạn gỗ nhỏ làm khung đến những sợi nan làm mái, đường cật làm viền… đều được vót, chuốt cẩn thận. Những chiếc mô hình nhà rông do ông tạo nên với các kích cỡ khác nhau, nhờ đó đều đẹp và bền. Đẹp vì mô hình nhà rông có tỷ lệ thích hợp, được làm tỷ mỷ với hoa văn màu sắc hài hòa, đường nét sắc cạnh. Vừa đẹp vừa bền cũng nhờ một trong những kinh nghiệm quý của  riêng ông là tính toán chiều dài nhà rông bằng đường chéo của hai cột chính nhà rông.
 
Những năm qua, ông A Ươm không nhớ hết mỗi năm đã làm ra bao nhiêu chiếc nhà rông lưu niệm. Ban đầu, những sản phẩm độc đáo này chỉ được ông làm quà tặng cho anh em, bạn bè, bà con; sau, đã trở thành vật lưu niệm ý nghĩa đối với những người khách đến Kon Tum. Để có mặt tại các quầy bán hàng lưu niệm ở thành phố Kon Tum, những chiếc nhà rông độc đáo được tác giả của nó làm theo “đặt hàng”.
 
Ở xã Vinh Quang, nhắc đến thầy giáo già A Ươm, nhiều cán bộ và người dân địa phương còn nhớ mãi câu chuyện  ngày trước ông từng “ gõ cửa từng nhà” để vận động bà con di dời nghĩa địa, lấy đất làm trường học, góp phần tạo nên vóc dáng làng Kon Hngo Ktu khang trang hôm nay. Nói về ông giáo già A Ươm bây giờ, mọi người còn thân thuộc với hình ảnh một nghệ nhân “đầu tàu”, không chỉ ra sức gìn giữ mà còn góp phần lan tỏa nét đẹp nhà rông của người Ba Na.         
 
 Tâm đắc với ý tưởng tập trung chế tác, đưa nhà rông mô hình thành món quà lưu niệm phục vụ khách du lịch, ông mong muốn không những chỉ bảo cho con cháu trong gia đình, mà còn sẵn lòng “dạy nghề” cho các bạn trẻ quan tâm đến công việc này. Theo ông, “thương hiệu” của những sản phẩm du lịch độc đáo mang bản sắc dân tộc thiểu số tại chỗ chỉ thực sự được tạo ra, khi có đủ những người thợ thủ công lành nghề, tâm huyết./.  
 
                                                                                                                 Bài, ảnh: Nghĩa Hà