Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Người đẽo tượng gỗ ở làng Kon Du
Ngày đăng: 26/04/2019  08:40
Mặc định Cỡ chữ
Đến với tượng gỗ dân gian chưa lâu, nhưng nhờ say mê, sáng tạo, lại siêng năng, chịu khó, nên anh A Gông ở làng Kon Du (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) đã nhanh chóng khẳng định “tay nghề” và để lại dấu ấn riêng trong từng tác phẩm của mình. Vinh dự được phong tặng danh hiệu“Nghệ nhân ưu tú”, người tạc tượng của dân tộc Mơ Nâm càng ra sức gìn giữ và truyền dạy lại nét đẹp nghệ thuật điêu khắc dân gian cho thế hệ đi sau.

 

Nghệ nhân ưu tú A Gông, người đẽo tượng gỗ ở làng Kon Du

 

A Gông sinh ra và lớn lên ở làng Kon Du (xã Măng Cành), ngày trước dân làng ở sâu trong núi, nhờ chủ trương định canh định cư của Nhà nước, sau này được chuyển ra an cư ở khu vực gần Tỉnh lộ, giao thông thuận tiện hơn.

 

Hồi A Gông còn nhỏ, trong làng có già A KRăk tạc tượng gỗ dân gian nổi tiếng khắp vùng. Tiếp bước già A KRăk có ông A Phía cũng giỏi cái rìu cái đục không kém.Tuy vậy, ông A Phía sức yếu, hay đau ốm; ngoài 60 tuổi không còn miệt mài được nữa.Ông lo không có người để “nối nghề”, thì may sao, A Gông nhiệt tình học hỏi.

 

Cồng chiêng nang tính “đại chúng”, mọi người đều dễ dàng làm quen và sử dụng. Đẽo tượng gỗ dân gian không chỉ cần chút “ khiếu” cảm nhận nghệ thuật và đôi tay khéo léo, mà quan trọng là chịu khó chịu khổ, dày sức kiên trì, cố gắng trau dồi, rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm…

 

Ý thức rõ con đường không mấy dễ dàng mà mình theo đuổi, A Gông từng bước thử sức từ hình tượng nhỏ, đơn giản; đến những bức tượng lớn và phức tạp hơn. Theo A Gông, tạc tượng gỗ không đơn thuần là người thợ “lành nghề” cầm rìu cầm đục; mà quan trọng nhất ở khâu định hình, phác họa chủ đề trên khối gỗ.Cân đối kích cỡ, sắp đặt hợp lý các bộ phận của cơ thể và đặc biệt là thể hiện “cái hồn” trên gương mặt tượng gỗ… Tất cả những yêu cầu nghệ thuật mang tính đặc thù này đều được A Gông  để ý học hỏi, tìm tòi, tích lũy.

 

Tượng gỗ của A Gông khá đa dạng về đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ; song anh đặc biệt yêu thích và dành sự quan tâm hơn cả đối với tượng về những người phụ nữ; từ cô gái đi xúc cá, cô gái đi rẫy, người mẹ mang gùi đến mẹ cho con bú, người mẹ địu con… Cùng một chủ đề, nhưng mỗi bức tượng gỗ được làm nên không hề rập khuôn, bởi được thể hiện trong từng bối cảnh và cảm xúc rất riêng.

 

Nghệ nhân A Gông quan tâm dạy nghề cho lớp trẻ

 

Dân tộc Xê đăng nhánh Mơ Nâm của A Gông không có phong tục làm tượng nhà mồ, nên tạc tượng gỗ dân gian không phải là thế mạnh trong các loại hình nghệ thuật dân gian. Tuy vậy, tượng gỗ giản dị, gần gũi vẫn được chế tác nhờ bàn tay khéo léo của nghệ nhân để sử dụng trong lễ hội, sinh hoạt cộng đồng. Người làng Kon Du ở nơi có ngọn núi Bun và con suối Tây thường dùng tượng gỗ để trang trí, thể hiện sự trang trọng và mang tính “thiêng” vào những lúc như trước khi gieo mạ, tổ chức lễ ăn lúa mới, lễ mừng chuồng trâu. Trong lễ ăn lúa mới, tượng gỗ được đặt ở nhà rông. Trong lễ mừng chuồng trâu, tượng gỗ được đặt ở hai bên cửa ra vào chuồng mới dựng. Riêng tượng gỗ dùng trong lễ cúng trước khi gieo mạ là loại tượng nhỏ, chừng 60-70cm, có thể cầm trên tay và nhảy múa xung quanh…

 

Không chỉ chăm lo rèn luyện tay nghề, thời gian qua, A Gông đã tận tình bảo ban, chỉ dạy cho lớp trẻ làm quen với tạc tượng gỗ dân gian.Trong đó, em trai A Ia chính là học trò đầu tiên đã từng bước tiếp nối con đường không ít nhọc nhằn mà A Gông  tâm huyết.

 

Hơn 20 năm làm quen với tượng gỗ, những “tác phẩm” của A Gông đã trở nên thân thuộc với không chỉ bà con ở làng Kon Du và xã Măng Cành, huyện Kon Plông. Kể từ lần đầu tiên được góp mặt tại Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch của tỉnh Kon Tum được tổ chức tại huyện Kon Plông vào năm 2014, đến nay, anh đã ba lần tham gia tạc tượng tại các sự kiện văn hóa quy mô cấp tỉnh. A Gông còn giới thiệu nét đẹp tượng gỗ dân gian tại Làng Văn hóa các dân tộc ở Thủ đô Hà Nội./.

 

                                                                                        Bài, ảnh: Nghĩa Hà