Thứ 7, Ngày 27/04/2024 -

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ
Ngày đăng: 21/05/2019  20:31
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 20/5, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 7, khóa XIV. Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum có 06/06 đại biểu, do đồng chí A Pớt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn tham dự kỳ họp.

 

 

 

Buổi chiều cùng ngày, Tổ 14 gồm các đại biểu thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc, Kon Tum, Bến Tre đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã có 04 ý kiến tham gia đối với dự án Luật trên:    

 

Thứ nhất, thống nhất với sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh Luật để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan  đã được Quốc hội phê chuẩn theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV; Nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

 

 Thứ hai, để đảm bảo sửa đổi, ban hành Luật theo lộ trình đã cam kết trong Hiệp định CPTPP và căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 7) theo trình tự, thủ tục rút gọn.

 

Thứ ba, theo dự thảo, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 93b về điều kiện đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải có trình độ đại học hoặc trên đại học hoặc chứng chỉ đào tạo (chỉ có tính chất bồi dưỡng chuyên môn trong một thời gian ngắn) như vậy, đối những trường hợp chỉ có chứng chỉ đào tạo mà không có bằng đại học thì đã bảo đảm sự tương xứng về yêu cầu trình độ chuyên môn tư vấn dịch vụ bảo hiểm chưa? Đề nghị cân nhắc quy định đối với tiêu chuẩn văn bằng, chứng chỉ đào tạo cho phù hợp với yêu cầu chuyên môn của việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

 

Thứ tư, theo dự thảo, quy định:

 

 Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Toà án ấn định, tuỳ thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng (điểm d khoản 1 Điều 205), đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình làm rõ cơ sở để ấn định mức bồi thường này.

 

Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất (điểm a khoản 1 Điều 205), như vậy có mâu thuẫn với việc nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm hại. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh lại quy định này.

 

Tống Quang Vinh

Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum