Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)
Ngày đăng: 23/05/2019  20:53
Mặc định Cỡ chữ
Tiếp theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 22/5/2019, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

 

Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu tại buổi thảo luận

 

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum - Tô Văn Tám phát biểu tham gia 3 ý kiến đối với dự án Luật này:

 

Thứ nhất, ngoài các quyền và nghĩa vụ cơ bản của phạm nhân liên quan trực tiếp đến chế độ chấp hành án như ăn, mặc, ở, thăm gặp, lao động, học tập đã quy định tại khoản 1 Điều 27 dự thảo luật; còn đối với các quyền và nghĩa vụ mang tính nguyên tắc thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho ý kiến đối với 02 phương án đó là PA1: Phạm nhân có quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại Luật này;  PA2: Phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi các luật có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại cơ sở giam giữ phạm nhân.

 

Theo ý kiến của đại biểu thì đề nghị chọn phương án 2 vì: (1) theo quy định của Hiến pháp thì trên cơ sở các quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp thì các luật thực định cụ thể hóa. Do vậy, quyền con người được quy định tại rất nhiều các luật chuyên ngành luật thực định khác nhau; (2) Hiến pháp quy định quyền con người và quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bởi luật. Luật quy định, phạm nhân chỉ bị hạn chế một số quyền, không phải tất cả. Quyền nào bị pháp luật hạn chế thì họ không được hưởng, quyền không bị pháp luật hạn chế thì đương nhiên họ được hưởng; (3) Luật Thi hành án hình sự là một luật thực định chuyên ngành, do vậy nó không thể quy định hết quyền của phạm nhân được.

 

Ngoài các quyền mà phạm nhân được hưởng đã được quy định tại khoản 1 điều 27 và điều khác dự thảo luật, đại biểu đề nghị bổ sung: Phạm nhân được hưởng các quyền khác theo quy định của luật này và các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi các luật liên quan trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại cơ sở giam giữ của phạm nhân.

 

Theo dự thảo luật phạm nhân có 05 nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 Điều 27 và các nghĩa vụ khác được quy định các điều khác trong luật. Do vậy, để tránh hiểu lầm rằng phạm nhân chỉ có 5 nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 đại biểu đề nghị bổ sung thêm một điểm ở khoản 2 này là phạm nhân có nghĩa vụ khác theo quy định của luật này.

 

Thứ hai, đại biểu thống nhất với quy định trại giam có trách nhiệm phối hợp với cá nhân, tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động với các điều kiện và nguyên tắc cụ thể , tuy nhiên để đảm bảo cho việc thực hiện tốt quy định này cũng như phát huy ý nghĩa của nó trong thực tiễn, đại biểu đề nghị bổ sung một số quy định như sau:

 

Việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam là nhằm mục đích cải tạo hay nhằm mục đích lợi nhuận. Theo như bản chất và nguyên tắc của hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự thì lao động phạm nhân nhằm mục đích giáo dục và cải tạo, như vậy mục đích của chúng ta xác định ở đây là giáo dục. Vấn đề đặt ra là có mâu thuẫn với mục đích của sản xuất kinh doanh và lợi nhuận không? Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của cá nhân và tổ chức là lợi nhuận thì liệu nó có mâu thuẫn không? Trường hợp này việc phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động thì chúng ta phải đồng hành cùng mục đích của doanh nghiệp là lợi nhuận. Nếu không có lợi nhuận chắc chắn họ không làm. Nếu như thế lợi nhuận là do kết quả lao động của phạm nhân mang lại thì phải trích một phần vào ngân sách nhà nước nhằm bù đắp phần nào ngân sách nhà nước bỏ ra các chi phí để xử lý hành vi phạm tội của họ để đảm bảo chi phí giam giữ, cải tạo họ. Vì vậy đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm nội dung trích nộp ngân sách vào Điều 34 của dự thảo luật.

 

Lao động của phạm nhân là biện pháp giáo dục được áp dụng bắt buộc cho phạm nhân và cũng là nghĩa vụ của họ. Phạm vi địa điểm lao động được điều luật quy định và cơ quan, người có thẩm quyền quản lý trại giam trên cơ sở luật định đó tổ chức cho phạm nhân lao động mà không phụ thuộc ý trí của họ là đi lao động. Bởi vậy quy định việc đưa phạm nhân lao động ra khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giảm có sự đồng ý của phạm nhân là không cần thiết. Do vậy đề nghị bỏ quy định đồng ý lao động ngoài trại giam tại khoản 4 Điều 33 mà chỉ cần quy định các trường hợp lao động như các điểm a, b, c khoản 4 là đủ.

 

Về đảm bảo an ninh trật tự khi tổ chức lao động ngoài trại giam cần nghiên cứu thêm các vấn đề như thời gian đi lao động bao lâu? Nếu thời gian lao động kéo dài thì việc học tập của phạm nhân sẽ ra sao? Điều kiện đảm bảo an ninh trật tự nơi sản xuất của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mà phạm nhân sẽ đến lao động. Những vấn đề này cần cân nhắc thêm.

 

 Thứ ba, theo dự thảo luật thì chỉ quy định con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam, nhưng không có quy định con dưới 36 tháng tuổi theo cha vào trại giam. Quy định như vậy là chưa đảm bảo bình đẳng giới và đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho trẻ em. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định này theo hướng nếu trường hợp có con dưới 3 tuổi theo bố vào trại giam thì giao cho giám thị công an xử lý.

 

Tống Quang Vinh

Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum