Thứ 7, Ngày 27/04/2024 -

Phát triển các sản phẩm đặc trưng của tỉnh theo Chương trình OCOP còn nhiều khó khăn
Ngày đăng: 28/03/2021  20:07
Mặc định Cỡ chữ
Bắt đầu triển khai thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” từ năm 2018, các cấp, ngành, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chung tay vào cuộc, đến nay sau hơn 2 năm chương trình đã đạt được những kết quả rất khả quan, với 88 sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt từ 03 sao trở lên (trong đó có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao). Tuy nhiên, thực trạng việc phát triển các sản phẩm đặc trưng của tỉnh theo Chương trình OCOP vẫn đang gặp một số khó khăn.

Sản phẩm OCOP được giới thiệu,

bày bán tại 339, Phan Chu Trinh, thành phố Kon Tum

 

Ngày 12/12/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1392/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”(Chương trình OCOP).

 

Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm khai thác các lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên để phát triển đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm nông lâm, thủy sản, dược liệu, sản phẩm phi nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Ngoài ra, tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ Đề án Chương trình OCOP theo hệ thống từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ công chức quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP và lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Đề án Chương trình OCOP. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, tạo ra nhiều công ăn, việc làm, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, tăng thu ngân sách tỉnh.

 

Đề án cũng đặt ra mục tiêu, giai đoạn năm 2018 - 2030, Quy hoạch phát triển 138 sản phẩm theo 06 nhóm/ngành hàng để tập trung đầu tư phát triển gắn với tổ chức sản xuất gồm: 108 sản phẩm nông lâm, thủy sản, dược liệu; 10 sản phẩm phi nông nghiệp đặc trưng như vải may mặc, lưu niệm, nội thất và trang trí và 14 sản phẩm du lịch. Trong đó, tập trung phát triển 85 sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh của các huyện, xã từ các sản phẩm quy hoạch và lựa chọn 10 sản phẩm cấp huyện để tập trung đầu tư đạt tiêu chí là sản phẩm cấp tỉnh và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 - 2 sản phẩm/năm được hỗ trợ thực hiện theo Chương trình OCOP, các sản phẩm tạo ra có thương hiệu, chất lượng hàng hóa cao đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

 

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt được những kết quả rất khả quan, với 88 sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt từ 03 sao trở lên (trong đó có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao).

 

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, đồng hành cùng Chương trình này, trong thời gian qua Sở Công Thương tổ chức nhiều hoạt động để các chủ thể có cơ hội xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, bán sản phẩm thông qua việc tham gia các Hội chợ trong cả nước; ký kết các biên bản ghi nhớ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, giao lưu sản phẩm OCOP giữa Kon Tum và các tỉnh thành trong cả nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các sản phẩm; khai trương 2 điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP. Các chủ thể đã tích cực, chủ động phát huy thế mạnh của mình phát triển sản xuất, hình thành được các sản phẩm có chất lượng cao, phong phú, đa dạng giới thiệu tới người tiêu dùng trong cả nước, hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra ngoài nước.  

 

Các sản phẩm OCOP tham gia phân hạng vào giữa tháng 12 năm 2020

 

Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm đặc trưng của tỉnh theo Chương trình OCOP đang gặp một số khó khăn như: Hầu hết các sản phẩm đang được sản xuất với quy mô nhỏ, chủ yếu là sản phẩm sơ chế; quy trình sản xuất đơn giản, chưa quan tâm đến mẫu mã bao bì sản phẩm; sản xuất, chế biến chưa được chứng nhận về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm…dẫn đến giá trị sản xuất còn thấp, thiếu ổn định và bền vững.

 

Nguyên nhân chủ yếu là do đa số các chủ thể thiếu vốn để đầu tư phát triển sản phẩm, trình độ, kinh nghiệm quản lý, phát triển sản phẩm còn hạn chế, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện đảm bảo về quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định.....Do đó, để phát triển các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn tỉnh rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, kỹ thuật.

 

Hiện nay, về hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh chủ yếu được sử dụng từ nguồn ngân sách Trung ương phân bổ hàng năm để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, với nguồn kinh phí rất hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; về cơ chế thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30/01/2019 của Bộ tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017, trong đó chỉ hỗ trợ được một số nội dung: Chi hỗ trợ truyền thông, thông tin tuyên truyền; dữ liệu sản phẩm, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm đạt sao OCOP; xây dựng tài liệu hướng dẫn, tập huấn, quảng bá phục vụ Chương trình OCOP; Chi kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP; Chi tập huấn, đào tạo cán bộ thực hiện Chương trình OCOP; Chi hỗ trợ quản lý nhãn hiệu các sản phẩm OCOP; Chi tập huấn, đào tạo tổ chức, cá nhân tham gia chu trình OCOP các cấp; Chi tổ chức thi và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp hàng năm.

 

Trong khi đó, để hỗ trợ phát triển sản phẩm rất cần có chế hỗ trợ thêm các nội dung như: Hỗ trợ các hoạt động phát triển nguồn nguyên liệu, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến; hỗ trợ in bao bì sản phẩm; đặc biệt là hỗ trợ tư vấn phát triển sản phẩm và hỗ trợ thưởng (mang tính chất khuyến khích, phát động phong trào) đối với sản phẩm đạt sao...Về nguồn vốn, ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ hàng năm, địa phương cũng cần có cơ chế bố trí ngân sách để thực hiện Chương trình; qua tham khảo các địa phương trên địa bàn toàn quốc, đã có rất nhiều địa phương ban hành cơ chế hỗ trợ từ ngân sách địa phương để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn như: Gia Lai, Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định...

 

Nhận thấy khó khăn đó, ông Trần Văn Chương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin đã đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, dự kiến một số nội dung sẽ được hỗ trợ như: Hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP về máy móc, thiết bị sản xuất; xây dựng trụ sở, nhà xưởng sản xuất; thiết kế, in, mua nhãn hàng hóa bao bì; ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm OCOP; quản lý truy xuất nguồn gốc, xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong nước; phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới; xây dựng/nâng cấp điểm bán hàng OCOP; xúc tiến thương mại, quảng bá, mở rộng thị trường. Ngoài ra, chi thưởng cho cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP đạt từ 4 sao trở lên; hỗ trợ tập huấn, đào tạo, tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, thuê tư vấn; đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp...

 

Dương Nương