Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm
Ngày đăng: 13/05/2021  21:31
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 12/5/2021, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1491/UBND-NC yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, về công tác tuyên truyền: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tệ nạn mại dâm gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư và không định kiến với người bán dâm, tạo điều kiện để hòa nhập cộng đồng, hạn chế thấp nhất việc tái phạm.

 

Tăng cường thời lượng, thời điểm, tin, bài và đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông với nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng phục vụ công tác tuyên truyền phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đảm bảo hiệu quả; tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống ma túy, nhất là việc phòng ngừa ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới; tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, các nhóm có nguy cơ cao và vùng đồng bào dân tộc thiếu số, vùng sâu, vùng xa.

 

Biên soạn và cấp phát tài liệu tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho các cơ sở y tế và tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, buổi nói chuyện trực tiếp để người dân biết, thực hiện; lồng ghép việc tuyên truyền qua các hoạt động bưu chính tại các địa bàn vùng sâu, vùng xã và khu vực biên giới...

 

Về công tác phòng, chống HIV/AIDS: Đa dạng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm có nguy cơ cao. Bảo đảm tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế trên 95%; tiếp tục tăng số lượng bệnh nhân HIV/AIDS điều trị bằng thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm y tế.

 

Tổ chức triển khai các hoạt động nhân Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS (ngày 01/12/2021). Tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS ở các sở, ban ngành, đoàn thể và địa phương.

 

Về công tác phòng, chống ma túy: Tiếp tục triển khai, thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020; lồng ghép việc triển khai thực hiện Chương trình với các Chương trình mục tiêu quốc gia và các đề án, dự án liên quan trên địa bàn nhằm bảo đảm tính khả thi, nâng cao hiệu quả và phát huy tối đa các nguồn lực trong quá trình thực hiện. Chú trọng công tác dự phòng nghiện ma túy và can thiệp phòng ngừa cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

 

Tăng cường công tác phối hợp nhằm nắm chắc tình hình, triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt là các tuyến biên giới giáp Lào và Campuchia. Tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới. Đấu tranh, triệt phá các đường dây ma túy lớn, các cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp, các điểm, tụ điểm mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện trong xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh, không để các đối tượng tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp trên địa bàn tỉnh.

 

Rà soát, thống kê, theo dõi, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy; lập danh sách và có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các đối tượng nghiện ma túy nặng, có dấu hiệu rối loạn tâm thần, “ngáo đá”... để phòng ngừa các hành vi gây nguy hại cho xã hội; tăng cường công tác quản lý hoạt động của các khách sạn, nhà nghỉ, quán bar, karaoke... không để các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

 

Nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho các đối tượng cai nghiện hoà nhập cộng đồng, ngăn chặn tình trạng tái nghiện; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy, cải thiện cơ sở vật chất, phấn đấu đạt chỉ tiêu số người nghiện được tiếp cận và áp dụng các hình thức cai nghiện cao hơn so với năm 2020.

 

Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; triển khai thí điểm Đề án cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày. Rà soát nhu cầu, lập kế hoạch mua thuốc Methadone đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, cấp kinh phí để mua thuốc từ tháng 01/2022 để cung cấp cho các cơ sở điều trị, cấp phát thuốc Methadone cho các bệnh nhân trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc điều trị liên tục, không xảy ra tình trạng thiếu thuốc Methadone. Tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác trong phòng, chống ma túy với các đơn vị chức năng các tỉnh giáp biên giới của Lào và Campuchia; trong đó, tập trung vào công tác tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy ở khu vực biên giới và đấu tranh ngăn chặn các hoạt động phạm tội về ma tuý. Phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan để lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng, chống ma túy trong các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch và gia đình.

 

Về công tác phòng, chống mại dâm: Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020; đánh giá và nhân rộng các mô hình tốt về can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội của người bán dâm tại cộng đồng, tại các Trung tâm hỗ trợ xã hội. Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, cộng tác viên cộng đồng trong việc triển khai các mô hình điểm về phòng ngừa, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người bán dâm.

 

Tổ chức kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác liên ngành phòng, chống mại dâm và Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp; thí điểm tổ chức các hoạt động, các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội, các chương trình can thiệp, giảm hại, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS đối với người bán dâm phù hợp với tình hình thực tiễn.

 

Tăng cường công tác quản lý và tổ chức thanh tra, kiểm tra về lao động, hợp đồng lao động, khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm; xây dựng biện pháp quản lý, giám sát và kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội.

 

Nguyễn Hiệp