Thứ 5, Ngày 21/11/2024 -

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ "Ét đông" của nhóm Giơ Lâng (Ba Na), huyện Kon Rẫy
Ngày đăng: 11/06/2021  23:40
Mặc định Cỡ chữ
Theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lễ "Ét đông" của nhóm Giơ Lâng (Ba Na), huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia kể từ ngày 27/5/2021.

 

Lễ "Ét đông" ra đời, tồn tại và phát triển gắn liền với hoạt động sản xuất nương rẫy cùng với tín ngưỡng văn hóa truyền thống của cộng đồng làng; được tổ chức hàng năm vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 dương lịch, khi cây lúa bắt đầu trổ đòng, ngậm hạt.

 

Già làng đặt ché rượu và con dúi lễ tại vị trí trung tâm nhà Rông (ảnh: http://svhttdl.kontum.gov.vn/)

 

Đây là nghi lễ đặc biệt quan trọng, thể hiện sự tôn thờ của cả cộng đồng đối với các vị thần tự nhiên đặc biệt là với Yang Sơri, Yang Đăk, Yang Kong hay Yang Kră, Yang Kơđrang, được Nhân dân trân trọng và giữ gìn, phát huy giá trị qua nhiều thế hệ. Đặc biệt là chỉ sau khi ăn lễ "Ét đông", người Giơ Lâng mới được phép triển khai những việc lớn của gia đình, như: Làm nhà mới, sửa nhà cũ, cưới hỏi, mua trâu, bò...

 

Ngày thứ 2, các gia đình mang lễ vật lên nhà Rông, thực hiện các nghi thức cúng Yang tại nhà Rông truyền thống của làng (ảnh: http://svhttdl.kontum.gov.vn/)

 

Lễ "Ét đông" diễn ra trong 4 ngày, cụ thể: Ngày đầu tiên, ngày dựng “Găng ga” (cổng kiêng) nơi đường lên rẫy, dựng câu nêu đầu hồi nhà Rông và thực hiện nghi thức cúng trên rẫy của từng gia đình; Ngày thứ hai, cúng cơm giống lúa thừa tại gia đình và mang lễ vật lên nhà Rông, thực hiện các nghi thức cúng Yang tại nhà Rông truyền thống của làng; Ngày thứ ba, là ngày ăn con Dúi cũng là ngày đưa ông, bà Tổ tiên vtrời; Ngày thứ tư, là ngày mọi người lên nhà Rông kiểm tra số ợng hạt gạo đặt dưới ghè rượu có còn nguyên vẹn hay không để đoán định tương lai.

 

Hiện nay trên địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum có 06 làng còn duy trì lễ “Ét Đông” (Làng Kon Brăp ju - xã Tân Lập; Làng Kon Go 1, làng Kon Go 2, làng Kon Tuk, làng Kon Gộp - xã Đăk Pne; Làng Kon Cheo leo - thị trấn Đăk R’ve). Những làng này, việc bảo lưu chế độ già làng cha truyền con nối cũng tương đồng với việc duy trì tổ chức lễ “Ét Đông”; Lễ vẫn còn mang đậm những nét văn hóa truyền thống và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 

Về các giá trị văn hóa được bảo tồn trong lễ “Ét Đông”, đây là nghi lễ mang tính cộng đồng cao, tạo nên một giá trị nhân văn sâu sắc, sự phân công lao động thể hiện sự công bằng nhưng cũng mang tính đoàn kết cao; Ẩm thực truyền thống được duy trì và kế thừa, với những món ăn cũng thể hiện lòng thành của dân làng với tổ tiên với thần linh trên trời, tạo sự gắn kết, gần gũi mà không mất đi những bản sắc văn hóa truyền thống vốn có từ ngàn đời nay của dân tộc mình.

 

Đặc biệt trong lễ “Ét Đông”, người ta không thịt vật nuôi trong gia đình, hầu hết các thực phẩm đều được lấy từ trong tự nhiên (như: rau rừng, cá suối, thịt rừng…). Lễ là nơi nghệ thuật trình diễn dân gian được thực hành nhiều nhất, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng, là nơi thể hiện các bài dân ca truyền thống; đồng thời, là nơi bảo tồn văn hóa thổ cẩm truyền thống, thông qua những bộ trang phục thổ cầm truyền thống, là lời nhắn gửi về ý thức giữ gìn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Ba Na (nhóm Giơ Lâng) tỉnh Kon Tum với thế hệ sau./.

 

Thái Ninh