Thứ 7, Ngày 27/04/2024 -

Nhìn lại những mô hình hay, cách làm tốt trong phòng, chống dịch COVID-19 góp phần không nhỏ khống chế được dịch bệnh ở tâm dịch
Ngày đăng: 17/10/2021  15:10
Mặc định Cỡ chữ
Đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương; các ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt hơn nhiều so với dự báo. Dịch bệnh đã tác động hết sức nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt kinh tế xã hội của đất nước; đặc biệt làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế, tâm lý của nhân dân, nhất là người lao động, cộng đồng doanh nghiệp. Dịch bệnh tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Đợt dịch lần này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trên một số lĩnh vực. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42%, quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các địa phương trọng điểm kinh tế. Dự kiến 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tình hình tài chính - ngân sách gặp khó khăn, phải huy động các quỹ dự trữ để chi phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội.

 

Người dân chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, mất mát về người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần. Thu nhập, việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là đối với người lao động tại các khu công nghiệp, người dân sống phụ thuộc các nghề dịch vụ. Tỷ lệ thất nghiệp riêng trong quý III/2021 là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I/2020 đến nay.

 

Với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã hết sức cố gắng triển khai nhiều chủ trương, biện pháp với tinh thần trách nhiệm rất cao, rất quyết liệt, chỉ đạo kịp thời cùng với sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành nên đã từng bước khống chế được dịch bệnh ở tâm dịch là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, không để dịch bệnh lan rộng ra toàn quốc. Có thể khẳng định, không làm tốt thì không thể có kết quả như thời gian vừa qua.

Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 vẫn có những kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát (bình quân 9 tháng tăng 1,82%, dưới mức Quốc hội giao), các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. An sinh xã hội, đời sống của người dân được đặc biệt quan tâm; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện khó khăn, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả.

 

So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam là nước dân số đông, mật độ dân cư cao, thiếu vắc xin, nên phòng, chống dịch hết sức khó khăn. Những kết quả quan trọng này rất đáng trân trọng, góp phần tạo động lực, niềm tin, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất của mọi tầng lớp trong xã hội, tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

 

Có được kết quả như vậy, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết, thống nhất của mọi tầng lớp trong xã hội, thì những mô hình hay, cách làm tốt trong công tác phòng chống COVID-19 ở nước ta thời gian vừa qua góp phần không nhỏ vào thành quả bước đầu trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Những mô hình hay, cách làm tốt này đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch đánh giá, đó là:

 

1. Tổ COVID-19 cộng đồng: Tổ COVID-19 cộng đồng là một trong những chìa khóa hữu hiệu, phát huy sâu rộng sức mạnh toàn dân, là cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch. Mô hình tổ COVID cộng đồng bắt đầu được áp dụng đầu tiên tại ổ dịch Sơn Lôi, Vĩnh Phúc sau đó được Bộ Y tế hướng dẫn triển khai tại các địa phương có dịch khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương...

 

Các Tổ COVID-19 cộng đồng hoạt động trên tinh thần tình nguyện với nòng cốt là các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tại cộng đồng, người tình nguyện tại khu dân cư dưới sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương, công an cơ sở và sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành Y tế. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 40-50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ. Nhiệm vụ của tổ là hằng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà để: Thực hiện truyền thông, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh. Tổ còn có nhiệm vụ hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã, phường những trường hợp nghi mắc COVID-19 phát hiện được tại các hộ gia đình; phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế, không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; truy vết những người có tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 và thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã, phường phân công.

 

Mô hình trạm y tế lưu động: Các trạm y tế lưu động được thiết lập nhằm giúp người dân trong vùng dịch tiếp cận với các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, từ xa, từ cơ sở để phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng, để có biện pháp chuyển lên tuyến trên kịp thời, hạn chế tối đa tử vong; đồng thời triển khai xét nghiệm nhanh COVID-19 tại cộng đồng, tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, truyền thông đến từng người dân về COVID-19. Các trạm y tế lưu động này cũng chịu trách nhiệm khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác để bảo đảm người dân trong vùng dịch vẫn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản kịp thời. Mô hình này đã được thiết lập và đáp ứng hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương.

 

TP. Hồ Chí Minh đã thành lập 536 trạm y tế lưu động để thực hiện chăm sóc và quản lý F0 tại nhà. Nhờ sự can thiệp từ sớm và quản lý tốt việc chăm sóc và hỗ trợ F0 tại nhà, người bệnh được hỗ trợ ô xy và chuyển viện kịp thời, tỷ lệ chuyển nặng giảm và kết quả góp phần giảm tử vong; số F0 được theo dõi, điều trị, cách ly tại nhà liên tục giảm dần.

 

Xét nghiệm diện rộng, nhiều vòng ở các địa bàn nguy cơ cao, rất cao: Xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm nhiều vòng ở các địa bàn nguy cơ cao, rất cao giúp nhanh chóng phát hiện, bóc tách các trường hợp mắc, hạn chế lây lan và đã giúp người mắc tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đồng thời đánh giá được mức độ nguy cơ của từng địa bàn để thu hẹp phạm vi và rút ngắn thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Việc tổ chức xét nghiệm diện rộng hiệu quả gắn liền với huy động lực lượng hỗ trợ, sự điều phối, tổ chức thực hiện trên địa bàn, kết hợp giữa các phương pháp xét nghiệm và sự chủ động tham gia của người dân.

 

Phân tầng điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng”:  Mô hình điều trị “tháp 3 tầng” trong điều trị COVID-19 là mô hình được triển khai trong bối cảnh các cơ sở điều trị, các bệnh viện dã chiến không đủ khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Tầng 1 là điều trị các trường hợp triệu chứng nhẹ và không triệu chứng. Tầng 2 là các bệnh viện dã chiến, bệnh viện chuyển đổi công năng chuyên thu dung các trường hợp có triệu chứng trung bình, có bệnh nền, có yếu tố nguy cơ cao. Tầng 3 là điều trị các trường hợp nặng và nguy kịch. Mô hình này đã được triển khai thí điểm tại Bắc Giang và triển khai hết sức hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…

 

Quản lý điều trị tại nhà cho người nhiễm (F0): Bộ Y tế phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng, được cung cấp thuốc và chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần với 3 hoạt động chính: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng; cung cấp thuốc (gói A,B,C), đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch COVID-19; cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan. Việc kết hợp triển khai Gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 đồng bộ với các biện pháp điều trị khác đã góp phần giảm rõ rệt tỷ lệ tử vong của Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Hỗ trợ tư vấn từ xa: Việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người nhiễm, người nghi nhiễm thông qua tư vấn từ xa (điện thoại đường dây nóng, phần mềm giải đáp thông tin…) đã giúp đối tượng cần hỗ trợ được tiếp cận với các thông tin chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ điều trị, chuyển tuyến, tiếp cận với dịch vụ y tế sớm, kịp thời, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Qua đó, làm bệnh giảm diễn biến nặng và góp phần giảm các trường hợp tử vong.

 

Mô hình sản xuất “3 tại chỗ” trong phòng, chống dịch: Việc triển khai “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn, nghỉ tại chỗ) nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa bảo đảm phòng, chống dịch. Mô hình “3 tại chỗ” lần đầu tiên được áp dụng và triển khai có hiệu quả thiết thực tại Bắc Ninh, Bắc Giang và hiện đang được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam khi dịch bùng phát mạnh. Thực tiễn cho thấy, đây là phương án tốt để các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất ở mức tối thiểu, không bị đứt gãy vì dịch bệnh.

 

Bên cạnh đó, trong đợt dịch thứ 4, có nhiều sáng kiến được các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, triển khai hiệu quả, có thể kể đến như các sáng kiến trong hướng dẫn người dân tự lấy mẫu tại Bắc Giang (sau này đã được triển khai mạnh mẽ tại Thành phố Hồ Chí Minh), cải tiến công tác lấy mẫu (buồng lấy mẫu có thiết bị làm mát, găng tay cố định), trang phục, phương tiện phòng hộ cá nhân; bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động, người dân trong các khu phong tỏa qua các mô hình như: “Gian hàng 0 đồng”, chương trình “Đi chợ giúp dân”, “Chuyến xe nghĩa tình”, đội hình “Người vận chuyển”, ATM gạo, ATM oxy, xe cứu thương miễn phí, quán cơm thiện nguyện…Trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm COVID-19.

 

Huy động tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống dịch, bao gồm tình nguyện viên từ các tổ chức tôn giáo, thanh niên…; huy động F0 đã khỏi bệnh tham gia hỗ trợ, chăm sóc người bệnh.

 

Lực lượng quân đội (Quân khu 7) đã triển khai mô hình “dân quân tự vệ phụ trách hộ gia đình” phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu giúp người dân yên tâm thực hiện giãn cách. Ký kết kế hoạch giúp Nhân dân vận chuyển và tiêu thụ nông sản, thủy sản…góp phần chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, phục vụ dân sinh.

 

Lực lượng Công an đã triển khai rà soát, phân nhóm các hộ gia đình trên từng địa bàn theo từng diện hoàn cảnh (không theo tiêu chí hộ nghèo) gồm: Nhóm đủ điều kiện sống, nhóm đứt bữa do không có công ăn việc làm; Nhóm lang thang, cơ nhỡ. Trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền chính sách an sinh phù hợp, có hướng tiếp cận hỗ trợ hiệu quả và trực tiếp tham gia hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

 

Nhiều chương trình truyền thông sáng tạo, nội dung đa dạng, sâu sắc đạt được hiệu quả cao như chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” tại TP. Hồ Chí Minh77; bộ phim “Ranh giới” của Đài Truyền hình Việt Nam…

 

Từ thực tế công tác phòng, chống dịch, một số kinh nghiệm bước đầu được đúc kết như sau:

 

Thứ nhất, Lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt và nhất quán từ Trung ương đến địa phương; huy động cả hệ thống chính trị và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động các nguồn lực trong, ngoài nước, nguồn lực của nhân dân và doanh nghiệp tham gia công tác phòng, chống dịch; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; coi trọng dân, chăm lo cho dân, vận động nhân dân; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.

 

Thứ hai, Sự vào cuộc đồng bộ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở trong đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự xã hội; đảm bảo lưu thông hàng hóa, đảm bảo lương thực, thực phẩm để người dân an tâm trong việc tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội và phòng, chống dịch; sự vào cuộc chủ động, tích cực của các lực lượng tuyến đầu nhất là lực lượng nòng cốt như y tế, quân đội, công an… Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng. Thực hiện phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động sáng tạo trong tổ chức thực hiện ở các cấp, nhất là cấp cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát đi đôi với hướng dẫn tổ chức thực hiện. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.

 

Thứ ba, Huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thực hiện tốt hoạt động truyền thông, nhất là phát huy vai trò của mạng lưới truyền thông tại xã, phường, thị trấn. Chủ động, tăng cường hợp tác, ngoại giao y tế với các quốc gia, tổ chức quốc tế, nhất là với ngoại giao vắc xin; tranh thủ các nguồn lực, kinh nghiệm trong phòng, chống dịch; tích cực hợp tác, tham gia các chương trình quốc tế về phòng, chống dịch.

 

Thứ tư, Cần bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án chống dịch từ sớm, toàn diện, đồng bộ ở mức cao nhất có thể (kể cả kịch bản cho tình huống xấu hơn) để tránh bị động, bất ngờ trước mọi diễn biến dịch bệnh. Chủ trương, mục tiêu, biện pháp phải dựa trên diễn biến dịch, năng lực hiện có và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

 

Thứ năm, Huy động tổng lực ngành y tế; thiết lập hệ thống chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, đặc biệt là tại các địa bàn thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Phải chủ động vắc xin, thuốc điều trị.

 

Thứ sáu, Huy động lực lượng quân đội, công an chủ động và tham gia vào công tác phòng, chống dịch ngay từ đầu, nhất là trong việc bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn trật tự xã hội, tổ chức cách ly nghiêm ngặt, truy vết triệt để người tiếp xúc gần, người nhiễm bệnh.

 

Thứ bảy, Thực hiện chiến lược linh hoạt, hiệu quả trong việc xét nghiệm, điều trị, cách ly tùy diễn biến dịch bệnh và điều kiện triển khai thực tế trên địa bàn. Chủ động các phương án, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành ngay các cơ sở điều trị khi số mắc tăng cao; điều trị sớm để giảm bệnh tăng nặng và giảm tử vong. Triển khai các hình thức cách ly phù hợp, bảo đảm tuân thủ cách ly nghiêm ngặt.

 

Thứ tám, Bảo đảm công tác an sinh xã hội đối với người dân trong vùng dịch, nhất là ở khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa để người dân yên tâm, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch. Đồng thời, nâng cao các điều kiện về ăn ở, động viên tinh thần đội ngũ lực lượng tuyến đầu chống dịch yên tâm công tác.

 

Thứ chín, Chủ động các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh trong công nhân, an ninh thông tin, an ninh mạng; phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, không để các loại tội phạm lợi dụng hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

 

Thứ mười, Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội. Truyền thông phải chủ động, đi trước một bước, định hướng dư luận. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan truyền thông và các cơ quan chức năng. Các biện pháp trước khi đưa ra cần được chuẩn bị về truyền thông. Bám sát chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời, khách quan để người dân biết, tự giác tham gia, kiểm tra, giám sát trong công tác phòng, chống dịch và tin tưởng vào sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, không để các phần tử xấu gây kích động, chia rẽ nội bộ./.

 

                                                                                                    Văn Minh