Thứ sáu, Ngày 27/12/2024 -

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Rẫy
Ngày đăng: 19/04/2022  21:00
Mặc định Cỡ chữ
Tiếp tục chuyến công tác tại huyện Kon Rẫy, chiều ngày 19/4, đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn công tác đã có buổi làm việc với tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Rẫy về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn huyện.
Quang cảnh buổi làm việc

 

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Rẫy.

 

Theo báo cáo, trong năm 2021, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt 1.542,8 tỷ đồng, đạt 100,6% kế hoạch, tăng 10,4% so với năm 2020; thu nhập bình quân đầu người 32,1 triệu đồng/người/năm đạt 100,3% Kế hoạch, tăng 8,45% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách địa phương đạt 274,321 tỷ đồng, đạt 120,6% kế hoạch; tổng chi ngân sách đạt 274,321 tỷ đồng đạt 100% nhiệm vụ chi. Quý I/2022 thu ngân sách nhà nước đạt 10.299 triệu đồng, đạt 16,5% dự toán; chi ngân sách địa phương 51.678 triệu đồng, đạt 20,8% dự toán.

 

Tổng diện tích gieo trồng năm 2021 là 12.566,5 đạt 100,9% kế hoạch, tăng 641,4 ha so với cùng kỳ.Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân trong quý I/2022, đạt 522,8 ha/522 ha, đạt 100% kế hoạch.

 

Huyện ủy đã lãnh đạo thực hiện tốt chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” với diện tích 252ha. Đồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây mắc ca, đến nay, trên địa bàn huyện đã trồng được 359,3 ha cây ăn quả, đạt 119,7% Kế hoạch. Diện tích cây mắc ca trồng mới 200 ha; đối với cây dược liệu, trong năm huyện không trồng mới, chỉ bảo tồn diện tích cây với tổng diện tích 57ha.

 

Công tác trồng rừng được chỉ đạo triển khai quyết liệt, đạt được hiệu quả cao. Đã chỉ đạo tiến hành rà soát quỹ đất, đo đạc, lập bản đồ cụ thể phục vụ cho công tác trồng rừng; đã trồng 499 ha rừng, đạt 166,3%. Rà soát diện tích rừng để khoanh nuôi bảo vệ tái sinh rừng với tổng diện tích 1.348,09 ha đạt 112,3%.

 

Tiềm năng, thế mạnh về thủy điện được khai thác và phát huy hiệu quả; đã có 06 công trình thủy điện vừa và nhỏ hoàn thành, đưa vào khai thác với tổng công suất 37,6 MW, đóng góp vào thu ngân sách huyện khoảng 10,5 tỷ đồng. Công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng được chỉ đạo thường xuyên, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trật tự xây dựng và vi phạm hành lang an toàn đường bộ.

 

Đến nay, toàn huyện có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong năm 2021, đạt chuẩn tăng thêm 04 tiêu chí, đạt 100% kế hoạch; tổng số tiêu chí đã đạt toàn huyện là 105/114 tiêu chí, đạt 92,11%, bình quân đạt 17,5 tiêu chí/xã; có 01 thôn được UBND huyện công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021.

 

Công tác giáo dục - đào tạo luôn được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và của toàn xã hội. Công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo triển khai, tỷ lệ hộ nghèo vượt chỉ tiêu đề ra, giảm từ 20,95% vào cuối năm 2020 xuống còn 11,83% vào cuối năm 2021, đạt 138% Nghị quyết; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định.

 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc

 

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong thời gian qua; thời gian tới huyện cần triển khai thí điểm quản lý trồng rừng và bảo vệ rừng tạo ra sinh kế cho người dân trên địa bàn đặc biệt là người dân tộc thiểu số; hy vọng thời gian tới huyện sẽ bao phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng.

 

Chú trọng việc phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện.

 

Đồng chí nhấn mạnh, huyện cần chủ động rà soát, phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nhằm phát triển rừng bền vững gắn với đảm bảo sinh kế của người dân sống gần rừng.

 

Tăng cường công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, khai thác quỹ đất để đầu tư cơ sở hạ tầng; công tác đào tạo nghề phải gắn với việc làm và thu nhập, gắn việc triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”./.

 

Lê Hằng