Thứ 4, Ngày 24/04/2024 -

Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 20/07/2022  15:36
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 20/7/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2312/KH-UBND về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đó, mục đích của Kế hoạch là phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hình thành, phát triển nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, có trình độ kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

 

Phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả, chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo; bám sát nhu cầu thị trường lao động gắn kết với việc làm, an sinh xã hội và phát triển bền vững; phát huy tối đa năng lực người học, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

 

Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hổi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 44%.

 

Đến năm 2030: Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52% trở lên.

 

Tầm nhìn đến năm 2045: Giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của tỉnh; có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

 

8 nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra để triển khai Kế hoạch gồm: (1) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; (2) Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; (3) Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp; (4) Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; (5) Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; (6) Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho giáo dục nghề nghiệp; (7) Truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của giáo dục nghề nghiệp; (8) Chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.

 

UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp thực hiện Kế hoạch này.

 

Trần Huệ