Thứ 5, Ngày 12/12/2024 -

Hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp phát triển
Ngày đăng: 15/09/2022  10:32
Mặc định Cỡ chữ
Thời gian qua, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành và địa phương, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được nhiều hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã đã liên kết chặt chẽ với các thành viên, hộ gia đình để có nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất ổn định, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi ích cho người dân và các hợp tác xã.

Đồng chí Lê Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của các

HTX nông nghiệp huyện Ngọc Hồi

 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 157 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng 31 hợp tác xã so với năm 2021 (trong đó, có 29 hợp tác xã trồng và chế biến cây gia vị, dược liệu) với tổng số 2.109 thành viên (bình quân 13,5 thành viên/hợp tác xã) và 600 lao động thường xuyên. Thu nhập bình quân 45 triệu đồng/người/năm. Doanh thu bình quân 1,1 tỷ đồng/hợp tác xã/năm. Lợi nhuận bình quân 235 triệu đồng/hợp tác xã/năm.

 

Để hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, từ nay 2015 đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, cụ thể: Từ năm 2015 đến 2021, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã cho 895 lượt người; Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho 19 hợp tác xã với kinh phí 5 tỷ 680 triệu đồng (xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi); Hỗ trợ mua máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến cho 24 hợp tác xã, tổ hợp tác với tổng kinh phí 6,943 tỷ đồng; Hỗ trợ 43 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với kinh phí trên 23 tỷ đồng.

 

Trong năm 2022, lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí để các địa phương thực hiện; trong đó, ưu tiên hỗ trợ cho các hợp tác xã triển khai thực hiện. Cụ thể, hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã 1,1 tỷ đồng; Hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị 29,273 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, các chính sách theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2012 được UBND tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, thông qua các chính sách đã góp phần nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ quản lý hợp tác xã, hỗ trợ khuyến khích các hợp tác xã đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc, tiếp cận ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đã hình thành nhiều hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; các chính sách như hỗ trợ cơ sở hạ tầng, tiến thương mại.. đã giúp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuấtcủa các hợp tác xã được nâng cấp và hoàn thiện, các hợp tác xã tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực tiêu thụ sản phẩm.

 

Có thể thấy, từ hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương, trên địa bàn tỉnh ngày càng hình thành thêm nhiều hợp tác xã kiểu mới, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm khép kín, từ sự liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã với các thành viên, hộ gia đình để có sản phẩm đầu vào ổn định đến chế biến và liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu các sản phẩm của hợp tác xã.

 

Cùng với đó, các hợp tác xã đã từng bước khắc phục những hạn chế, đổi mới công tác quản lý và điều hành. Đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã ngày càng được nâng cao về trình độ và định hướng hoạt động, tổ chức thêm ngành nghề, dịch vụ mới, chủ động hơn trong cơ chế thị trường nên hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng tăng. Nhiều hợp tác xã đã làm được các khâu dịch vụ thiết yếu, kết nối được với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và thu mua sản phẩm đầu cho thành viên ra.

 

Để các hợp tác xã nông nghiệp phát triển hiệu quả hơn nữa, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển hợp tác xã trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Tập trung tuyên truyền về các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu, phát huy vai trò cộng đồng, trách nhiệm xã hội và các lợi ích cho thành viên.

 

Tăng cường công tác đào tạo nhân lực đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã, nhất là đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh; thu hút nhân lực đã qua đào tạo, có kiến thức, nhân lực trẻ về làm việc cho hợp tác xã.

 

Hỗ trợ thúc đẩy thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết với doanh nghiệp và các hộ nông dân; Đẩy mạnh hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp kết nối thị trường đầu vào, đầu ra, liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ thông qua nhiều hình thức khác nhau như: các diễn đàn kết nối nông sản, phiên chợ, hội chợ xúc tiến thương mại, xây dựng trang web, sàn giao dịch (truyền thống, điện tử), hỗ trợ xây dựng cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩmnhằm đẩy mạnh cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

 

Tăng cường, đổi mới phương thức chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao cho các hợp tác xã nông nghiệp. Ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã sản xuất quy mô lớn theo tiêu chuẩn chất lượng gắn với ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa và liên kết chuỗi giá trị; hỗ trợ hợp tác xã tập trung ruộng đất để sản xuất theo quy mô lớn thuận lợi cho ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi giá trị.

 

Phát triển mới, củng cố và tái cấu trúc hoạt động sản xuất của các hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả và giải thể các hợp tác xã đã ngừng hoạt động. Tiếp tục rà soát cấu trúc lại sản xuất kinh doanh các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động yếu kém; Giải thể dứt điểm các hợp tác xã nông nghiệp đã ngừng hoạt động từ 12 tháng trở lên; Thúc đẩy phát triển hợp tác xã nông nghiệp từ các tổ hợp tác, nhóm nông dân hoạt động tốt, hiệu quả; Củng cố công tác quản trị của các hợp tác xã theo hướng công khai, minh bạch; Hỗ trợ hợp tác xã phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các hoạt động ở công đoạn sau thu hoạch như sơ chế, chế biến và thương mại sản phẩm./.

 

Dương Nương