Thứ sáu, Ngày 09/05/2025 -

Hội nghị triển khai Chỉ thị số 34 của Thủ tướng Chính phủ
Ngày đăng: 20/10/2022  14:39
Mặc định Cỡ chữ
Chiều 19/10, Ban Điều hành Đề án 1309- Giáo dục quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng- Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh

 

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện trường Chính trị tỉnh, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo.

 

Giáo dục quyền con người có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền con người. Trong thời gian qua, thực hiện Quyết định số 1309/QĐ -TTg ngày 05 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng với các bộ, cơ quan liên quan đã triển khai một số nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao như: tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học về nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người; biên soạn tài liệu, giáo trình; tập huấn đội ngũ giảng viên, giáo viên để thực hiện lồng ghép nội dung quyền con người vào các chương trình giáo dục, đào tạo.

 

Kết quả bước đầu triển khai Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, quản lý, cũng như các nhà giáo, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức triển khai Đề án còn một số hạn chế như: Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra; chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục quyền con người chưa cao; việc hợp tác quốc tế còn gặp nhiều khó khăn...

 

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án, phù hợp với từng cấp học trong tình hình mới, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, UBND các cấp tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm Đề án; quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả nội dung giáo dục quyền con người. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quyền con người.

 

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương tham gia thực hiện Chỉ thị 34. Đồng thời, các đại biểu đề xuất hỗ trợ kinh phí biên soạn tài liệu, giáo trình và tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho giáo viên các cấp học trong thực hiện giáo dục quyền con người tại các cơ sở giáo dục quốc dân; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện Chỉ thị; sớm có văn bản hướng dẫn đưa nội dung giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục; thêm kiến thức liên ngành về giáo dục pháp luật về quyền con người. Tăng cường các hoạt động giáo dục trong nhà trường...

 

Kết luận Hội nghị, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị: Để tiếp tục đẩy mạnh giáo dục quyền con người phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân trong tình hình mới, các Bộ, ngành, địa phương cần hiểu rõ đối tượng trong giáo dục quyền con người để xây dựng giáo trình, biên soạn nội dung, xây dựng bộ học liệu phù hợp.

 

Tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, trong đó về lâu dài cần đào tạo đội ngũ giảng viên cho giáo dục quyền con người, giảng viên có năng lực hướng dẫn cho giáo viên các trường phổ thông. Rà soát kế hoạch triển khai, chú ý việc phân công công việc trong thực hiện Đề án 1309 ở các đơn vị. Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện Đề án. Công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính thực hiện Đề án. Tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả, kinh nghiệm triển khai Đề án 1309 nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị 34 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Minh Huệ