Thứ 3, Ngày 10/12/2024 -

Hội nghị phát triển Giáo dục và Đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Ngày đăng: 24/03/2023  21:43
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 24/3, tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Quang cảnh hội nghị

 

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương cùng lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên. Thay mặt UBND tỉnh Kon Tum, đồng chí Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu tham luận tại hội nghị.

 

Những năm qua, giáo dục Tây Nguyên ngày càng phát triển theo hướng bài bản. Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở bậc mầm non là 42,23% (tăng 31,5% so với năm học 2010 - 2011), tiểu học là 59,14% (tăng 36,7%), THCS là 50,49% (tăng 42,7% so với năm học 2010 - 2011), THPT là 35,58% (tăng 28,8%); Các trường cơ bản đều đã có phòng học bộ môn với 3.051 phòng, đạt tỷ lệ 2,4 phòng/trường; ưu tiên đầu tư bổ sung thêm phòng học bộ môn Tin học và Ngoại ngữ cho cấp Tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 

Bên cạnh đó, các địa phương đã chú trọng công tác huy động học sinh nhập học đúng độ tuổi với tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,93%, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi bậc THCS đạt 90%, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương đạt 68,3%; Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào học THCS đạt 99,03% (tăng 1,61% so với năm học 2010 - 2011), tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đạt 99,4% (tăng 1,4%)… Tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo tại khu vực tăng dần qua các năm; riêng năm 2021, tổng chi ngân sách nhà nước là 12.812 tỷ đồng (tăng 56% so với năm 2011)...

 

Mục tiêu đến năm 2030, giáo dục và đào tạo vùng được đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng cơ bản chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa; nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, ngoại ngữ, tin học; cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhân lực của sự nghiệp phát triển KTXH của vùng; tăng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho đồng bào DTTS, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập…

 

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục, như: Việc sắp xếp mạng lưới trường lớp của vùng hiện nay vẫn chưa khoa học; nhiều trường còn thiếu phòng học, thiếu nhà vệ sinh; trang thiết bị phục vụ học tập giảng dạy còn thiếu; cơ cấu giáo viên giữa các bộ môn, các cấp học chưa đồng bộ… Đồng thời, đề xuất cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho vùng Tây Nguyên, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS để thúc đẩy giáo dục phát triển; chú trọng giáo dục văn hoá bản địa, tiếng DTTS để phát triển con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu giáo dục chung của cả nước cũng như gìn giữ văn hoá Tây Nguyên…

 

Đồng chí Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội nghị

 

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nêu rõ: Thời gian qua, chất lượng giáo dục của tỉnh nhà ngày càng được nâng lên; công tác quy hoạch, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo được triển khai hiệu quả; việc sử dụng và phát huy các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục vùng DTTS nói riêng được quan tâm. Ngoài nguồn vốn ngân sách được giao, tỉnh Kon Tum đã huy động hiệu quả các nguồn tài trợ, viện trợ, nhằm tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện học tập qua các mô hình, chương trình “Thư viện ước mơ”, "Thư viện thân thiện", “Sách cũ cho năm học mới”, “Bán trú dân nuôi”, “Cặp lồng cơm đến lớp”, học bổng "Vì em hiếu học", "Nâng bước em tới trường", "Con nuôi đồn biên phòng", “Trường học hạnh phúc”... đã lan tỏa đến các trường vùng sâu, vùng xa, góp phần xây dựng nhà trường tích cực, thân thiện, huy động học sinh ra lớp hiệu quả.

 

Bên cạnh đó, công tác giáo dục, đào tạo của tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn, như: Thiếu giáo viên; cơ sở giáo dục còn thiếu, chưa đồng bộ so với yêu cầu triển khai Chương trình GDPT, nhất là thiết bị dạy học ngoại ngữ, tin học, thiết bị thí nghiệm, thực hành; hệ thống nhà ăn, nhà bếp, nhà nội trú của các trường phổ thông dân tộc nội trú còn thiếu đồng bộ...

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm đến công tác giáo dục và đào tại vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng, trong đó quan tâm các chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục dân tộc, chính sách cho giáo viên, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, quan tâm đội ngũ nhà giáo; sửa đổi, bổ sung hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia để phù hợp với thực tiễn của các địa phương.

 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc phân tích kỹ đặc điểm vùng miền, đặc biệt là đặc thù về giáo dục sẽ tạo tiền đề để Tây Nguyên giải quyết được khó khăn và thực hiện hiệu quả việc đổi mới giáo dục theo khung chương trình chung của cả nước. Với những đặc thù riêng của vùng thì Tây Nguyên cần phải nỗ lực hơn nhiều so với các địa phương khác trên cả nước.

 

Đồng chí đề nghị, thời gian tới các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung cao độ để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tăng tỷ lệ học sinh theo học ở các bậc đại học; Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập và có sự đầu tư đúng mức, đúng thời điểm cho giáo dục để giáo dục và đào tạo phát triển; lưu ý thời điểm hiện nay để ngành giáo dục có cơ sở hạ tầng và đủ nguồn lực để phát triển, tạo nền tảng thực hiện có hiệu quả các chương trình giáo dục hiện hành; từ đó tạo nguồn nhân lực cho toàn vùng trên mọi lĩnh vực trong tương lai, nhất là nguồn lực phục vụ trực tiếp cho kinh tế nông nghiệp và văn hoá Tây Nguyên./.

 

Huy Thông