Thứ 7, Ngày 27/07/2024 -

Thảo luận sửa đổi, bổ sung Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn NSĐP ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh
Ngày đăng: 13/09/2023  21:10
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 13/9, đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố về thảo luận xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn.

 

Quang cảnh buổi làm việc

 

Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 22/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường các giải pháp mở rộng tín dụng; ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen; BCSĐ UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 67/2019/NQ-HĐND ngày 30/12/2019 thông qua Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.

 

Tính đến ngày 31/5/2023, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã giải ngân cho 200 lượt hộ vay vốn với tổng số tiền 5.520 triệu đồng dùng cho khám, chữa bệnh cho thành viên trong hộ gia đình, sửa chữa xây nhà, kinh doanh, buôn bán nhỏ. Người vay vốn chấp hành tốt việc trả lãi định kỳ, trả nợ khi đến hạn theo đúng cam kết, chưa phát sinh nợ quá hạn. Ước thực hiện đến hết năm 2023, dự kiến giải ngân cho 370 lượt hộ vay vốn với tổng số tiền 8.935 triệu đồng.

 

Qua gần 3 năm triển khai Đề án, với kết quả cho thấy Đề án cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, nhận được sự quan tâm và đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh; kịp thời hỗ trợ nhiều hộ gia đình vượt qua hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, đặc biệt là trong các trường hợp ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo cần có tiền để chi trả, góp phần hạn chế việc đi “vay nóng”, thể hiện được tính nhân văn của Nghị quyết và góp phần đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.

 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, cũng gặp những hạn chế, khó khăn, bất cập như: xác định đối tượng được vay vốn, điều kiện vay vốn, hạn mức cho vay, thời hạn cho vay, mức lãi suất cho vay, quy trình, thủ tục cho vay…

 

Theo nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án lần này đã điều chỉnh mức cho vay từ 30 triệu đồng/hộ/cá nhân lên 50 triệu đồng/hộ/cá nhân; điều chỉnh thời gian cho vay từ “tối đa không quá 24 tháng” lên “tối đa không quá 60 tháng”; điều chỉnh lãi xuất cho vay từ 7,92%/năm xuống còn 6,6%/năm. Riêng việc mở rộng đối tượng cho vay đối với Đề án cho vay tiêu dùng cần phải đánh giá, xem xét kỹ lưỡng.

 

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ các vấn đề liên quan đến nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Đề án đối với mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, mở rộng đối tượng cho vay…

 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu rà soát kỹ các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Đề án; làm rõ các tiêu chí xác định mở rộng đối tượng cho vay đảm bảo yêu cầu, tránh tình trạng trục lợi chính sách, cho vay không đúng đối tượng… Đồng thời, hoàn chỉnh nội dung báo cáo UBND tỉnh xem xét trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định./.

 

Lê Thiện