Thứ 7, Ngày 27/07/2024 -

Già làng, trưởng thôn, người uy tín góp phần lớn xây dựng quê hương ổn định, phát triển
Ngày đăng: 28/09/2023  15:44
Mặc định Cỡ chữ
Trong những năm qua, công tác dân tộc, thực hiện các chính sách dân tộc của tỉnh đã có nhiều đổi mới, góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của Nhà nước. Đồng bào các DTTS luôn đoàn kết, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đóng góp xứng đáng công sức của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương ổn định, phát triển; trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín.

 

Khen thưởng già làng, thôn trưởng, người uy tín giai đoạn 2018 - 2023

 

Tỉnh Kon Tum có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 42 cộng đồng người dân tộc thiểu số với 313.400 người chiếm 54,52% dân số toàn tỉnh; có 7 dân tộc tại chỗ. Có 92 xã, phường thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi; có 13 xã biên giới giáp với các nước bạn Lào và Campuchia. Đồng bào các dân tộc thiểu số luôn có truyền thống đoàn kết, cần cù, chịu khó, thật thà, tốt bụng; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đóng góp xứng đáng công sức của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương làng xã tươi đẹp, ổn định, góp phần cho công cuộc kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc; trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

 

Giai đoạn năm 2018-2023, trên địa bàn tỉnh có 4.426 lượt người có uy tín được bình xét, công nhận. Riêng năm 2023, toàn tỉnh có 634 người được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, già làng 225 người, trưởng dòng họ, tộc trưởng 4 người; trưởng thôn 94 người; cán bộ hưu trí 61 người; chức sắc tôn giáo 30 người; thầy mo, thầy cúng 01 người; nhân sỹ, trí thức 02 người; người sản xuất, kinh doanh giỏi 65 người; trưởng ban công tác mặt trận thôn 78 người; thành phần khác 182 người.

 

Già làng, trưởng thôn, người có uy tín là những người tiêu biểu, có phạm vi ảnh hưởng và sức lan tỏa trong cộng đồng; tuy có nguồn gốc xuất thân, trình độ học vấn khác nhau nhưng hầu hết đều có một điểm chung đó là những người được cộng đồng tôn vinh, kính phục, bầu chọn và lấy đó làm tấm gương để học tập noi theo.

 

Xác định được vị trí, vai trò của mình đối với Đảng, Nhà nước và trách nhiệm đối với cộng đồng dân cư; già làng, trưởng thôn, người có uy tín không ngại khó khăn, vận động người dân tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua lao động sản xuất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo; gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất, cải tạo vườn tạp, đất trồng để tăng diện tích cây trồng; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; giáo dục gia đình, người dân không vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội, cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng thế trận toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự, bình yên trong vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới.

 

Đặc biệt là trong triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.

 

Để cuộc vận động trở nên thiết thực, phù hợp với thực tế và triển khai một cách hiệu quả, dưới sự hướng dẫn của UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương, đội ngũ già làng, thôn trưởng, người có uy tín trong toàn tỉnh đã cùng phối hợp rà soát, đánh giá, xây dựng và đi đầu trong triển khai Cuộc vận động; đáng chú ý là trong triển khai các các mô hình phát triển sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả như: Mô hình lúa chất lượng cao ST25 tại xã Đăk Xú; huyện Ngọc Hồi; Mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn hôn nhân cận huyết thống tại xã Đăk Tơ Lung, Kon Rẫy và xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy; Mô hình làng du lịch cộng đồng Kon Pring, thị trấn Măng Đen, Kon Plông và làng du lịch cộng đồng Kon K'Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum…

 

Ngoài ra, thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh; Tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước xoá bỏ các hủ tục không còn phù hợp theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; thực hiện tốt phong trào bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc và an toàn trật tự thôn, làng khu vực biên giới...

 

Có thể thấy, trong vùng đồng bào DTTS, già làng, trưởng thôn, người có uy tín có sức ảnh hưởng rất lớn tới nhiều yếu tố, lĩnh vực khác nhau, họ thật sự là cầu nối giữa cấp uỷ, chính quyền địa phương với Nhân dân, là nơi để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chính đáng của đồng bào các DTTS, là kênh tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là điểm tựa của cộng đồng dân cư.

 

Già làng, trưởng thôn, người có uy tín còn là những tấm gương tiêu biểu, tích cực vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, bài trừ hủ tục lạc hậu; tham gia giải quyết tốt các vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng, tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn bản đoàn kết, bình yên, cùng nhau phát triển; đặc biệt là những tấm gương sáng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng tại địa phương. Những đóng góp to lớn của họ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của tỉnh nhà.

 

Dương Nương