Thứ 7, Ngày 21/12/2024 -

Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày đăng: 18/12/2023  19:29
Mặc định Cỡ chữ
Chiều 18/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với 5 tỉnh: Kon Tum, Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng về việc thẩm định Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị.

 

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.

 

Quy hoạch vùng lựa chọn kịch bản tốc độ tăng trưởng vùng Tây Nguyên giai đoạn 2021-2030 trung bình 7,5%/năm, thu nhập bình quân khoảng 130 triệu đồng/người/năm. Tây Nguyên phát triển dựa trên kinh tế xanh; bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc; điểm đến du lịch đặc sắc; nông nghiệp hiệu quả cao, công nghệ cao, hữu cơ với một số sản phẩm có thương hiệu quốc tế gắn với trung tâm chế biến; ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxite, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy điện, năng lượng tái tạo.

 

Cơ bản hình thành hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng; nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa; giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo vệ, duy trì hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học; bảo đảm an ninh nguồn nước. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

 

Nguồn lực phân bổ cho vùng Tây Nguyên ưu tiên cho các hành lang kinh tế liên tỉnh; khu vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; đô thị trung tâm vùng và trung tâm các tỉnh; khu bảo tồn tự nhiên, duy trì đa dạng sinh học; khu du lịch quốc gia, có danh lam thắng cảnh quốc gia, di sản văn hóa quốc gia, quốc tế; khu vực có tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo; các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

 

Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu cho rằng, một số vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong Quy hoạch vùng Tây Nguyên là hoàn thiện hạ tầng kết nối trong và ngoài vùng; cơ chế quản lý khai thác tài nguyên, phối hợp liên ngành; mô hình và phương án tổ chức không gian phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện phúc lợi xã hội...

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội nghị

 

Trao đổi từ điểm cầu tỉnh Kon Tum, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự đồng tình và thống nhất cao đối với các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển và giải pháp trong dự thảo Quy hoạch vùng cũng như các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của các Bộ ngành, địa phương; mong muốn Chính phủ sớm thông qua để triển khai các chủ trương, định hướng lớn của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022; đồng thời tạo tiền đề và sức bật mới, mạnh mẽ hơn cho phát triển KT-XH Tây Nguyên thời gian tới.

 

Về góp ý dự thảo Quy hoạch vùng, UBND tỉnh Kon Tum đã có 2 văn bản tham gia ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp.

 

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị bổ sung thêm một số nội dung: Ưu tiên đầu tư sân bay Măng Đen (huyện Kon Plông); Đối với định hướng phát triển KT-XH của tỉnh Kon Tum, ngoài trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh là thành phố Kon Tum, bổ sung thêm thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông); Kon Tum có thế mạnh về phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu, vì vậy bổ sung thêm quy hoạch chế biến sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; Với lợi thế vốn có, tỉnh Kon Tum xác định phát triển nguồn năng lượng tái tạo là một lĩnh vực then chốt để giúp tỉnh tăng trưởng và phát triển ổn định, bền vững, vì vậy, đề nghị bổ sung thêm công suất vào dự thảo quy hoạch.

 

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, quy hoạch vùng Tây Nguyên phải chỉ rõ giải pháp mang tính đột phá, kết hợp tiềm năng, lợi thế với xu thế thời đại để Tây Nguyên “thức giấc” với giá trị mới, theo kịp vùng khác; đồng thời gìn giữ, bảo tồn những tài sản vô giá, trường tồn.

 

Quy hoạch phải bài bản, tổng thể, toàn diện và hiểu biết sâu sắc những giá trị độc đáo. Ưu tiên khoanh định những giá trị độc đáo của khí hậu, thiên nhiên, đa dạng sinh học, địa chất, nguồn nước, văn hóa… để bảo tồn, giữ gìn và hình thành giá trị tài nguyên vô giá, trở thành nguồn lực phát triển độc đáo, nâng cao đời sống của người dân.

 

Quy hoạch không gian phát triển, đô thị, nông thôn giữ được bản sắc, hài hòa với địa hình, cảnh quan, làm định hướng cho hạ tầng kết nối giao thông theo hệ sinh thái, chuỗi giá trị, hành lang kinh tế trong nội vùng và liên vùng.

 

Nông nghiệp cần thay đổi theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, sử dụng ít nước, gia tăng giá trị thông qua chế biến, hình thành sản phẩm quốc gia; khuyến khích năng lượng tái tạo kết hợp thủy điện tích năng; phát triển kinh tế lâm nghiệp…

 

Các dự án, chương trình ưu tiên trong Quy hoạch phải có tiêu chí rõ ràng, mang tính đột phá, tập trung vào các sản phẩm của vùng. Tây Nguyên cần cơ chế, chính sách riêng để tạo chuyển biến căn bản trong quản lý đất đai, nguồn nước, giáo dục, y tế, thúc đẩy hạ tầng số phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số./.

 

Dương Nương