Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2024 đạt 2.062.352 tỷ đồng, tăng 8,5%, trong đó hầu hết các nhóm hàng hóa đã đều có mức tăng khá (tăng từ 10,03-17,8%), các nhóm dịch vụ tăng từ 9,4-49,3%, riêng nhóm phương tiện đi lại hầu như không tăng nên đã kéo tổng mức chung 4 tháng đầu năm tăng ở mức 8,5%.
Thị trường hàng hóa tháng 4 không có biến động lớn, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá các mặt hàng tương đối bình ổn, riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng từ dịch tả lợn Châu phi đang lây lan tại một số địa phương ảnh hưởng đến nguồn cung nên giá lợn hơi và thịt lợn có tăng tại một số khu vực. Các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng giá biến động theo giá trên thị trường thế giới.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4/2024 đạt 522.079 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước, trong đó các nhóm hàng chính (tỷ trọng lớn) như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, du lịch, dịch vụ, lưu trú, ăn uống có mức tăng khá (tăng từ 2-3,4%) do nhu cầu các mặt hàng này tăng đặc biệt trong các dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4; các nhóm còn lại chỉ tăng từ 1,4-1,9%. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2024 đạt 2.062.352 tỷ đồng, tăng 8,5%, trong đó hầu hết các nhóm hàng hóa đã đều có mức tăng khá (tăng từ 10,03-17,8%), các nhóm dịch vụ tăng từ 9,4-49,3%, riêng nhóm phương tiện đi lại hầu như không tăng nên đã kéo tổng mức chung 4 tháng đầu năm tăng ở mức 8,5%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 4 tháng đầu năm tăng 5,3%.
Thành phố Hà Nội: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2024 ước tính đạt 66,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 42,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% và tăng 8,4%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 8,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 8,2%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% và tăng 52,4%; doanh thu dịch vụ khác đạt 13 nghìn tỷ đồng, tăng 2% và tăng 2,1%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 266,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 171,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,5% tổng mức và tăng 9,2% (đá quý, kim loại quý tăng 24,1%; lương thực, thực phẩm tăng 10,9%; phương tiện đi lại trừ ô tô con tăng 9,1%; hàng may mặc tăng 8,9%; ô tô con tăng 6,9%; xăng dầu tăng 6,3%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 6%; hàng hóa khác tăng 13,2%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 34 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,8% và tăng 12,5% (dịch vụ lưu trú tăng 37,9%; dịch vụ ăn uống tăng 10,1%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,1% và tăng 49%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 52,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,6% và tăng 1,7%.
Thành phố Hồ Chí Minh: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 93.444 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 46.384 tỷ đồng, chiếm 49,6% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 10.080 tỷ đồng, chiếm 10,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, giảm 2,4% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ. Dịch vụ lữ hành ước đạt 3.617 tỷ đồng, tăng 10,5% so với tháng trước và tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 33.363 tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng trước và giảm 2,5% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 366.947 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 177.087 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ; Doanh thu lưu trú và ăn uống ước đạt 40.385 tỷ đồng, tăng 11,0% so với cùng kỳ; Doanh thu dịch vụ lữ hành 11.951 tỷ đồng, tăng 71,9% so với cùng kỳ; Doanh thu dịch vụ khác ước đạt ước đạt 137.524 tỷ đồng, tăng 10,8%.
Thành phố Đà Nẵng: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 năm 2024 ước đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Tổng mức bán lẻ tháng 4 năm 2024 ước đạt 5.875 tỷ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán buôn hàng hóa ước đạt 12.578 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.321 tỷ đồng, tăng 4,7% so với tháng trước, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 677 tỷ đồng, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 64,7% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 1.627 tỷ đồng, giảm 0,9% so với tháng trước, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 40.715 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Tổng mức bán lẻ 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 23.628 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán buôn hàng hóa ước đạt 46.583 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 8.403 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 2.226 tỷ đồng, tăng 98,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất nhập khẩu
Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4 đạt 30,9 tỷ USD, giảm 8,2% so với tháng trước, trong đó các nhóm hàng đều giảm với mức giảm từ 1,3- 11,4%. Các nhóm có tỷ trọng lớn như hàng nông thủy sản giảm 2,5%, nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm 9,2% do các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, sắn lát, hàng dệt may, máy móc phụ tùng, hàng điện tử... giảm kim nghạch xuất khẩu. Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm đạt 123,78 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng từ 3,7-28%. Nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm nhiên liệu, khoáng sản và nhóm nông thủy sản với mức tăng lần lượt là 28% và 26%, nhóm có tỷ trọng lớn nhất là nhóm công nghiệp chế biến chỉ tăng 14,2% (thấp hơn mức tăng chung).
Ước kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4 là 31,4 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng trước, trong đó mức tăng tập trung vào nhóm hàng cần nhập khẩu (tăng 1,6%) và nhóm hàng hóa khác (tăng 5,6%), nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu giảm 1,2%. Ước kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm là 116,48 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó nhóm hàng cần nhập khẩu tăng 18,2%, nhóm hàng hóa khác tăng 15,1%; riêng nhóm cần kiểm soát nhập khẩu đang được kiểm soát khá tốt với mức giảm 3,6%. Sau 4 tháng, cán cân thương mại tiếp tục ở trạng thái xuất siêu với mức xuất siêu là 7,3 tỷ USD.
Về tài chính tiền tệ
Tính đến tháng tháng tháng 3/2024, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước đối với các khoản tiền gửi mới và cũ còn số dư ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2-2,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,0-5,3%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 6,2-7,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 7,1- 7,4% đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,7- 9,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,6%/năm.
Tỷ giá niêm yết của NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam ngày 25/4/2024 ở mức 25.167 USD/VND (mua vào) và 25.477 USD/VND (bán ra), tăng 4,51%/4,33% so với cuối năm 2023.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4 tăng 0,07% so với tháng trước, trong đó có 08 nhóm tăng giá và 03 nhóm giảm giá. Trong số các nhóm tăng, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm giao thông (tăng 1,95%) do tác động của giá xăng dầu được điều chỉnh tăng trong thời gian vừa qua, bên cạnh đó là việc tăng giá cước vận tải của đường hàng không và đường bộ; tiếp đến là nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,92%) chủ yếu do phí dịch vụ y tế tăng; các nhóm còn lại tăng từ 0,03-0,21%. Các nhóm giảm gồm lương thực (giảm 0,63%) do giá gạo giảm, thực phẩm (giảm 0,18%) do giá rau củ quả giảm, nhóm giáo dục (giảm 2,93%) do phí dịch vụ giáo dục giảm theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhóm bưu chính viễn thông (giảm 0,17%) do các chương trình khuyến mại.
CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 3,93% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó hầu hết các nhóm hàng đều tăng với mức tăng từ 1,25-8,84%, trong đó nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất, tăng 8,84% do các địa phương điều chỉnh tăng học phí từ giai đoạn cuối năm 2023 và chưa giảm hết theo chỉ đạo của Thủ tướng; tiếp đến là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,74% do phí dịch vụ y tế tăng theo lộ trình; nhóm hàng hóa khác tăng 6,12% do một số dịch vụ tăng; nhóm nhà ở vật liệu xây dựng tăng 5,54% do giá điện, nước tăng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,72% do giá lương thực tăng cao từ cuối năm 2023; nhóm giao thông tăng 2,76% do giá xăng dầu, cước vận tải tăng... Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 1,47% do các chương trình khuyến mại của các hãng viễn thông./.
Trịnh Minh